Ðó là Ðội Nữ pháo binh tỉnh Cà Mau những năm tháng kháng chiến, một thời khiến quân thù nghe tên đã khiếp sợ. Họ là những cô gái, áo bà ba giản dị, tóc dài thướt tha, nhưng gạt đi cuộc sống cá nhân để hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
- Trung đội nữ pháo binh Cái Nước diệt đồn Rạch Chèo
- Thông qua đề cương, bản thảo sách “Nữ pháo binh tỉnh Cà Mau trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước”
- 17 tiết mục đặc sắc tại đêm giao lưu “Đội quân tóc dài – những năm tháng không quên”
- Giao lưu họp mặt đội nữ pháo binh
Ký ức kiêu hùng
Tìm đến nhà cô Nguyễn Hồng Nỹ (Út Nỹ), Ðại đội trưởng Ðại đội Nữ pháo binh ngày xưa, vào một buổi sáng cuối tuần, cô Út Nỹ đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu nhưng giọng nói vẫn đầy hào sảng của người chỉ huy trên chiến trường năm nào.
Cô Nguyễn Hồng Nỹ và cô Huỳnh Thị Thu - hai thành viên của Ðội Nữ pháo binh tỉnh Cà Mau một thời kiêu hùng.
Ðại đội Nữ pháo binh của tỉnh Cà Mau (C83) được thành lập vào tháng 10/1974, tại xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, do cô Nguyễn Hồng Nỹ làm Ðại đội trưởng. Cô và đồng đội đều là những thiếu nữ mười tám, đôi mươi, thậm chí người nhỏ nhất chỉ mới mười lăm tuổi, nhưng ý chí quyết tâm hướng về cách mạng không thua kém cánh mày râu. Ðội nữ pháo binh ấy đã phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang của tỉnh lập nên những chiến công vẻ vang, chung tay tạo nên chiến thắng lịch sử, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bồi hồi nhớ lại thời cùng đồng đội học tập, rèn luyện và chiến đấu, cô Nỹ giọng trầm ấm, kể: “Ðơn vị toàn phụ nữ nên chia ngọt sẻ bùi như một gia đình. Chị em chúng tôi nắm tay nhau đi từ xuất phát điểm con số 0 đến khi cầm vững súng, thành thạo bắn pháo và những kỹ thuật quân sự phức tạp nhất. Thời điểm đó, cái câu mà chị em hay nói để động viên nhau vững dạ chiến đấu là "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Tôi nhớ, trong đại đội có cô bé tên Phạm Thị Mười Nhỏ, bí danh là Ngân. Em trốn nhà để theo đội nữ pháo binh năm 15 tuổi. Tôi thương em nên đuổi về, vì em còn nhỏ quá, nhưng em vừa khóc vừa năn nỉ cho theo, khổ cỡ nào em cũng không than. Vậy là em trở thành một phần của chúng tôi".
Trong ký ức của cô Nỹ, trận đánh ác liệt nhất là trận tấn công phân chi khu Công giáo Hoà Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Cà Mau. Nhiệm vụ của Ðại đội Nữ pháo binh khi đó phối hợp với đơn vị K12 huyện Châu Thành bao vây, uy hiếp chi khu Công giáo Hoà Thành và tiến công đánh chiếm thị xã Cà Mau. Cô Nỹ nhớ như in: “Vào đêm 22/4/1975, đại đội tổ chức thành 2 khẩu đội pháo, do tôi trực tiếp chỉ huy. Chúng tôi phát pháo lệnh và áp chế mục tiêu địch, tạo điều kiện cho các mũi bao vây, chia cắt, tiêu diệt địch. Ðịch từ thị xã Cà Mau tổ chức phản công quân ta quyết liệt bằng xe lội nước, kết hợp tàu sắt trên sông và trực thăng trên không để oanh tạc quân ta. Ðể bảo toàn lực lượng, quân ta lùi về tuyến sau tổ chức thực địa, xác định địa hình để chuẩn bị trận đánh tiếp theo. Ðến ngày 29/4/1975, các nữ pháo thủ nã pháo, nổ lệnh bước vào trận chiến thứ 3. Bất ngờ đối đầu với quân địch từ trong chi khu đi ra, quân ta phải lùi về tuyến sau. Tiếp đó, chúng tôi đề xuất cấp trên chuyển hướng tấn công bất ngờ để địch không kịp trở tay. Ðến 15 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Hoà Thành được giải phóng hoàn toàn trong sự vui mừng của đồng đội”.
Ngồi cạnh cô Nguyễn Hồng Nỹ, một chiến sĩ pháo binh khác, là cô Huỳnh Thị Thu (bí danh Mười Thu). Không giấu sự tự hào và xúc động về những chiến công kiêu hùng của mình và đồng đội của những năm tháng chiến tranh ác liệt, cô cho biết: “Chị em bao phen cận kề cái chết nhưng có biết sợ là gì. Chúng tôi ai cũng mang sự vô tư của những cô gái mới tuổi ăn tuổi lớn nhưng tinh thần thì quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sau mỗi trận đánh, chị em lại quây quần, ăn uống, tắm gội và văn nghệ như một gia đình. Chị em kể nhau nghe về gia đình, về hy vọng ngày hoà bình sẽ xây dựng cuộc sống, hăng hái lao động sản xuất. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy vui và cười khanh khách, giòn hơn pháo nổ”.
Không trận chiến nào là không hy sinh xương máu. Ðội Nữ pháo binh đã hy sinh 6 người. Cô Thu nước mắt rưng rưng, kể: “Ðứng trước thi hài các chị mà đau nhói lòng. Chúng tôi khóc nức nở bởi thương đồng đội còn quá trẻ và không thể thấy ngày độc lập. Những ai còn sống đều tự nhủ sẽ chiến đấu, sẽ xây dựng quê hương thay cho người nằm xuống”.
Cứ mỗi lần thấy chị em khóc vì đồng đội ra đi, cô Nỹ lại đanh thép vực dậy tinh thần: “Khóc hay trả thù?”. Lúc này, bao đôi mắt ngấn lệ chợt rực sáng, quả quyết: “Trả thù, giết giặc, Việt Nam muôn năm!”.
"Chúng tôi lặng lẽ chôn đồng đội rồi lại lao vào cuộc chiến. Tôi nhớ mãi con bé Mười Nhỏ. Em đánh trận đầu tiên đã hỏng một mắt. Em nhìn chúng tôi, nói mấy chị có đôi mắt sáng trưng, còn mắt em tối hù. Vừa nói em vừa khóc, lòng tôi đau, nhưng quyết tâm trả thù cho em. Dù còn một mắt nhưng em vẫn sẽ thấy được nước nhà độc lập, thanh bình”, cô Út Nỹ rưng rưng kể lại.
Giây phút bình yên bên công sự (1973). Ảnh tư liệu
Thầm lặng, bình dị về với đời thường
Ngày hoà bình, thành viên Ðội Nữ pháo binh mỗi người một nơi. Một số chị tiếp tục phục vụ trong quân đội, một số chuyển sang công tác ở các ban, ngành khác của tỉnh để tham gia vào các đoàn thể tại địa phương, như phụ nữ, cựu chiến binh... Thời chiến cầm pháo, kéo pháo; thời bình cầm cuốc, cầm bút vun đắp quê hương. Các chị đã đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương, đất nước.
Cô Thu chia sẻ: “Lúc đi thì tóc còn xanh, lúc hoà bình tóc đã lốm đốm trắng. Chị em mỗi người mỗi nơi nhưng vẫn thường xuyên giữ liên lạc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần đoàn kết gắn bó, khắc phục mọi khó khăn, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Ðiển hình như chị Út Nỹ, giờ vẫn miệt mài chăm lo đời sống của chị em. Ðợt rồi, chị Út Nỹ đã xin thêm xe lăn, xin thêm quần áo và trợ cấp cho những chị em gặp khó khăn. Thương lắm, quý lắm”.
Dù cách trở địa lý nhưng cứ đến những ngày kỷ niệm hay họp mặt là các thành viên của Ðội Nữ pháo binh năm nào lại sum họp bên nhau. Vẫn gương mặt quen thuộc, vẫn nụ cười hồn hậu và bao câu chuyện trao nhau. Cô Nguyễn Hồng Nỹ bảo: “Xa mặt nhưng chưa bao giờ cách lòng. Mới đợt kỷ niệm vừa rồi, chị em từ xa về, tôi bố trí ở nhà tôi và nhà của cô Thu, đối diện nhà tôi. Chị em lại quây quần như thuở nào. Mỗi người có một cuộc sống, một hoàn cảnh riêng, nhưng chúng tôi nhất quyết là tấm gương sáng để giáo dục truyền thống yêu nước, cho con cháu mãi đi theo ngọn cờ của Ðảng và Bác Hồ”.
Trong trang sử hào hùng đánh giặc giữ nước của Ðảng bộ, quân và dân nơi mảnh đất anh hùng cực Nam Tổ quốc, Ðội Nữ pháo binh tỉnh Cà Mau đã có những đóng góp đáng tự hào, xứng đáng với 8 chữ vàng được Bác Hồ khen tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.
Lam Khánh