(CMO) “Cà Mau muốn tạo đột phá, thu hút đầu tư phát triển kinh tế thì việc cải thiện chất lượng điều hành phải đi nhanh hơn các tỉnh khác”, đó là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án PCI về tình hình thực hiện cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian qua.
Được biết, năm qua, theo kết quả công bố của VCCI, Chỉ số PCI của tỉnh đạt 64,10 điểm, tăng 2,37 điểm, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 4 hạng). Nếu như so với năm 2018, Cà Mau xếp thứ 9/13 so với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL (tăng 4 hạng). Kết quả này đã ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về cải thiện và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Cà Mau trong những năm qua.
Tốc độ cải thiện pci chưa cao
Trong đó, tỉnh Cà Mau có 6/10 chỉ số thành phần, gồm: Chi phí không chính thức, tính minh bạch, thiết chế pháp lý, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí gia nhập thị trường, Chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước... thuộc nhóm có điểm số bằng, cao hơn điểm số trung vị cả nước.
Tuy nhiên, tốc độ cải thiện PCI của tỉnh Cà Mau vẫn còn chậm so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, điểm số các chỉ tiêu, chỉ số thành phần luôn biến động, tăng không bền vững.
Cụ thể, trong 10 chỉ số thành phần, vẫn còn 4 chỉ số thuộc nhóm có điểm số thấp hơn điểm số trung vị cả nước, như Tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng.
Lý giải về nguyên nhân chỉ số tiếp cận đất đai do đơn vị mình phụ trách thấp, Giám đốc Sở TN&MT Trịnh Văn Lên cho rằng: “Năm 2019, chỉ số này có chuyển biến tốt hơn năm 2018, tăng 0,57 điểm và 16 bậc. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn điểm trung vị cả nước, đứng thứ 12 trong khu vực ĐBSCL. Muốn cải thiện thật sự rất vất vả. Trong đó, cần cải tiến quy trình đánh giá, mẫu điều tra quá ít không mang tính đại diện, nhất là thời gian công bố chậm, khiến việc xây dựng kế hoạch cải thiện của tỉnh gặp không ít khó khăn”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cho rằng, muốn cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, chính quyền phải đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. |
Ông Lên nói thêm, “Chúng tôi không nghi ngờ kết quả điều tra của Bộ Nội vụ, VCCI, nhưng một số câu hỏi, một số câu trả lời không đúng thực tế của tỉnh nhưng chúng tôi bị ảnh hưởng. Đơn cử, 3 năm liên tiếp doanh nghiệp có cùng câu trả lời như nhau, đó là “Doanh nghiệp tư nhân rất khó khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh so với doanh nghiệp Nhà nước”. Nhưng thực tế tỉnh chưa cấp giấy phép khai thác khoáng sản nào cho doanh nghiệp tư nhân lẫn Nhà nước. Năm nào chúng tôi cũng bị tiêu cực tiêu chí này. Do vậy, đề nghị xem xét nội dung đánh giá hợp lý hơn”.
Cần đổi mới tư duy, cách làm
Đáng lưu ý là kết quả chỉ số Đào tạo lao động năm 2019, chưa được cải thiện vị trí xếp hạng so với cả nước trong nhiều năm qua. Kế đến là chỉ số Tính năng động liên tục giảm hạng và chỉ số Cạnh tranh bình đẳng bị tụt hạng mạnh trong năm 2019. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành cần tìm ra những nguyên nhân và giải pháp mang tính đổi mới, sáng tạo, thực hiện quyết liệt hơn về các nhiệm vụ, giải pháp được giao để cải thiện có hiệu quả chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2020.
Phân tích những nguyên nhân khiến chỉ số PCI của tỉnh thấp, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: “Cà Mau chất lượng hạ tầng còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề chưa cao. Đó là những yếu tố nhà đầu tư xem xét để lựa chọn. Rồi về quy mô thị trường, thu nhập người dân, kết nối chuỗi sản xuất. Đặc biệt, chất lượng điều hành, sự vận hành của bộ máy cũng là một trong nhiều lựa chọn khác của nhà đầu tư”.
"Trong khi đó, để cải thiện vấn đề này, hiện tại Cà Mau khó cải thiện vị trí địa lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không phải trong ngày một ngày hai. Do vậy, trong con mắt nhà đầu tư, cải thiện chất lượng điều hành vẫn là lớn nhất. Và Cà Mau muốn tạo đột phá, thu hút đầu tư phát triển kinh tế thì việc cải thiện chất lượng điều hành này phải đi nhanh hơn các tỉnh khác", ông Đậu Anh Tuấn phân tích thêm.
Theo đó, để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới, ông Đậu Anh Tuấn đã đưa ra khuyến nghị: “Cần phải rà soát kỹ hơn về thực trạng các chỉ số hiện nay, đánh giá vẫn còn chung chung. Kế hoạch hành động cải thiện phải hết sức cụ thể. Tập trung một số lĩnh vực doanh nghiệp phản ánh, như vốn, chất lượng nhân sự, chính sách pháp luật... Nên rà soát tối ưu hoá các TTHC liên ngành hậu đăng ký kinh doanh. Bởi thực tế một số dự án liên quan TTHC đất đai đã qua còn chậm, khiến nhiều dự án liên quan sử dụng đất mất nhiều thời gian, tạo chi phí lớn trong quá trình đầu tư”.
Đặc biệt, các cơ quan chính quyền cần công khai minh bạch thông tin. Càng công khai càng giảm nhũng nhiễu, làm quy trình thuận tiện hơn, góp phần giảm áp lực bộ máy chính quyền. Ngoài ra, giảm thiểu gánh nặng thanh tra kiểm tra đối với doanh nghiệp. Chú trọng chất lượng đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là nhóm tham gia đánh giá rất nhiều cho PCI của tỉnh.
Ghi nhận vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân chỉ đạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thì doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải đổi mới tư duy và cách làm. Mỗi giai đoạn có những phương pháp và hướng đi khác nhau nhưng trên tinh thần chung, gốc rễ của vấn đề chính là phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng ta không chỉ quan tâm đến rút ngắn thủ tục, thời gian, chi phí, mà phải quan tâm giải quyết rốt ráo những nguyện vọng chính đáng của người dân và doanh nghiệp./.
Hồng Nhung