(CMO) Một năm mới nữa đã đến, nhìn mớ dưa cải mà mợ Hai tôi gói ghém dành cho tôi lúc về thăm quê ngoại, bao nhiêu nhớ thương lại ùa về; nhớ bà ngoại, nhớ khạp dưa cải đầy ắp cùng những ngày Tết vui vầy bên ngoại.
Mùng 2 Tết, cả gia đình nhỏ bốn người nhà tôi chở nhau về quê ngoại ở ấp Cái Rắn (xã Phú Hưng, huyện Cái Nước), trước là để thắp nhang bàn thờ, thăm mộ ông bà, sau là thăm cậu mợ Hai. Do ông ngoại tôi mất quá sớm, từ lúc mẹ tôi còn ẵm ngửa, đỏ hỏn trên tay bà ngoại, nên khi nói tới hai chữ yêu thương “dìa ngoại”, thì mấy anh em tôi chỉ có duy nhất một nơi để về, đó là nhà cậu mợ Hai, nơi từng có bà ngoại với cả một vùng trời thương nhớ của tuổi thơ tôi.
Hồi học cấp 2, hè năm nào tôi cũng về chơi với ngoại, theo cách nói của mẹ tôi là thay mẹ mà “hủ hỉ” cho ngoại vui! Ông ngoại mất lúc bà mới ngoài hai mươi tuổi. Cái tuổi còn đầy xuân sắc, vậy mà bà vẫn “ở vậy”, nuôi cậu và mẹ tôi khôn lớn, đặc biệt là làm tròn bổn phận dâu con với cha mẹ chồng, ông bà nội chồng!
Ở “nhà thờ”, “nhà gốc” nên một năm bà ngoại tôi phải chuẩn bị cho gần chục lần giỗ! Hình ảnh quen thuộc của bà ngoại tôi là những lúc nuôi heo, đặt rượu; nuôi vịt, nuôi gà để dành cúng giỗ ông bà; tất bật ngâm gạo, nếp; xay bột; đãi đậu; róc lá chuối, chặt lác; móc dừa khô… chuẩn bị làm bánh ít, bánh tét, bánh bò…
Bà ngoại tôi ngoài giỏi làm bánh, làm cá khô, “nhận” mắm, còn rất “có tay” làm dưa. Từ dưa rau muống với cách “đánh” nước dưa bằng nước “cơm vo” (nước vo gạo) cho tới dưa giá, dưa cải…, đặc biệt là món dưa môn. Gọi là dưa môn không phải là củ khoai môn đem làm dưa, mà là lấy phần cọng của cây môn ngứa (môn nước), lột sạch phần vỏ xanh bên ngoài rồi đem làm dưa. Khi cọng môn ngả sang màu vàng ươm là có thể ăn được. Lạ một điều là khi làm dưa, cọng môn ăn không hề bị ngứa.
Hồi còn nhỏ xíu, về chơi với ngoại, tôi được ngoại nấu cho ăn món canh chua lươn đồng với dưa môn. Lúc đó tôi chưa biết nhiều về thưởng thức, nhưng đói bụng lại được ăn món mới do tự tay ngoại chăm chút: Mấy khúc lươn đồng vàng ươm đặt trúm bắt được nấu chung với dưa môn cắt khúc; vị chua chua của dưa, ngọt ngon của lươn quyện vào nhau, phải nói là ngon “thấu trời”, ăn một lần nhớ đời. Ðó cũng là lần duy nhất từ nhỏ cho tới bây giờ tôi được ăn món đó.
Quen thuộc nhất là dưa cải. Cải tùa xại nhà trồng, ốp bắp vừa ăn thì chặt vô rửa sạch, trụng sơ hoặc đem phơi cho héo trước khi làm dưa. Cây cải nào lớn quá thì tách làm hai cho mau thấm. Dưa cải được ngoại chế biến đủ món cho ngày Tết: trộn đường làm món dưa ăn kèm với thịt kho tàu, cá kho; xào với trứng hoặc thịt heo, ruột heo, lòng gà vịt; hoặc xắt miếng lớn hầm với giò heo… ăn chua chua, giòn giòn rất “bắt” cơm!
***
Vẫn giữ được nếp nhà, giữ tấm lòng rộng mở, bao dung như ngày nào bà ngoại còn bên con cháu; mợ Hai tôi cũng gìn giữ cách làm dưa của ngoại, dù không làm dưa môn nữa, và do nay cả vùng không còn giữ ngọt như xưa, mà đã chuyển qua làm vuông, nuôi tôm, cua, có năm trồng được cải tùa xại năm không, nhưng năm nào mợ Hai cũng làm đầy một khạp dưa cải, vừa để dành trong nhà ăn Tết, vừa cho con cháu ở xa về thăm.
Tết Tân Sửu 2021 này, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không dám tới lui thăm nom, tụ họp ăn uống xôm tụ như mọi năm, nên anh em tôi có về quê ngoại cũng chỉ dám đi rải rác từng đợt, nhanh gọn.
Nghe mợ Hai hỏi: “Tết này mẹ bây có mần dưa cải hông?”, tôi thoáng buồn chợt nhớ lâu lắm rồi, từ lúc sức khoẻ giảm sút, bệnh liên miên tới giờ, mẹ tôi không làm dưa cải ăn Tết nữa.
Mợ Hai giở cái khạp “da bò” vớt mớ dưa cải ém đầy bọc, dặn tôi nhớ đem về chia nhau ra ăn lấy thảo. Nhìn mớ dưa cải vàng ươm, tôi nhớ ngoại. Ngoại hay dạy con cháu cách làm dưa, nhất là các cháu gái trong nhà, đều được ngoại “truyền nghề”. Mẹ tôi dù lấy chồng sớm, cũng kịp thành thạo món dưa ngày Tết này trước khi về nhà chồng.
Giữ nếp nhà, giữ cách làm dưa cải ngon của ngoại, Tết năm nào mợ Hai tôi cũng gói ghém dưa cải chia cho con cháu ở xa cùng ăn. |
Không những làm dưa ngon giống ngoại, mẹ tôi còn rút thêm kinh nghiệm, dạy tôi cách làm dưa để ăn được lâu, “ra mùng” (sau mùng 10 Tết) vẫn còn ăn được, nên chia hai phần, phần “đánh” nước dưa bình thường, để cải chua vừa, ăn nhanh được; phần “đánh” nước dưa phải hơi “cứng” (mặn hơn chút) để ăn sau. Mười anh em tôi lớn lên từ tay mẹ, đứa nào cũng thích món dưa cải mẹ làm. Ðứa nào cũng từng có lần hí hửng giở lớp cọng chuối gài phía trên, rồi tới lớp lá chuối tươi phủ trên mặt khạp dưa, vớt ra cây cải vàng ươm, vắt khô nước rồi cứ vậy mà xé từng bẹ cải ăn ngon lành.
Giờ dưa cải có quanh năm, muốn ăn là mua có ngay, vì vậy mà nó cũng trở thành món ăn quá bình thường, chưa kể nỗi bất an về việc sử dụng phân thuốc có an toàn không khi trồng cải; rồi quá trình làm dưa, bảo quản có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Còn trước đây chỉ Tết mới có dưa cải để ăn. Và cải cũng do nhà tự trồng, rau sạch đảm bảo, nên bao nhiêu cảm giác ngon lành có lẽ vì vậy mà dồn lại, góp thêm dư vị cho ngày Tết qua món ăn dân dã./.
Tâm Hảo