(CMO) Xã Phú Hưng nổi tiếng với mô hình đan lú đặt tôm và rập đặt cua. Đây được xem là mô hình mang đậm nét đặc trưng của địa phương, đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động ở nông thôn. Sản phẩm lú, rập cua được xã Phú Hưng chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020.
Kể từ khi chuyển dịch sang nuôi tôm, mô hình đan lú đặt tôm và rập đặt cua ở xã Phú Hưng được hình thành, bước đầu chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân địa phương, nên quy mô sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình. Các công đoạn, sản xuất khung, sườn lú đặt tôm và rập đặt cua được bà con nông dân làm thủ công. Riêng công đoạn cắt lưới, làm hom lú và lắp ráp cho ra sản phẩm hoàn chỉnh chỉ vài người làm được. Vậy mà sau gần 20 năm duy trì, phát triển nay đã trở thành nghề hẳn hoi, có 5 doanh nghiệp và đại lý tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Ngoài tuổi lao động, gia công lú đặt tôm và rập đặt cua, vẫn có thu nhập ổn định. |
Với hơn 300 hộ gia đình thường xuyên tham gia sản xuất các công đoạn làm lú đặt tôm và rập đặt cua, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nếu trước đây, các công đoạn tạo khung, sườn lú đặt tôm và rập đặt cua được làm thủ công, nay hầu hết các đại lý đầu tư máy chuyên dùng thực hiện một phần công đoạn này, giảm công sức lao động, tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.
Công đoạn cắt lưới, làm hom và lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh cũng được người dân địa phương truyền nghề, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong quá trình lao động sản xuất, nay rất nhiều người làm được. Tuy nhiên, để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, các công đoạn sản xuất lú đặt tôm và rập đặt cua được các đại lý thuê mướn, trả tiền công theo từng công đoạn.
Ông Nguyễn Hoàng My, ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng, cho biết, từ khi nghề ráp lú ở địa phương hình thành và phát triển, ngoài chăm sóc vuông tôm, vợ chồng ông thường xuyên nhận lú về ráp. Công việc nhẹ nhàng mà không cần vốn đầu tư, trung bình mỗi ngày thu nhập trên 100.000 đồng, tính ra mỗi tháng cũng hơn 4 triệu đồng, đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày. Còn nguồn thu nhập từ vuông tôm được xem như tích luỹ, cuộc sống gia đình luôn ổn định và phát triển.
Riêng đối với một số hộ gia đình có từ 4 thành viên trở lên, tham gia nghề ráp lú gia công cho thu nhập mỗi ngày không dưới 500.000 đồng. Trong tình hình dịch Covid-19 tác động, giá tôm nguyên liệu trên thị trường sụt giảm như hiện nay, 1 ha nuôi tôm quảng canh truyền thống cho thu nhập ít hơn so với 4 người làm nghề ráp lú thuê.
Thông qua mô hình sản xuất lú đặt tôm và rập đặt cua được thực hiện theo từng công đoạn, đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thu hút được nhiều thành phần lao động ở nông thôn tham gia. Kể cả đối tượng hết tuổi lao động, thậm chí các em thiếu niên trong độ tuổi đến trường cũng có thể tranh thủ thời gian cùng với gia đình gia công mặt hàng lú đặt tôm và rập đặt cua cho các đại lý, giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định hơn.
Trưởng ấp Đức An, xã Phú Hưng Huỳnh Văn Bảy chia sẻ: "Địa bàn ấp có hơn 50 hộ chuyên làm nghề ráp lú gia công cho các đại lý, chưa kể những hộ làm không thường xuyên do bận công việc gia đình. Để hoàn thành sản phẩm lú đặt tôm hoặc rập đặt cua, thông thường trải qua ít nhất từ 5-7 công đoạn, tuỳ theo sở trường của mỗi hộ gia đình sẽ lựa chọn công đoạn phù hợp, các công đoạn còn lại được đại lý chuyển đến các hộ dân khác làm cho đến khi hoàn thành sản phẩm, tuỳ mức độ khó hay dễ sẽ được trả tiền công khác nhau.
"Hiện chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp, đại lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng này và các hộ dân tham gia ráp lú gia công nâng cao nhận thức mục đích Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, đại lý, các hộ dân thường xuyên gia công mặt hàng lú đặt tôm và rập đặt cua thành lập tổ hợp tác sản xuất hoặc hợp tác xã để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, hướng đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao", Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Nguyễn Thành Hữu cho biết./.
Việt Tiến