Ngày 14/1, Ủy ban Dân tộc (UBDT) hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác dân tộc năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử chủ trì và điều hành hội nghị. Tại điểm cầu Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng chủ trì.
(CMO–QN) Ngày 14/1, Ủy ban Dân tộc (UBDT) hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác dân tộc năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử chủ trì và điều hành hội nghị. Tại điểm cầu Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng chủ trì.
Trong năm qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các vùng dân tộc và miền núi từ 8-10. So với năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo vùng Đông Bắc ước giảm 3%, Tây Bắc giảm 3,5%, Bắc Trung Bộ giảm 2,7%, Tây Nguyên giảm 2,7%, Đông Nam Bộ giảm 2,1% và Tây Nam Bộ giảm 2,4%.
Mặt khác, đã hỗ trợ đầu tư xây dựng trên 5.300 công trình; xây dựng trên 170 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 17.000 hộ; hỗ trợ gần 684.000 m2 đất ở cho trên 1.700 hộ dân tộc thiểu số nghèo với số tiền giải ngân gần 57 tỉ đồng. Đồng thời, hỗ trợ sản xuất, y tế, giáo dục, văn hóa và đào tạo cán bộ...
Tuy nhiên, cũng như nhiều năm trước, nguồn lực bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án còn thấp so với kế hoạch, nhu cầu vốn. Hầu hết, các chính sách ban hành từ năm 2013 và kết thúc năm 2015 nhưng 2014 kế hoạch vốn rất thấp và không đồng bộ. Cơ chế chính sách, định mức đầu tư, hỗ trợ không còn phù hợp với thực tế gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Nhiều chính sách hết hiệu lực vào năm 2015 nhưng không đạt được mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, vấn đề dân tộc được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đưa lên hàng đầu. Các ngành, các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, y tế… đặc biệt là ở vùng dân tộc và miền núi. Bố trí cán bộ đủ năng lực và thường xuyên kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện công tác dân tộc. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền các chương trình, chính sách dân tộc, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước nhằm hóa giải những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề về dân tộc chống phá Đảng và Nhà nước./.