(CMO) Thời gian qua, mô hình “Phòng ngừa tệ nạn mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm” trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời hoạt động rất hiệu quả, giúp đỡ rất nhiều người lầm lỡ quay về với cuộc sống, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Sông Đốc là một trong những cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau cũng như của cả nước. Nơi đây tập trung nhiều ghe tàu, ngư phủ trong và ngoài tỉnh để hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Từ đó, kéo theo tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội ở địa phương từng lúc còn diễn biến phức tạp.
Kiên quyết ngăn chặn tệ nạn mại dâm
Xuất phát từ tình hình đó, Mô hình “Phòng, chống mại dâm ở Thị trấn Sông Đốc” đã ra đời với 7 Câu lạc bộ (CLB) đang hoạt động. Trong đó, hoạt động nổi bật và đạt hiệu quả cao là “Đoàn kết”. Được thành lập vào năm 2013, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, CLB hiện có 35 thành viên, đa phần đều là phụ nữ.
Hội viên Câu lạc bộ “Đoàn kết” họp triển khai kế hoạch hoạt động hằng tháng. |
Chị Trần Thị Hoa, Chủ nhiệm CLB Đoàn kết, cho biết: “CLB có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là tuyên truyền về tác hại của tệ nạn mại dâm, ma túy, phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, hỗ trợ giảm hại đối với người bán dâm, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm, các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm; các giải pháp đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”.
Hiện nay, các hoạt động mại dâm hầu hết dưới dạng trá hình, tập trung trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, phương thức ngày càng tinh vi hơn, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại nên khó phát hiện. Các đối tượng hoạt động mại dâm có sự liên kết chặt chẽ hình thành các ổ nhóm, đường dây hoạt động, có sự ăn chia quyền lợi, “núp” dưới các danh nghĩa kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage,…
Trước tình hình đó, để nâng cao hiệu quả phòng, chống mại dâm, CLB đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động dưới nhiều hình thức, tạo phong trào toàn dân lên án, phát hiện, tố giác và tham gia phòng, chống tệ nạn mại dâm. Cùng với đó phối hợp với ngành chức năng đôn đốc, hướng dẫn và giám sát việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm ở cơ sở, nhất là tuyên truyền trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện, không để cơ sở lợi dụng hoạt động mại dâm.
Chị Phan Thị Thiện, ấp 11, thị trấn Sông Đốc tâm sự: “Được hội viên CLB đến tuyên truyền, tôi và các chị em đã biết thêm nhiều thủ đoạn tinh vi của các tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm, mua bán người. Vì thế tôi có ý thức đề cao cảnh giác hơn. Đồng thời, chị em bảo ban nhau và tích cực tuyên truyền cho người thân và cộng đồng biết cách phòng ngừa”.
Câu lạc bộ “Đoàn kết” tổ chức đến tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho người dân trên địa bàn thị trấn Sông Đốc. |
Tạo điều kiện giúp đỡ người lầm lỡ
Ông Phạm Thanh Tuấn, cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH thị trấn Sông Đốc, chia sẻ: “Nhờ đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tuyên truyền, chủ động phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm mà thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Trong đợt dịch Covid-19, chúng tôi đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về phòng, chống mại dâm; vận động quần chúng Nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác hoạt động mại dâm và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua đó góp phần chuyển tải các nội dung đến Nhân dân, nâng cao nhận thức đối với công tác này”.
Để đạt kết quả đó, CLB Đoàn kết đã triển khai kế hoạch hoạt động đến từng thành viên, đồng thời phân công, giao trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thị trấn ra quân hưởng ứng hoạt động nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy.
Chị Nguyễn Thị Sen, Phó chủ nhiệm CLB Đoàn kết, bộc bạch: “CLB phối hợp với lực lượng Công an, Bộ phận Văn hóa Xã hội thị trấn Sông Đốc vận động gia đình có con em nghiện ma túy tự nguyện đăng ký đi cai nghiện, để hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước dành cho người tham gia cai nghiện tự nguyện; phân công từng thành viên phụ trách theo dõi, giúp đỡ các đối tượng cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng; giúp đỡ, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu học nghề để có công ăn việc làm; cung cấp thông tin, đường dây nóng khẩn cấp để bảo vệ trẻ em”.
Từng là một trong những người lầm lỡ, được CLB giúp đỡ hoàn lương, anh T.Q.P, ấp 11, Thị trấn Sông Đốc trước đây do bạn bè rủ rê rồi tham gia thử ma túy, sau đó anh P nghiện lúc nào không hay. Khoảng thời gian nghiện ma túy thật sự biến anh thành con người khác, trở thành gánh nặng cho gia đình. Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, khuyên răn từ gia đình, sau khi cai nghiện trở về địa phương, anh P còn được các chị trong CLB giúp đỡ, thường xuyên đến gia đình động viên, vận động không tái nghiện. Giờ đây anh P tìm được việc làm ổn định, kinh tế gia đình được nâng lên và quan trọng anh đã từ bỏ được ma túy.
Ngoài ra, các thành viên CLB vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hỗ trợ cho nhiêù hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Phòng khám đa khoa thị trấn tổ chức thăm khám sức khỏe định kỳ cho hàng trăm lượt chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, các chị em làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, người có nguy cơ cao, tư vấn các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV, phòng chống ma túy, mại dâm, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Từ địa bàn phức tạp về các loại tệ nạn xã hội, nhưng với sự chung tay của chính quyền địa phương và nhân dân, sự giúp sức của các CLB đã giảm rất nhiều những tệ nạn, vụ việc đáng tiếc, giúp những con người lầm lỡ trở về với cuộc sống đời thường an toàn, ấm êm bên gia đình. Đó cũng là điều mong mỏi mà chính quyền địa phương luôn đau đáu, với tất cả quyết tâm đẩy lùi tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương”./.
Bài và ảnh: Hưng Thái