Khá ngạc nhiên khi đọc những tản văn trong "Gánh quà vặt" của Phan Thị Diệu Thuỳ vì những câu chuyện, những vấn đề mà tác giả viết đến… không có gì nổi bật. Nhưng rồi càng đọc, cảm giác ngạc nhiên ấy dần thay thế bằng sự dễ chịu, thân quen như thể đang ngồi trò chuyện cùng một người bạn, người chị dễ gần biết dẫn dắt câu chuyện từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách khéo léo và duyên dáng…
![]() |
Khá ngạc nhiên khi đọc những tản văn trong "Gánh quà vặt" của Phan Thị Diệu Thuỳ vì những câu chuyện, những vấn đề mà tác giả viết đến… không có gì nổi bật. Nhưng rồi càng đọc, cảm giác ngạc nhiên ấy dần thay thế bằng sự dễ chịu, thân quen như thể đang ngồi trò chuyện cùng một người bạn, người chị dễ gần biết dẫn dắt câu chuyện từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách khéo léo và duyên dáng…
Đơn giản chỉ như chuyện trong gia đình, hàng xóm, chuyện chợ búa, cúng kiếng, giỗ chạp, mưa nắng… thế thôi, vậy mà tác giả Diệu Thuỳ có thể níu giữ độc giả theo từng trang sách; đơn giản như nhịp sống thường nhật hằng ngày nhưng không chỉ quẩn quanh chuyện ăn uống, ngủ, nghỉ, đi làm… mà là chuyện nhân tình thế thái, quan điểm sống, đối nhân xử thế được tác giả “mắt thấy, tai nghe” rồi nhẩn nha kể lại, nói thêm một chút ý kiến của mình rồi đợi sự phản hồi của người nghe.
Chẳng hạn, cùng là việc người chồng có người phụ nữ khác, Diệu Thuỳ đã dẫn ra hai câu chuyện về cách ứng xử của hai người đàn bà, người thứ nhất thì: “một tay cho vay lấy lãi nổi tiếng vẫn cứ hơn hớn: “Thằng nào làm đổ vấy cho chồng em!” Mà trong lòng thì ngậm đắng nuốt cay! Là chỗ thân tình với mẹ tôi, có lần bà thỏ thẻ: “Em điên lắm! Nhưng còn con, còn cả một gia sản, xã hội người ta nhìn vào “xấu chàng hổ thiếp” chị ạ!”. Nhưng thực ra bên trong ai cũng hiểu nếu làm to chuyện, đường ai nấy đi thì bà cũng hết dựa dẫm vào thế chồng để làm ăn. Và bà đã vẫn sống chung với ông đến tận hôm ông mất: bằng mặt mà chẳng bằng lòng!”. (Lối thoát nào cho hôn nhân đồng sàng dị mộng?).
Còn người phụ nữ thứ hai vì tránh cho những đứa con mình mang cảm giác buồn giận cha ruột đã chọn cách: “Ðêm đêm trong những câu chuyện, những bài học làm người mà mẹ tôi dạy, ngoài những người đàn bà phải biết yêu thương, hy sinh, chính chuyên, thuỷ chung, luôn bằng lòng với số phận, có một câu mà mẹ tôi luôn miệng nói: ba con không có lỗi, cô ấy cũng không có lỗi, khi yêu thương chân thành thì không ai có lỗi cả, khi nào con lớn lên và làm mẹ con sẽ hiểu!”. (Những lá thư không gửi).
Là người ngoài cuộc, ắt hẳn ta sẽ không đồng tình với cả hai cách ứng xử trên, nhưng đối với người trong cuộc, họ bằng lòng với giải pháp của mình và quả thật, nếu ai cũng giống ai thì cuộc sống này ắt hẳn sẽ rất nhàm chán.
Giữa kệ sách trùng điệp những tác phẩm liên quan đến nỗi buồn, sự cô đơn hoặc… sách dạy làm giàu, tản văn “Gánh quà vặt” của Phan Thị Diệu Thuỳ có vẻ như là một sự lựa chọn an toàn cho những độc giả nữ… không còn trẻ, nhưng nếu chịu đọc nhiều hơn 10 trang, độc giả ở bất cứ độ tuổi nào hay giới tính nào ít nhiều cũng sẽ thấy được câu chuyện của mình, của bạn bè hoặc của gia đình mình trong đó; tựa như những món quà vặt, nhìn có vẻ… kém sang trọng, nhưng trong đời mỗi người, dường như ai cũng đã ít nhiều nhấm nháp qua và đôi khi thấy nhớ, như lời chính tác giả đã đúc kết: “Hạnh phúc thay thằng Bờm!!! Bài ca dao mà mọi người Việt Nam ta đều thuộc và chắc chắn mọi người đều thầm cười cái thằng Bờm ấy ngu ngơ, khờ khạo… Nhưng chỉ riêng Bờm ta là thấy hạnh phúc vì thế là đủ! Mới hay, bằng lòng với những gì mình có và biết đủ với những gì trong tay là hạnh phúc!”. (Hạnh phúc quanh ta)./.
Ngọc Lợi