(CMO) Không chỉ tạo đột phá về chất lượng giáo dục, phân luồng giáo dục, hướng nghiệp ở cấp THPT còn tạo điều kiện để học sinh lựa chọn ngành học với thế mạnh và năng lực bản thân. Với mục tiêu tạo được sự ổn định cho đầu ra, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua ngành giáo dục đã đẩy mạnh thực hiện việc định hướng, phân luồng giáo dục.
Ước mơ vào đại học
Với thế mạnh ở các môn khoa học tự nhiên, em Phạm Đăng Dương, lớp 12C3, trường THPT Tắc Vân, chia sẻ: “Nguyện vọng của em là được học ngành hoá học. Đây là ngành học em yêu thích từ lâu. Bên cạnh các môn học khác, em dành nhiều thời gian để nghiên cứu môn Hoá. Việc định hướng ngay từ đầu năm học giúp em xác định rõ ràng mục tiêu để tập trung học và ôn luyện”.
Em Trần Tiết Kha, lớp 12A8, trường THPT Cái Nước, cho biết: “Theo truyền thống gia đình và sở thích từ nhỏ nên năm nay em sẽ đăng ký dự thi ngành công an hoặc sĩ quan. Để thực hiện được mục tiêu này, em đang tập trung học các môn khoa học xã hội nhằm đạt kết quả cao nhất ở kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học sắp tới”.
Có thể thấy rằng, vào đại học là ước mơ của hầu hết học sinh và cũng là mong muốn, hy vọng của rất nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm ổn định là câu chuyện không còn xa lạ.
“Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Vẫn có nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học về quê khởi nghiệp và thành công với đam mê. Những bạn không có điều kiện vào đại học, chọn con đường học nghề phù hợp với yêu cầu xã hội nên nhanh chóng có được việc làm sau khi tốt nghiệp. Do đó, để chọn được nghề nghiệp phù hợp cho tương lai, điều quan trọng là học sinh phải đánh giá đúng năng lực và thế mạnh của bản thân”, Hiệu trưởng trường THPT Tắc Vân Dương Hồng Xuân cho biết.
Học sinh học nghề tin học tại trường THPT Tắc Vân, TP Cà Mau. |
Đẩy mạnh hướng nghiệp
Giáo dục hướng nghiệp được Bộ GD&ĐT đưa vào chương trình giáo dục nhiều năm nay. 1 năm học sinh sẽ có 9 tiết học về hướng nghiệp (mỗi tháng 1 tiết). Tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề nghiệp để có hướng phân luồng giáo dục cụ thể; Cung cấp thông tin rộng rãi về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; Nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu của xã hội hiện nay… là những nội dung mà các trường THPT đang đẩy mạnh thực hiện.
“Hiện nay, thực trạng thừa thầy thiếu thợ là vấn đề nan giải. Thay vì chọn học các trường nghề, nhiều học sinh có học lực thấp lại chọn học đại học, dẫn đến chất lượng đầu ra khó có thể tìm được công việc như mong muốn. Mục tiêu chung của nhà trường là định hướng để sau khi tốt nghiệp THPT các em ít nhất phải tìm được một nghề phù hợp. Những em có học lực tốt được định hướng để chọn thi vào đại học, tuỳ thế mạnh từng môn học để chọn ngành. Những em học lực trung bình, nhà trường thường định hướng theo học nghề”, Hiệu trưởng trường THPT Đầm Dơi Châu Văn Tuy cho biết.
Học sinh trường THPT Đầm Dơi trong một buổi sinh hoạt ngoài giờ kết hợp hướng nghiệp. |
Thực hiện theo Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh của Chính phủ, ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường trao đổi với học sinh 3 khối lớp về nghề nghiệp tương lai. Từ năm lớp 10, 11 học sinh đã được định hướng lựa chọn các môn học thế mạnh để học chuyên sâu. Đến lớp 12 các em đã có sự lựa chọn rõ ràng, tập trung chuyên môn vào học, tạo tư tưởng ổn định.
Ngoài ra, nhà trường sẽ lấy kết quả tuyển sinh các năm trước và điểm số qua các lần thi thử để phân tích cho các em hiểu và có hướng lựa chọn phù hợp hơn. Một số trường hàng năm vẫn tổ chức cho học sinh khối 12 tham quan thực tế tại các trường đại học, cao đẳng… Bên cạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng đào tạo, nhà trường còn đổi mới nhiều phương pháp giảng dạy với mục đích phát huy hơn nữa tính chủ động của học sinh như các câu lạc bộ về học tập, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học…
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều trường THPT hiện nay, học sinh vẫn còn ngộ nhận, năng lực học tập chỉ khá, trung bình khá nhưng ước mơ vào các trường có điểm tuyển sinh rất cao như trường y, quân đội, công an… Bên cạnh đó, nhiều học sinh bỏ qua những ngành nghề mũi nhọn ở địa phương, đam mê những ngành nghề mà nhu cầu thực tế tại địa phương không có.
Thực hiện giáo dục hướng nghiệp qua nhiều năm, bên cạnh không ít khó khăn về tâm lý phụ huynh khi chọn ngành nghề cho con em mình, Phó hiệu trưởng trường THPT Tắc Vân Nguyễn Kim Truân cho biết: “Hiện nay, học sinh chưa tự làm chủ được năng lực của bản thân và tình hình thực tế về nhu cầu việc làm của xã hội mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như gia đình, bạn bè, xu hướng xã hội, sở thích. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội phát triển nghề nghiệp của các em sau này. Học sinh nên tập trung vào yếu tố năng lực để chọn nghề. Đánh giá đúng năng lực, cung cầu trong xã hội, xu thế phát triển của địa phương sẽ giúp các em có cơ hội chọn được nghề nghiệp phù hợp hơn. Cũng vì vậy mà có định hướng học tập hiệu quả hơn ngay từ bây giờ”./.
Kim Chi