ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 02:24:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ði săn chồn

Báo Cà Mau Mùa hè, nghỉ học về quê vui lắm. Nào là ra ruộng giúp người lớn việc đồng áng, đi kiếm cá, bắt ốc, hái rau... Rồi còn dành thời gian cho những việc hấp dẫn như cỡi trâu, gài le le, đào hang bắt chuột, đi săn chồn và tắm sông chia bồ bày trận giả. Tuổi thơ, mười một, mười hai, hình ảnh xưa có cái nhớ cái quên, riêng việc đi săn chồn, thật lòng chiêm bao vẫn thấy.

Mùa hè, nghỉ học về quê vui lắm. Nào là ra ruộng giúp người lớn việc đồng áng, đi kiếm cá, bắt ốc, hái rau... Rồi còn dành thời gian cho những việc hấp dẫn như cỡi trâu, gài le le, đào hang bắt chuột, đi săn chồn và tắm sông chia bồ bày trận giả. Tuổi thơ, mười một, mười hai, hình ảnh xưa có cái nhớ cái quên, riêng việc đi săn chồn, thật lòng chiêm bao vẫn thấy.

Rảnh rỗi là tôi tới nhà người bác bà con ở đầu xóm chơi. Nhà bác có bầy chó, được bác huấn luyện rất khoẻ, khôn, điêu luyện dùng để đi săn. Tôi hay được bác cho đi theo săn chồn. Ðịa điểm săn thường là những khu vườn rộng vài héc-ta bỏ hoang lâu ngày, cây lá, dây leo um tùm, không xa xóm nhà chúng tôi là mấy.

Chó săn chồn của bác cũng từ chó nhà thôi, chỉ cần biết lựa những con hay rồi sau đó phải tập tành dần. Chọn chó mỗi người một cách, theo dân gian, ban đêm đưa cả mẹ con bầy chó ra nơi vắng vẻ, bất thình lình dùng lửa đốt gần, chó mẹ sợ cháy chết đám con vội tha từng con chạy. Con nào được tha trước, con đó chọn làm chó săn. Bác tôi thì khác, lựa con chó bụ bẫm trong bầy có mẹ cha không đồng huyết, mắt lanh, tai thính, mũi nhạy cùng thân hình dẽ dặt, gân lực, sườn ngang, cằm chẻ, khoé miệng sâu, chân thẳng, xoáy ngựa càng tốt, có móng đeo chân sau, đặc biệt đầu lưỡi phải có đém đen phòng khi bị rắn độc cắn.

Minh hoạ: Hoàng Vũ

Việc tập dượt cũng khá đơn giản, cho chó quen hơi, biết mặt của từng loài ở ngoài rừng. Chó mười tháng tuổi cho đi cùng với bầy chó săn để cọ xát làm quen. Chó đúng một năm tuổi bắt đầu tự biết phân biệt mùi, hình thành cung cách đặc thù để chủ dễ nhận diện chó muốn nói gì qua cử chỉ hành động, giọng điệu.

Ði săn tốt nhất vào lúc trời hay mưa cho chó không bị “xì”. Sớm mai đi săn, chiều nay có cuộc họp chuẩn bị nhưng nội dung gọn ghẽ lắm. Khu vườn đi săn địa hình, địa vật ra sao được bác vẽ bằng thanh tre dưới nền đất. Bọn tôi chú ý nhất là những con đập nối khu vườn này sang khu vườn bên kia, bởi nắm chắc nội dung này tới phần phân công nhân sự dễ hiểu hơn. Lý thuyết có thông, vào thực địa không lọng cọng. Trừ bác ra, chúng tôi mỗi đứa canh chừng một con đập nhỏ nối hai khu vườn. Có thể hái trái gì ăn được gần đó nhắm nháp hoặc có đứa mang nạng giàn thun bắn mấy con chim trên cành đang nhảy nhót cho đỡ buồn. Làm gì thì làm, phải để tai nghe tiếng rượt đuổi đặng trở lại vị trí kịp thời. Thấy chồn tới, chỉ cần quát to, chồn sợ quay đầu lại, chó lúc đó trờ tới cắn yết hầu là tắt thở ngay. Cuộc họp không căng thẳng, còn được bác cho ăn trái cây, uống nước dừa, kết thúc ra về bác hay nhắc nhở “đêm nay mấy đứa ngủ sớm nghe”.

Hừng đông, có tiếng réo gọi nhau, chạy một mạch tới nhà bác, khăn, nón chỉnh tề. Trước tiên, thủ cho cái dạ dày: người ăn cơm, có thức ăn đàng hoàng, dọn trên bàn, thường là đứng ăn; chó ăn cháo trắng dưới nền đất, cũng đứng, vét sạch trơn. Trước khi xuống xuồng, bác phát công cụ “tác chiến”. Bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa một cây mác cán dài, bình nước mưa đeo bên hông. Riêng bác, thêm một cây chĩa và chiếc tù và bằng sừng trâu coi oai phong lắm. Bác chèo sau, chúng tôi thay nhau chèo trước. Tới điểm xuồng vừa ghé bến, người còn lỉnh kỉnh với đồ đạc thì bầy chó trước đó đã nháo nhào, chen lấn, nhảy đùng đùng xuống nước, chạy ngay vào vườn hoang. Không ai nói ai một lời, nhanh chân bươn chạy vào vị trí đã định sẵn.

Chó săn vừa vào rừng hăng hái lắm, bộ chân di chuyển ngoằn ngoèo bẻ phải bẻ trái, mũi khìn khịt đánh hơi trên, đánh hơi dưới tìm mồi. Trong bầy chó năm con, bác tôi biết giọng từng con một. Con vện đầu đàn sủa là chắc chắn có chồn, gầm gừ là sẽ cắn mồi trong vòng đôi ba phút tới. Con mực sủa là có rắn, cần cẩn thận khi nó cắn rồi thảy đi trong lúc rắn chưa chết hẳn. Con phèn sủa là bắt được rùa, thường nó lật ngửa mai rùa lại xong xuôi mới sủa để bác tôi biết đến bắt, cho vào bao đựng.

Quần đảo dữ tợn, suốt ba bốn tiếng đồng hồ rồi bằng tiếng tù và của bác, chúng tôi tập hợp người lẫn chó về vị trí xuất phát. Lúc này nhìn những con chó bơ phờ, lem luốc đáng thương làm sao. Vâng lời chủ thực hiện món nghề đẳng cấp, chuyên nghiệp, con nào mi mắt cũng rơm rớm máu do lúc mở hết tốc độ rượt chồn, gai hoặc vật nhọn đâm, buộc chúng phải nhắm mắt nên mi mắt hứng chịu. Chưa nói tới những con trình độ “gà phèn” lúc "chinh chiến", ra đòn tấn công, đứng sai thế cơ bản bị đối thủ cắn trả rách da, máu me đầm đìa.

Từ ngày tôi tháp tùng đi săn, không bao giờ trắng tay. Chiến lợi phẩm đa dạng lắm: chồn, rùa, rắn. Riêng chồn, phong phú vô cùng. Hôm chồn mướp, hôm chồn cáo cọc, chồn bông lau, chồn đèn, rái cá, đủ thứ hầm bà lằng.

Khi về, khí thế có giảm, ai siêng thì chèo, ai mệt thì nằm hoặc ngồi hát ca tuỳ thích, bởi nước xuôi xuồng trôi nhanh, mái chèo cứ lạo nhè nhẹ xuống nước là nó đi băng băng. Nắng trưa, gió Nam lồng lộng, xuồng len lỏi dưới những rặng dừa ven bờ rợp bóng. Chiếc xuồng trườn trượt đều đặn về phía trước, mái chèo khua nhẹ tạo âm thanh có giai điệu ấm, tiết tấu chậm, ngắt quãng tựa hồ cánh võng xưa mẹ nắm một đầu dây đong đưa lúc làng quê bận bịu mùa đan đát. Nếu không đói bụng, nếu đừng nghĩ tới nồi chồn nấu giả cày có mùi riềng nghi ngút thơm lừng, với chén nước chấm sả ớt; rắn kho nước dừa; rùa rang muối làm cho đầu lưỡi tê tê ướt át thì chắc là được một giấc ngủ sâu.

                        ***

Thời gian trôi nhanh, lại tới kỳ nghỉ hè. Lần này theo tôi về quê có thằng bạn học, bà con gần, tôi ở nhờ nhà nó đi học. Tướng tá nó ngon lành lắm, mới lớp bảy mà nó theo môn Vovinam (võ cổ truyền Việt Nam) vào ban đêm, lên tới đai xanh, ba gạch vàng. Dẫn nó tới chào bác, bác rất vui vẻ như mọi khi, tôi hỏi han việc đi săn và xin hẳn cho nó đi cùng một chuyến.

Cũng như các lần đi săn trước, vẫn khí thế nhộn nhịp, phấn khích như ngày nào, có điều hôm nay mây cứ vần vũ là đà, bầu trời hệt chiếc chảo khổng lồ xám xịt muốn úp gọn chúng tôi. Thằng bạn được bác tôi cho canh giữ ở cửa ngõ then chốt nối hai mảnh vườn to, nơi quen thuộc trước đây của tôi. Lần này tôi được “cất nhấc” lên đi chung với bác. Bác chỉ tôi những việc cần chú ý cho cuộc đi săn. Tôi chỉ nghe nhưng không kịp suy nghĩ hay trả lời gì cả, vì tay chân luôn làm việc hết công suất, vừa vạch rẽ dây leo, bước ngắn bước dài xộc xệch, nhảy lên nhảy xuống cả bẻ ngoặt, vừa không để lạc lối và nhất là tránh cho được mọi rình rập của tự nhiên như gai nhọn, kiến vàng, sâu lức… có thể làm hỏng cả cuộc đi săn.

Mưa bắt đầu rơi. Một con chó sủa, rồi cả bầy cùng sủa, tất cả tăng tốc báo hiệu trận mạc bắt đầu. Bác đang chạy, ngoái lại bảo tôi: “Trở lại, cho các chốt tụi nó hay có con chồn cáo cọc, bự lắm!”. Chưa đầy 20 phút sau, thông báo của bác được tôi chuyển tới tai các “chiến hữu” ở bốn con đập nằm cạnh các góc khu vườn. Lúc chạy truyền đạt thông tin, có vài lần tôi bị ngã lăn lồm cồm ngồi dậy nhìn qua kẽ lá thấp thoáng bầy chó đang tác chiến, kêu la ăng ẳng và di chuyển rất nhanh, chưa từng thấy bao giờ. Con luốc luốc ngắn đòn dáng nhỏ lùn liền thì lòn xoèn xoẹt trong bụi rậm; con vện rằn khoẻ quắp cẳng, co chân, tung mình hết cỡ như bay trên không cố vượt chướng ngại hoặc bẻ khúc cua rơi ầm đùng, miệng táp nước ừng ực để kịp chộp đối phương. Cứ như thế, bác và chó tiến theo hướng Ðông nơi thằng bạn đón lõng, trong tiếng sấm chớp rền vang. Tôi lại chạy một mạch theo đường hành lang ven khu vườn tới chỗ đón đầu. Tới nơi, cũng là lúc con vện đầu đàn, con phèn cũng càn từ trong vườn rậm ra, đuôi ngúc ngoắc, miệng hư hứ. Bác tôi còn cách đó một khoảng, chợt gằn giọng: “Bây có thấy chồn không?”. Hai đứa tôi ngơ ngác, chưa kịp trả lời. Thoáng nhìn thằng bạn, mặt mày cắt không còn chút máu. Tôi định hỏi nó thì bác vừa tới, qua vài câu tôi mới biết cớ sự.

Như là quy luật, con chồn khi bị chó rượt nó chạy loanh quanh các bụi rậm trong một khu vườn, thậm chí nó còn giở trò đái một phát đậm vào bụi làm cho chó cứ tưởng chồn đâu đây rồi luẩn quẩn dò tìm để nó có thời gian chuồn xa. Chiêu đó không qua được những bầy chó dày dặn. Khi phát hiện, chó không vây bụi rậm, xôn xao hò hét mà chỉ có lác đác một, hai con đeo bám, rượt đuổi, còn lại triển khai phương án nghi binh. Chồn cũng khôn lắm, nhận định chớp nhoáng tình hình liền tìm chỗ sơ hở của vòng vây, thoát qua khu vườn khác.

Thằng bạn tôi chưa bao giờ thấy cọp thật, nó chỉ biết cọp qua hình ảnh, qua lời kể. Mới đây, nó vừa đọc ké của cậu tôi cuốn tiểu thuyết lịch sử nói về Lê Lợi, trong đó có đoạn, trước ngày sinh ra ông, tại cổng làng xuất hiện con hùm xám làm cả làng sợ sệt không một ai dám ra khỏi nhà, đến khi sinh ra ông, hùm xám ấy lại biến mất. Nó cứ nhớ và suy nghĩ hoài. Hình ảnh cọp trong chớp mắt lại hiện về khi con chồn to tướng màu xám mốc xuất hiện. Mồ hôi rịn toàn thân, nó đã đánh rơi cây mác không hay biết, rướn người đu lên một cành cây to, miệng thất thanh “cọp”. Thế là chồn chạy qua. Còn nó, khi chúng tôi tới, miệng còn lập bập không ra lời.

Mất gần buổi sáng vật vã mà chưa thu hoạch được gì, mưa ngày càng nặng hạt, bác tôi đành đưa tù và sâu vào miệng thổi mấy hồi dài. Tất cả người và chó luộm thuộm đi về bờ sông nơi chiếc xuồng đậu chờ. Lạ, người đủ cả, tuy có phần uể oải, còn chó chỉ có hai con, trông chúng còn điều gì chưa ổn, cứ chạy tới chạy lui, không chịu xuống xuồng như mọi khi. Bác tôi nín thinh, một mình từng bước vào giữa khu vườn, chúng tôi thóp tim chờ đợi.

20 phút sau, bác thổi tù và giọng đanh, dồn dập, chúng tôi theo hướng đó lao vào. Không kịp hỏi, mọi việc đã rõ mồn một, ba con chó nằm sùi bọt mép, đờm kéo ròn rọt, hít thở khó khăn. Hai con rắn hổ gãy xương sống ưỡn ẹo chưa chết hẳn nằm vắt ngang trên thân cây bần ổi kề bên. Bác buồn buồn diễn giải: Hết thời rồi đó, việc này rất hiếm xảy ra. Chó gặp rắn liền cắn vào giữa thân rồi vung bằng bặc một chập, sau đó quăng đi, rồi tiếp tục đến cắn vào thân rắn vung cho tới khi rắn chết. Không may lúc quăng xuống lại rơi vào đầu đồng đội đang đứng gần chờ đợi tới quận mình được đóng góp. Do rừng cây chật chội, những con chó kia khó bề né tránh nên bị rắn cạp vào đỉnh đầu, mà đỉnh đầu lưỡi chó không với tới để tự chữa. Phải chết.

Theo lệnh của bác, bọn tôi mỗi đứa ôm một con chó, nó lạnh ngắt, oằn oại như sắp chết. Gần như mỗi con mỗi đôi mắt đều có nỗi buồn và sự suy nghĩ khác nhau về cái chết. Mắt mũi chúng đều đỏ, trũng sâu nhoè nhoẹt, chốc chốc cố ngước lên nhìn đắm đuối chúng tôi van xin cứu mạng.

Trên đường về, khác hơn mọi lần, hôm nay chúng tôi thay nhau chèo chống, bác tôi ngồi vấn thuốc rê kéo miết, nhìn xa xăm, không một lời. Bước lên khỏi xuồng, bác nói với chúng tôi như tuyên bố: Nay về sau không đi săn nữa, ba xác chó đem ra vườn lần lượt chôn dưới các gốc cây. Hai con chó cưng còn sót lại được chuyển thành chó giữ nhà và bắt chuột./.

Công Văn

Dấu ấn Việt Nam tại triển lãm “Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á 2025”

Cuộc triển lãm “Asian Art Century - Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á” lần thứ I năm 2025, diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan, là một sân chơi nghệ thuật tầm cỡ, nơi hội tụ những sáng tạo đương đại đặc sắc của các hoạ sĩ đến từ khắp nơi trong khu vực. Với tinh thần giao lưu, hội nhập, các hoạ sĩ Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ mỹ thuật quốc tế.

Văn hoá, văn học - nghệ thuật phải mang hơi thở đương đại

“Văn hoá, văn học - nghệ thuật  là nền tảng, là động lực phát triển, tạo thành sức mạnh cộng hưởng để đóng góp và sự nghiệp phát triển của địa phương, mang hơi thở đương đại cuộc sống xã hội, trở thành nền công nghiệp văn hoá”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển nêu tại buổi Toạ đàm 50 năm nền văn học, nghệ thuật tỉnh Cà Mau sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), chiều 29/4.

CẢM XÚC THÁNG NĂM

Chào tháng Năm ! Chào quê hương tươi đẹp thanh bình Tháng Năm vẫn trời xanh mây trắng Cánh đồng vàng thêm màu nắng Rơm rạ còn lưu dấu một mùa vui

Văn nghệ sĩ tỉnh Cà Mau với tất cả tấm lòng vì một cơ đồ Việt Nam

Chiều nay (28/4), tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau diễn ra Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”.

Bản hùng ca thống nhất

Hoà chung không khí cả nước mừng dấu mốc lịch sử trọng đại: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hoá tỉnh phối hợp Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin các huyện, TP Cà Mau và xã, thị trấn tổ chức biểu diễn Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca thống nhất”.

Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca thống nhất"

Với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca thống nhất”, tối 25/4, tại Khu dân cư Minh Thắng (Phường 9, TP Cà Mau), tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Khởi sắc vùng căn cứ

Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể (ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) là niềm tự hào của Nhân dân 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu. Với sự quan tâm đầu tư của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực vươn lên kiến thiết quê hương của người dân, vùng quê cách mạng đã và đang chuyển mình đi lên mạnh mẽ.

Giao thoa văn hoá 3 dân tộc

Trong quá trình gần 300 năm, đồng bào 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer đã cùng nhau cộng cư trên mảnh đất Cà Mau với tinh thần đoàn kết, tương trợ cùng nhau phát triển. Mặc dù mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, nhưng trải qua cuộc sống xen cư với nhau từ bao đời nay đã tạo nên sự giao thoa, gắn kết hài hoà, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo, đa sắc của xứ sở Cà Mau.

Trao kỷ niệm đẹp cho ngày trọng đại

Bỏ công sức để làm những chiếc cổng cưới lá dừa truyền thống thay lời chúc phúc, Xã đoàn Khánh Hải và Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời đã góp sức tạo nên một đám cưới đáng nhớ cho các đoàn viên, thanh niên (ÐVTN).

Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.