(CMO) Qua những câu chuyện, những sản vật mà người quen gửi tặng đã hình thành trong tôi mong muốn được một lần ngồi trên tàu cùng các ngư dân vươn khơi để khám phá biển cả. Ước mơ ấy mãi đến những năm gần đây tôi mới thực hiện được. Sau những lần làm “ngư dân” bất đắc dĩ đã giúp tôi hiểu rõ hơn cuộc sống gian khổ, những hiểm nguy mà các ngư phủ phải đối mặt từng giờ, từng ngày trong hành trình chinh phục biển cả.
Chuyến biển trúng đậm cá, tôm là niềm vui của ngư phủ. |
Qua lời giới thiệu của một người quen, tôi chính thức được xem là một thành viên trên con tàu cá Hồng Lâm do tài công Hồng Minh Ðoàn điều khiển trong một chuyến đi cất đáy hàng khơi. Dù chưa kịp nhớ hết tên của 5 thành viên trên tàu nhưng tôi cũng nhanh chóng hoà nhập với mọi người. Khi anh Ðoàn nổ máy, rồ ga đưa tàu rời cửa biển Rạch Gốc rẽ sóng vươn khơi cũng là lúc tôi cùng những anh em còn lại tranh thủ chuẩn bị bữa cơm sáng khi tàu còn gần bờ, ít sóng, dù chỉ mới 6 giờ. Người làm cá, lặt rau, người vo gạo nấu cơm… Dù tất bật với công việc nhưng anh Tân (Trần Văn Tân) không quên dặn dò tôi: “Máy ảnh và những gì quan trọng đem vào để trong ca-bin cẩn thận. Tí nữa ra khỏi cửa sóng va đập là hư hết, tháng này sóng lớn lắm”.
Sau gần 1 giờ tàu đã ra khỏi cửa biển Rạch Gốc, công việc bếp núc của chúng tôi cũng xong xuôi. Mọi người tranh thủ vào ca-bin ngả lưng trên những cái võng đã được chuẩn bị trước, riêng tôi tranh thủ lên boong tàu ngắm cảnh buổi sáng trên biển. Mới ngồi được một lúc, anh Tân lại bước ra căn dặn: “Coi chừng sóng lớn vỗ vào thành tàu văng lên là ướt hết đó”.
Ðúng như những gì anh nói, chỉ vài phút sau, một cơn sóng vỗ vào thành tàu làm nước văng tung toé khiến tôi ướt sũng từ đầu đến chân. Cũng may lúc đầu nghe lời anh nên máy ảnh và điện thoại đã được để trong ca-bin, nếu không xem như tiêu. Lúc này tôi đã cảm nhận được phần nào nỗi vất vả của đời ngư phủ. Tàu mỗi lúc một xa đất liền hơn, những cơn sóng như thế cũng xuất hiện nhiều hơn và càng dữ dội hơn.
Lo lắng xen lẫn với sự thú vị lạ kỳ là sự khác biệt so với những chuyến đi biển trên tàu của kiểm ngư hay tàu bộ đội biên phòng mà tôi đã từng nhiều lần trải qua trước đó trong gần 12 năm làm phóng viên. Khác hẳn với tâm trạng lo lắng của tôi là sự thản nhiên của mọi người. Trong ca-bin, người thì xem hài trên Youtube, người nhắn tin, gọi điện Zalo với người nhà. Anh Tân còn ngân nga mấy câu trong bài nhạc chế “Ðời ngư phủ” từ bài gốc “Chuyện ba mùa mưa”: “Cuộc đời đi biển nắng mưa bão dông khó lường, vì tiền ta phải đánh đổi máu xương người ơi;… cuộc đời ngư phủ tháng năm thấy đâu là bờ, mệt nằm lăn ngủ có khi cũng không được yên. Ai ơi, đi biển đôi khi trời mưa gió lạnh mà ta vẫn phải làm...”.
Dù chỉ là bài nhạc chế, nhưng theo anh Tân, ca từ trong lời bài hát đã miêu tả hoàn toàn đúng với cuộc đời của anh em ngư phủ và chỉ những người có đi biển nghe mới thấy thấm thía, thậm chí rơi nước mắt. Trong dòng hồi ức gần 20 năm gắn bó với dọc dài bờ biển, sống bám biển, bám tàu để duy trì kế sinh nhai, anh Tân cho biết thêm, ngày nay khi các thiết bị an toàn trên tàu cá được trang bị đầy đủ, thiết bị dự báo thời tiết cũng hiện đại hơn và ý thức của ngư dân trong việc tự bảo vệ mình được nâng cao, mức độ rủi ro trong quá trình khai thác biển đã giảm rất nhiều, tình trạng “vì tiền ta phải đánh đổi máu xương” còn rất ít. Tuy nhiên, ngư dân phải đối diện với khó khăn mới là nguồn hải sản giảm mạnh so với trước, trong khi giá cả đầu vào phục vụ nghề khai thác thứ gì cũng tăng, nên loại hình khai thác nào cũng kém hiệu quả, tần suất chuyến biển thua lỗ ngày một tăng, tàu nằm bờ ngày một nhiều.
Mới tâm sự được một lúc thì tàu cũng đã đến dãy đáy hàng khơi cách đất liền hơn 12 hải lý. Do lúc này nước còn lớn nên anh em cho neo tàu, tranh thủ ăn cơm tiếp tục chờ nước ròng. Sau hơn 1 giờ chờ đợi trong sự phập phồng, khoảng 10 miệng đáy đầu tiên cũng được cất lên tàu trong niềm vui vỡ oà của các thành viên vì lượng tôm cá, mực ngoài mong đợi. Không khí lao động trên tàu trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi các miệng đáy tiếp theo nặng trĩu cá, tôm. Mọi người tranh thủ phân loại, muối đá… quên đi sự mệt nhọc, nắng gió, nhất là những cơn sóng biển liên tục đập vào thành tàu làm tàu lắc lư liên tục.
Không khí lao động hăng say, chẳng mấy chốc hơn 40 miệng đáy đã được thu hoạch hoàn thành. Con tàu bắt đầu quay đầu rẽ sóng tiến vào bờ trong niềm vui của các ngư phủ. Tất cả mọi người nhanh chóng bốc điện thoại thông báo tin vui về cho gia đình. Dọc đường về, ai nấy đều vui cười hớn hở chia sẻ cho nhau nghe những dự tính tiếp theo sau chuyến biển này. Riêng anh Tân thì khẳng định một câu chắc nịch: “Nếu chuyến nào cũng như vậy thì gắn bó với biển đến hết đời”.
Chiếc tàu cá chở anh em chúng tôi liên tục lướt qua những đợt sóng dồn dập, nhưng lúc này không chao đảo như lúc ra, bởi hàng tấn cá tôm được chất đầy trên boong, 2 bên mạn tàu, dưới khoang… Sau gần 2 giờ tàu đến cảng Rạch Gốc, tại đây, hơn 20 người đã đứng chờ từ trước để hoàn thành công đoạn cuối cùng của một chuyến khai thác là lựa chọn và phân chia từng loại cá, tôm, mực… trước khi đưa chúng vào nhà xưởng, ra chợ hay đóng thùng xuất ngoại.
Chuyến đi này cùng với những chuyến đi dài trong các đợt tuần tra trên biển với lực lượng kiểm ngư giúp tôi có nhiều trải nghiệm mới về cuộc sống của ngư dân trên dọc dài ngư trường toàn tỉnh. Dù còn nhiều hiểm nguy, khổ cực, bấp bênh, song họ là lực lượng luôn chung thuỷ với biển cả, gắn bó với biển và đặc biệt, họ chính là “cột mốc sống” chủ quyền biển, đảo quê hương. Cầu mong mỗi chuyến ra khơi họ “trúng mẻ cá thật to, về với gia đình, cuộc sống ấm no” như đoạn cuối của lời bài hát mà anh Tân đã ngân nga./.
Song Nguyễn