Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 70 năm trôi qua, những người lính Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến từng tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ luôn tự hào về những năm tháng gian khổ nhưng đầy oanh liệt ấy.
- Ấm tình chiến sĩ Điện Biên
- Tri ân những người góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
- Lắng đọng Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Mấy ngày nay, gia đình bà Trần Thị Là, Ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, có nhiều đoàn khách đến thăm hỏi. Trong căn nhà nhỏ, bà Là cẩn thận mang ra những huân chương, huy chương và kể câu chuyện cảm động về cuộc đời mình. Bà Là xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh, mồ côi cha mẹ khi lên 3 tuổi; tuổi nhỏ cơ cực, bà càng nung nấu ý chí cách mạng. Năm 1953, vào tuổi 20, bà đã tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong, góp sức vào Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Cựu thanh niên xung phong Trần Thị Là cùng con gái sắp xếp cẩn thận những huân chương, huy chương mà bà xem đó là báu vật đời mình.
Với tâm niệm "chết xanh cỏ, sống đỏ ngực", ngày ấy bà Trần Thị Là không màn hiểm nguy, đôi chân nhanh nhẹn gánh từng gánh cơm vượt qua làn mưa bom, bão đạn. Bà Là nhớ lại: “Công việc của tôi lúc ấy là cùng mọi người xay lúa, giã gạo, khi đêm về mới nổi lửa nấu cơm vì sợ địch phát hiện. Cơm nấu xong tờ mờ sáng, gánh lên đồi cho bộ đội ăn. Một lần khi gánh cơm lên đèo hút, tôi bị trúng miểng bom ngay đầu, ngã lăn xuống chân đồi, vết thương nặng, tưởng không qua khỏi, vậy mà khi chữa trị xong lại lên đường làm nhiệm vụ”. Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, bà Là tiếp tục tham gia công tác phụ nữ, giao liên, quân báo, góp tuổi xuân cho ngày giải phóng.
Trong suốt chiến dịch, không quản điều kiện khắc nghiệt, hiểm nguy, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến vẫn vững lòng ngày đêm tải thương, gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí vào phục vụ chiến trường; xẻ núi, vượt suối, bạt đèo cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa.
Trong những ngày cả nước hướng về Ðiện Biên, chúng tôi may mắn được gặp người dân công hoả tuyến năm xưa - cựu chiến binh Nguyễn Văn Tịnh. Ông Tịnh năm nay 104 tuổi, sinh sống ở ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Nay tuổi cao sức yếu, không còn trò chuyện được nhiều, nhưng trước đó ông đã ghi lại tập hồi ký của đời mình. Quê ông Tịnh ở Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh, ông cùng 3 anh em của mình tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và 1 người em đã mãi nằm lại nơi chiến trường. Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Tịnh thực hiện nhiệm vụ sửa đường và gánh gạo, chuyển lương thực cho bộ đội.
Người dân công hoả tuyến Nguyễn Văn Tịnh kể về miền ký ức 70 năm trước, khi ông cùng bao lớp thanh niên nối nhau vượt qua núi cao, đèo sâu vào chiến dịch.
Ông Nguyễn Xuân Nghiệu, con của cựu chiến binh Nguyễn Văn Tịnh, chia sẻ: “Theo lời kể của cha tôi, đoàn dân công tải lương lên Ðiện Biên Phủ phải đi nhiều đường khác nhau để tránh sự phát hiện của mật thám, máy bay địch. Màn đêm buông xuống là lúc họ gánh gạo ra chiến trường; bom đạn quân địch nổ sát bên tai, đường rừng hiểm trở, nhiều người đã mãi mãi ra đi. Nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từng đoàn xe đạp thô sơ, người gánh bộ vẫn nườm nượp nối nhau vượt qua núi cao, đèo sâu vào chiến dịch”.
Trong xây dựng cuộc sống mới, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Tịnh vẫn một lòng sắc son theo Đảng, giáo dục con cháu học tập, lao động, cống hiến cho quê hương.
Ðể chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Quân khu 9 huy động Tiểu đoàn 410 và Tiểu đoàn 307 trong Nam Bộ tiến hành đánh chặn, làm tiêu hao sinh lực địch, ngăn không cho chúng từ miền Nam ra chi viện cho chiến trường Ðiện Biên Phủ. Giai đoạn đó, cựu chiến binh Nguyễn Tấn Trạch (sinh năm 1929, hiện ngụ Phường 4, TP Cà Mau) là một trong những người thực hiện nhiệm vụ này. Cựu chiến binh Nguyễn Tấn Trạch kể: “Ác liệt nhất là trận Bàu Thúi, Tân Duyệt, Giá Rai... làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Sau đó, tôi tham gia tập kết ra Bắc học tập chiến lược quân sự và tham gia chiến đấu ở Sư đoàn 34, Quân đoàn 2 cho đến ngày giải phóng. Cũng năm 1954, tôi được nhận Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, người góp phần cùng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ".
Ở tuổi 95, cựu chiến binh Nguyễn Tấn Trạch vẫn minh mẫn, hào hứng khi kể chuyện chiến đấu.
Dâng hiến tuổi thanh xuân nơi chiến trường, sau hoà bình, những thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến ấy chọn đất Cà Mau anh hùng để xây dựng kinh tế mới. Họ vẫn một lòng sắt son theo Ðảng, giáo dục con cháu học tập, lao động, cống hiến cho quê hương, trở thành những công dân tiêu biểu.
Ông Nguyễn Xuân Nghiệu, con của cựu chiến binh Nguyễn Văn Tịnh, kể: “Năm 1985, gia đình tôi vào đây lập nghiệp, khó khăn chồng chất, nhưng quyết không chùn bước. Từ chiếc xuồng nhỏ câu kiều, đến nay gia đình tôi có 3 ghe biển, đánh bắt ở cửa Ðá Bạc. Trước đây cha tôi là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, nay tôi là Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh ấp, ra sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn đổi mới từng ngày”.
Tham gia các hoạt động hướng về Ðiện Biên, được lắng nghe câu chuyện từ những nhân chứng lịch sử, các bạn trẻ đều hết sức xúc động, tự hào và nguyện tiếp nối hành trình dựng xây quê hương, đất nước. Chị Ngô Như Quỳnh, Phó bí thư Chi đoàn ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: “Khi được tiếp xúc, được nghe các bậc tiền bối, nhân chứng sống của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ kể về những gian khổ, hy sinh ngày ấy, bản thân tôi vô cùng kính trọng, tự hào với truyền thống của quê hương. Tôi tự nhủ phải phấn đấu học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước”.
Hoà chung khí thế cả nước chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, Tỉnh đoàn tổ chức đến thăm, tặng quà gia đình chiến sĩ Ðiện Biên, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, nhằm tôn vinh, tri ân người có công với cách mạng. Họ chính là minh chứng sinh động, chân thực nhất về cột mốc lịch sử hào hùng, truyền động lực để thế hệ hôm nay viết tiếp bản anh hùng ca trong công cuộc bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước./.
Mộng Thường