Trong thời đại toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nhân trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp. Tại tỉnh Cà Mau, đội ngũ doanh nhân trẻ không chỉ là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế địa phương mà còn là những người tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý.
- Bà Hồ Lệ Quyên tái đắc cử Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh
- Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới
- Cà Mau họp mặt kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam
Với nhiều tiềm năng về nông nghiệp, thuỷ sản và kinh tế biển, Cà Mau đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt đối với đội ngũ doanh nhân trẻ, những người có khát vọng đổi mới và sáng tạo nhưng thiếu kinh nghiệm, nguồn lực và kết nối trong quá trình phát triển.
Các doanh nghiệp tiêu biểu được ghi nhận qua hình thức tuyên dương hằng năm.
Ðể nhận diện tình hình, tìm kiếm giải pháp, cuối tháng 12/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng, giải pháp xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trẻ tỉnh Cà Mau trong thời kỳ mới”. Tại hội thảo, nhiều giải pháp đã được đề xuất để hỗ trợ doanh nhân trẻ.
Ông Quách Văn Ấn, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chia sẻ, việc hỗ trợ đội ngũ doanh nhân trẻ phát triển là một trong những ưu tiên của tỉnh. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, doanh nhân trẻ Cà Mau vẫn còn nhiều hạn chế trong việc hiểu rõ công nghệ và áp dụng chúng vào sản xuất. Họ cần cải thiện hơn nữa khả năng kết nối và hợp tác, để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm mạnh mẽ hơn.
Các chương trình hỗ trợ của tỉnh và các tổ chức Trung ương đóng vai trò quan trọng, nhưng doanh nhân trẻ cần chủ động hơn trong việc khai thác các cơ hội này. Ðồng thời, họ cũng cần cải thiện khả năng quản lý, ứng dụng công nghệ và tìm kiếm các đối tác chiến lược để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, nhìn nhận: "Tầm vóc tỉnh Cà Mau quá nhỏ so với toàn quốc, mức độ phát triển đang rất thấp. Ðây là vấn đề đội ngũ doanh nhân nên quan tâm. Trong kỷ nguyên mới, tỉnh Cà Mau sẽ trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ÐBSCL. Làm sao để tỉnh Cà Mau phát triển? Ðiều này chủ yếu nằm ở đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp".
Theo ông Mai Hữu Chinh, đội ngũ doanh nhân trẻ là chìa khoá để Cà Mau phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Chính phủ đã xác định rõ, chuyển từ kỷ nguyên đổi mới sang kỷ nguyên vươn mình, toàn bộ chính sách cởi trói để doanh nghiệp phát triển, khi có vướng mắc thì doanh nghiệp nên trực tiếp chia sẻ để lãnh đạo tỉnh kịp thời hỗ trợ.
Doanh nhân trẻ thường kết nối với nhau, hỗ trợ cùng nhau phát triển. (Trong ảnh: Các DN trưng bày và giới thiệu sản phẩm của nhau tại hội nghị tổng kết năm 2024 và Diễn đàn kết nối doanh nghiệp do Câu lạc bộ Doanh nghiệp Cà Mau tổ chức).
Bà Vũ Hồng Như Yến, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HÐND tỉnh, nhìn nhận, doanh nhân trẻ trong tỉnh chưa đổi mới, sáng tạo nhiều, chỉ tự phát trên quy mô nhỏ, nên hoạt động bấp bênh, chịu rất nhiều rủi ro; ít kinh nghiệm, sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, về nguồn lực, nguồn vốn thì các doanh nghiệp vẫn "tự bơi", chưa có quỹ hỗ trợ DN, chưa có sự hỗ trợ từ nguồn lực của Nhà nước, cũng như các tổ chức khác. Về việc hỗ trợ khởi nghiệp, ngân sách của tỉnh trong năm 2025 chỉ có gần 3 tỷ đồng. Về ứng dụng công nghệ thông tin, nguồn hỗ trợ cũng không nhiều.
Chính vì vậy, bà Yến kiến nghị, Hội Doanh nhân trẻ trong quá trình hoạt động cần có chương trình hỗ trợ doanh nhân về đào tạo các kỹ năng kinh doanh, kỹ năng phát triển, về tài chính, kỹ thuật.
Theo bà Hồ Lệ Quyên, Phó Giám đốc VNPT Cà Mau, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, đội ngũ doanh nhân trẻ hiện nay rất năng động, sáng tạo và không ngừng khởi nghiệp. Họ luôn sẵn sàng thử nghiệm các ý tưởng mới và ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nhân trẻ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm quản lý, khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
"Ngoài ra, các doanh nghiệp trẻ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp lớn, cũng như những rủi ro trong việc duy trì và mở rộng sản xuất. Mặc dù vậy, với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài tỉnh, đội ngũ doanh nhân trẻ có thể vượt qua những thách thức này và tạo ra những bước phát triển mới cho doanh nghiệp của mình", bà Hồ Lệ Quyên chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của đội ngũ doanh nhân trẻ tỉnh Cà Mau càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ không chỉ là những người khởi nghiệp đầy khát vọng mà còn là lực lượng tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm của tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đội ngũ doanh nhân trẻ cần phải tận dụng tối đa các cơ hội hỗ trợ từ chính sách của tỉnh và các tổ chức Trung ương, đồng thời nâng cao khả năng kết nối, hợp tác và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trẻ sẽ là những hạt nhân quan trọng, góp phần thúc đẩy Cà Mau phát triển mạnh mẽ trong tương lai./.
Hồng Phượng