(CMO) LTS: Theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên phạm cả nước có 28 hội có tính chất đặc thù. Trên cơ sở xác định hội có tính chất đặc thù sẽ được phân theo 3 nhóm gồm: tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế; tổ chức xã hội. Căn cứ quy định của quyết định này và điều kiện ngân sách địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định danh sách hội có tính chất đặc thù tuỳ vào tình hình, điều kiện ở mỗi địa phương, tỉnh Cà Mau đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ về mọi mặt để hội đặc thù phát huy tốt nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Bài 1: Góp sức vì an sinh xã hội
Tổ chức công tác hội đặc thù cấp xã tại tỉnh Cà Mau từng bước được kiện toàn, củng cố vững mạnh trong thời gian qua. Hoạt động hội đi vào nền nếp, chiều sâu, hội viên đoàn kết trong công tác, tham gia lao động, sản xuất, tạo nên nhiều phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả trong công tác hội ở cơ sở.
Những năm qua, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công cuộc xây dựng nông thôn mới tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân đạt nhiều kết quả đáng trân trọng. Trong đó phải kể đến vai trò của các hội đặc thù cấp xã trong công tác an sinh xã hội tại địa phương. Từng phần việc tuy giản đơn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, mỗi hội đặc thù góp thêm cho quê hương anh hùng những thành tựu mới.
Những phần việc mang tính chất đặc thù ở từng hội góp phần cùng địa phương đảm bảo công tác an sinh xã hội, giữ vững các tiêu chí xã nông thôn mới. |
Góp nhỏ thành lớn
Là người đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội xã Phú Mỹ trên 15 năm, ông Lê Thanh Dũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nhiệm vụ được giao. Với tính chất đặc thù của hội là tự nguyện và tự quản, công việc đối với ông là niềm vui to lớn khi mỗi lần hồ sơ đối tượng nhận bảo trợ xã hội được cấp trên xét duyệt thành công.
Ông Dũng tâm sự: “Công tác xã hội mấy mươi năm, mỗi công việc đều gắn bản thân mình với tinh thần trách nhiệm cao. Từ khi được giữ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội, tôi càng trăn trở về công việc này. Nhìn thấy nhiều hoàn cảnh đáng thương khi gánh chịu những hậu quả từ chiến tranh, bản thân tôi càng muốn gắn bó với công tác hội nhiều hơn để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, tật nguyền”.
Thấu hiểu những mất mát, bất hạnh khi chẳng may nhiễm chất độc do chiến tranh nên ông Dũng không ngại khó khăn tìm cơ hội cho các đối tượng cần được trợ giúp. Ông lặn lội đường xa đến từng nhà nạn nhân chất độc da cam để tìm hiểu, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thụ hưởng chính sách theo đúng quy định. Mỗi hoàn cảnh nạn nhân chất độc da cam là một câu chuyện, nhưng chung quy lại họ đều bất hạnh, mất mát và cần sự kết nối, chia sẻ, giúp đỡ trong cuộc sống.
Gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc, ở ấp Xẻo Đước, là một trong nhiều trường hợp nạn nhân nhiễm chất độc da cam được ông Dũng hỗ trợ làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách Nhà nước vào năm 2018. Biết được gia đình ông Ngọc có cả vợ chồng đều tham gia kháng chiến, nhưng tình trạng sức khoẻ ông Ngọc ngày càng biểu hiện xấu nên ông Dũng lập hồ sơ thủ tục để ông Ngọc được đi giám định sức khoẻ đúng quy định.
Ông Lê Thanh Dũng (áo xanh) luôn nêu cao tinh thần tự nguyện, tự quản trong công tác Hội tại địa phương
Ngoài hỗ trợ thủ tục giám định về đối tượng nạn nhân chất độc da cam, ông Dũng còn làm cầu nối để giúp ông Ngọc xây dựng căn nhà kiên cố với kinh phí hỗ trợ 70 triệu đồng từ Trường Cao đẳng Việt Sài Gòn. Ông Ngọc bày tỏ: “Căn nhà hoàn thành vào năm 2021. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ban, ngành mà gia đình có được chỗ ở chắc chắn, nếu tự lực thì tôi khó mà xây dựng nổi căn nhà kiên cố. Gia đình tôi rất vui mừng và biết ơn”.
Với nhiều căn bệnh hiểm nghèo từ di chứng do chất độc da cam để lại trên người, dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng ông Ngọc vẫn an tâm khi ở tuổi 80 hàng tháng có khoản hỗ trợ 2,9 triệu đồng và căn nhà khang trang. Đây là một trong nhiều trường hợp điển hình khi được ông Dũng kết nối hỗ trợ từ chính công việc đặc thù và trách nhiệm của một người tự nguyện gánh vác trọng trách vì cộng đồng, xã hội.
Xây dựng hội trên tinh thần tự nguyện
Hiện tại, trên địa bàn xã Phú Mỹ có 9 hội đặc thù thuộc thẩm quyền quản lý của UBND xã, bao gồm Hội Khuyến học, Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Cựu tù chính trị yêu nước, Hội Đông y, Hội Thuỷ sản, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Huyện hội, Đảng uỷ, UBND xã Phú Mỹ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các hội đặc thù có thành tựu đáng trân trọng. Hội đặc thù đã làm tốt công tác vận động Nhân dân, tiên phong trong công tác an sinh xã hội, đưa phong trào này trở thành điểm sáng, tạo sức lan toả sâu rộng, thiết thực.
Hội Người cao tuổi là một hội đặc thù có nhiều hội viên nhất tại địa bàn xã, với 925 hội viên tham gia. Công việc tuy ít theo cách nghĩ của nhiều người, nhưng với ông Nguyễn Vũ Bằng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, phải có tâm, trách nhiệm mới quản lý, rà soát, công nhận độ tuổi cho từng hội viên đúng quy định.
Ông Bằng tâm tình: “Từ khi giữ chức vụ đến nay được 4 năm, công việc làm riết cũng quen. Hội viên trên địa bàn nhiều nên mình chủ động rà soát kỹ lưỡng, nhớ tuổi từng đối tượng rõ ràng để hồ sơ, giấy tờ được minh bạch, hưởng trợ cấp đúng người, đúng đối tượng. Mỗi quý họp 1 lần, chủ yếu củng cố các chi, tổ hội, thu nguồn quỹ hội, thăm viếng, rồi tham mưu lãnh đạo hỗ trợ quà cho những đối tượng khó khăn… Nói chung, việc thì nhẹ nhàng nhưng phải có trách nhiệm, vì đặc thù công việc là vậy”.
Ông Nguyễn Đức Thông, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: “Đa phần các vị lãnh đạo hội đặc thù vượt qua khó khăn về tuổi tác, sức khoẻ để đóng góp cho địa phương, đặc biệt là công tác an sinh xã hội. Những phần việc đó góp phần cùng chính quyền giảm tải công việc từ cơ sở nhờ các cô chú đi sâu, đi sát từng đối tượng để kịp thời tham mưu với cấp uỷ. Bên cạnh đó, cầu nối giữa tổ chức hội và những tổ chức xã hội từ thiện góp phần hỗ trợ kịp thời cho hội viên, giúp bà con vươn lên trong cuộc sống”.
Tuy số lượng hội viên đông nhưng ông Nguyễn Hữu Bằng (áo xanh bìa trái) kịp thời tham mưu vận động nhằm hỗ trợ những hội viên cao tuổi gặp khó khăn trong cuộc sống
Hội đặc thù hoạt động hiệu quả nhưng chưa đồng đều, một số hoạt động còn thụ động và rời rạc, riêng lẻ dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao giữa các hội do tính chất công việc đặc thù cấp xã. Do vậy, địa phương từng bước củng cố, tổ chức, sắp xếp lại hội đặc thù nhằm mang lại hiệu quả trong công việc. Bên cạnh một số hội chưa thể phát huy hết tiềm lực, nhiều hội hoạt động rất hiệu quả, điển hình như Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội, Hội Người cao tuổi.
“Tuy hiện tại hội đặc thù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động và nhân sự phụ trách, song, thời gian qua các hội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tiên phong trong công tác an sinh xã hội. Từ việc kết nối, vận động hay hỗ trợ, các hội đều tham mưu tốt cho Đảng uỷ, UBND xã. Bên cạnh đó, mỗi hội mang tính đặc thù theo điều lệ hội nhưng hầu hết đều phát huy tốt tinh thần vì cộng đồng, nhân đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể nhằm thực hiện hiệu quả phong trào an sinh xã hội, góp phần cùng địa phương giữ vững các tiêu chí nông thôn mới”, ông Nguyễn Đức Thông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hận, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Tân, cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn huyện Phú Tân có 86 hội đặc thù đang hoạt động, bao gồm luôn cấp xã. Phòng Nội vụ quản lý các hội đặc thù về nhân sự, còn hoạt động thì UBND cấp xã trực tiếp quản lý và theo điều lệ từng hội. Từ những khó khăn về vấn đề già hoá đội ngũ quản lý hội, kinh phí hoạt động..., Phòng Nội vụ đã có giải pháp tham mưu cấp trên nhằm đưa ra cách giải quyết, gỡ khó cho từng địa phương. Phòng đang xây dựng kế hoạch và thí điểm nhiều đơn vị cấp xã, trong đó ghép chức năng tương đồng giữa các hội đặc thù. Đã qua, một số xã đã thực hiện và mang lại hiệu quả khả quan”.
Hội đặc thù hoạt động dựa trên Nghị định số 45/2020 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Quyết định số 68/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức hội có tính chất đặc thù và điều lệ của tổ chức hội. Mỗi địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để từng hội đặc thù hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự quản theo đúng ngân sách Nhà nước phân bổ và điều lệ hội quy định, chịu sự quản lý của UBND cấp xã.
Hằng My
BÀI 2: NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG