ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 10:51:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðịnh hình bản sắc du lịch Cà Mau - Bài 3: Từ tài nguyên đến bản sắc

Báo Cà Mau (CMO) Tài nguyên du lịch Cà Mau là một tổng thể đa dạng bao gồm các thành tố thiên nhiên, con người và văn hoá. Tài nguyên du lịch có thể là khởi điểm, là vốn liếng, nhưng không phải là tất cả để định hình thương hiệu, bản sắc cho lĩnh vực du lịch. Đó cũng không phải là việc để làm cho du lịch Cà Mau trở nên khác biệt một cách máy móc, hay hô hào những thông điệp sáo rỗng. Bản sắc du lịch, thương hiệu du lịch đến từ sức mạnh nội lực, từ sự kế thừa, phát triển và sáng tạo của những người làm du lịch trên cơ sở tài nguyên sẵn có.

“Kho báu” độc quyền

Ông Peerapol, chuyên gia du lịch Thái Lan, từng đặt một câu hỏi khiến nhiều người Cà Mau ngỡ ngàng rằng: “Các bạn điểm thử xem, cái gì ở Cà Mau có, nơi khác không có? Trả lời được câu hỏi này, các bạn sẽ biết du lịch của các bạn có sức hút lớn nhất nằm ở đâu”. Trong rất nhiều ý kiến, ông Peerapol mỉm cười và tán đồng với câu trả lời đơn giản: “Mũi Cà Mau”. Vị trí địa lý “độc nhất” - địa đầu thiêng liêng cực Nam Tổ quốc, chính là tài nguyên du lịch tự nhiên quý giá nhất mà Cà Mau có được.

Còn với ông Trần Văn Liền, chủ điểm homestay Vàm Xáng nổi tiếng ở Phong Điền, Cần Thơ, trong chia sẻ, ông đã chỉ ra cái mà Cà Mau có, nơi khác không thể có: “Tôi có sui gia ở Cà Mau. Các bạn biết không, con người Cà Mau, văn hoá Cà Mau thì không nơi nào khác có được. Chỉ cần các bạn giữ được những thứ ấy, thì cái gốc, cái nền của du lịch Cà Mau sẽ luôn vững chắc”.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH,TT&DL Cà Mau, bàn sâu thêm: “Cà Mau có cả một kho báu tài nguyên du lịch gắn với bản sắc văn hoá. Các di sản văn hoá, chủ thể con người, phong tục, tập quán, lễ hội... Đặc biệt là Mũi Cà Mau không chỉ là vị trí địa lý đơn thuần, mà đó còn là cột mốc chủ quyền quốc gia, là hành trình của tiền nhân mở mang đất đai, bờ cõi. Tính cách con người Cà Mau hiếu khách, phóng khoáng, chân tình cũng là nét hết sức đặc sắc”.

Với thạc sĩ Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch ĐBSCL, bằng con mắt của người làm du lịch, thì Cà Mau là một trong những nơi có tài nguyên du lịch thuộc dạng lớn nhất vùng ĐBSCL, “không đụng hàng” với bất cứ nơi đâu. Bằng cớ mà ông Huê chỉ ra đầy sinh động: “Tìm đâu ra một nơi mà vừa có biển, vừa có rừng, vừa có đảo. Hoặc những nghề di sản, như gác kèo ong U Minh Hạ, muối ba khía Rạch Gốc; nghệ thuật Nhạc Trống Lớn của người Khmer… hay các đặc sản, như cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, cá thòi lòi... như ở Cà Mau”.

Ở Cà Mau, mối quan hệ con người với môi trường thiên nhiên mang lại những nét thú vị hiếm có. Ở ngay đô thị lớn nhất tỉnh là TP Cà Mau vẫn có một vườn chim trú ngụ. Đời sống cư dân gắn liền với môi trường sông, biển, rừng tạo nên nét hài hoà, duyên dáng. Ngay tại Cà Mau, sự khác biệt của 2 hệ sinh thái ngập ngọt và ngập mặn với đại diện là cây tràm và cây đước cũng không nơi nào có được. Ông Huê nhấn mạnh rằng: “Du lịch thành công hay không đến từ sự khác biệt, độc đáo. Bản sắc, thương hiệu phải bắt đầu từ những cái chỉ mình có, nhưng cần phải cụ thể hoá bằng sản phẩm du lịch. Và không thừa khi nhắc lại rằng, du khách chỉ mua sản phẩm du lịch chớ không mua tài nguyên du lịch”.

Sở hữu tài nguyên phong phú, Cà Mau có rất nhiều sản vật từ thiên nhiên được lòng du khách.

Định vị bản sắc

Trở lại với câu chuyện làm du lịch của ông Nguyễn Văn Hôn, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Bôn ba đủ nghề, ông rẽ ngang làm du lịch vì một lý do: “Mình đi đây đó, thấy du lịch của người ta, mình suy nghĩ nhiều lắm. Tại sao họ làm được, mà Đất Mũi mình không làm được. Phải đem cái hay, cái độc, lạ của Đất Mũi giới thiệu cho mọi người”. Ông Hôn cũng là người tiên phong xây dựng sản phẩm xuyên rừng đước, tham quan bãi bồi tại Mũi Cà Mau. Ý tưởng của ông Hôn về sản phẩm du lịch khá độc đáo: “Tôi muốn làm sao để con muỗi của xứ mình cũng trở thành sản phẩm du lịch được”.

Hiện nay, du lịch Mũi Cà Mau đã định hình được các sản phẩm chủ chốt, có sức hút tương đối với du khách. Trải nghiệm xuyên rừng, tham quan bãi bồi, bãi nghêu, các hoạt động, như xổ vuông, bắt ba khía, câu cua, giăng lưới... đã trở thành các sản phẩm ăn khách, được xây dựng thuần thục, bài bản hơn. Với ông Hôn, ý tưởng về các sản phẩm du lịch ở Mũi Cà Mau chưa dừng lại. Anh đang triển khai chuyển đổi 4 chiếc tàu để mở thêm sản phẩm du thuyền xuyên rừng, tham quan bãi bồi, kèm theo phục vụ ẩm thực và đờn ca tài tử. Kết nối với các hộ dân ở dưới tán rừng đước để tham gia các trải nghiệm du lịch homestay sinh thái.

Là những hộ mới tham gia làm du lịch theo mô hình homestay, ông Lương Văn Hiệu, ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, tâm đắc: “Vô đây thì khách cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia các hoạt động với gia đình. Cũng là xổ vuông, câu cua, giăng lưới thôi, nhưng khách về đây họ muốn tự mình trải nghiệm, sống như một người nông dân Đất Mũi thật sự. Ai cũng khoái hết”. Buổi đêm, gia đình ông Hiệu cùng bà con lân cận xóm giềng tổ chức thêm đờn ca tài tử, nấu cháo khuya, lai rai rượu đế. Khách có nhu cầu thì đốt thêm lửa trại, quây quần trong không khí bình yên của xóm rừng Đất Mũi.

Ở xứ rừng tràm, anh Phạm Duy Khanh, một người trẻ tâm huyết với mô hình du lịch cộng đồng, đang gìn giữ và nâng tầm nghề di sản ăn ong U Minh Hạ của quê hương. Tại Cà Mau, điểm du lịch Mười Ngọt của anh Khanh là nơi đầu tiên xây dựng thành công sản phẩm du lịch khá mạo hiểm là xuyên rừng ăn ong mật phục vụ du khách. Với anh Khanh: “Chuyện mình đi lấy ong về cho du khách thưởng thức thì đâu còn gì để bàn. Khách tự mình vô rừng, tự tay cắt tàn ong, vắt mật ong, ăn mứt ong thì mới gọi là sản phẩm du lịch”. Mười Ngọt cũng là nơi mà du khách có thể trải nghiệm các hoạt động được tái hiện nguyên bản việc bắt cá đồng, như đặt lờ, đặt trúm, chụp lưới...

Du khách thích thú khi trải nghiệm giăng lưới bắt cá, đây là một trong những sản phẩm du lịch ăn khách của Cà Mau. Ảnh: Nhật Minh

Và chính con người Cà Mau, chủ thể của vùng đất này bằng tâm huyết, sự dấn thân với du lịch cũng là một sản phẩm du lịch đặc biệt. Ở góc độ chuyên môn, ông Phan Đình Huê khẳng định: “Người làm du lịch là yếu tố có thể gia tăng hoặc giảm sút chất lượng của sản phẩm du lịch. Thậm chí chất lượng sản phẩm du lịch chưa tốt, nhưng người làm du lịch có tâm, đủ sức thuyết phục được du khách, thì chất lượng sản phẩm thế nào không còn là vấn đề cốt yếu nữa”. Trực tiếp về Cà Mau để trải nghiệm du lịch nhiều lần, ông Huê đánh giá cao yếu tố con người làm du lịch ở đây. Và ông Huê cũng đồng ý với hướng đi phù hợp, lâu dài, định hình thương hiệu, bản sắc cho du lịch Cà Mau là gắn liền với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Tất nhiên là cần phải làm thêm nhiều việc nữa, quan trọng nhất là có nhiều sản phẩm du lịch phù hợp, đặc sắc của Cà Mau.

Sản phẩm du lịch là vấn đề sống còn của du lịch. Xây dựng sản phẩm đã khó, thêm nữa, sản phẩm du lịch cần đổi mới liên tục để tránh nhàm chán, việc này càng khó khăn hơn. Sản phẩm du lịch thể hiện cấp độ, trình độ phát triển của du lịch. Ở mức thông thường, du lịch sẽ cung cấp những sản phẩm du lịch của mình có cho du khách; mức cao hơn, là sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu của du khách; còn ở mức cao nhất, sản phẩm du lịch tự thân sẽ thay đổi nhu cầu của du khách để lựa chọn mình.

Như đã nói, du lịch Cà Mau “còn thiếu chỗ cho du khách tiêu tiền”, ở góc độ tích cực, đó là dư địa lớn để du lịch Cà Mau xây dựng các sản phẩm mới từ nguồn tài nguyên du lịch dồi dào. Gốc rễ vấn đề vẫn là những sản phẩm du lịch ấy mang được thương hiệu, bản sắc của đất và người Cà Mau. Xa rời những giá trị ấy, sản phẩm du lịch cho dù có mới lạ đến đâu, đầu tư mạnh mẽ như thế nào, cũng sẽ bị đào thải. Bởi đơn giản, sản phẩm du lịch là kết tinh, mang hồn cốt của con người và vùng đất nơi nó được sinh ra./.

 

Hải Nguyên - Phúc An

BÀI CUỐI: LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.