(CMO) Ðó là tâm huyết của ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trong buổi trao đổi với phóng viên báo Cà Mau về những kế hoạch dài hơi, giải pháp bền vững để con cua Cà Mau giữ vững thương hiệu, tiến ra thị trường thế giới.
- Ông có thể đánh giá tổng quan về tiềm năng, thế mạnh của nghề nuôi cua Cà Mau trong những năm qua?
Ông Lê Văn Sử: Tiềm năng của con cua Cà Mau nói riêng và một số loài thuỷ sản đặc trưng đến từ điều kiện, đặc điểm tự nhiên của tỉnh. Là tỉnh có địa lý 3 mặt giáp biển, các loại thuỷ sản phát triển và trở thành động lực kinh tế, trong đó có con cua. Với đặc điểm, điều kiện và cách tổ chức sản xuất như vậy thì lợi thế của con cua chỉ đứng sau đối tượng nuôi chủ lực là con tôm. Thứ nhất, con cua mang lại thu nhập rất tốt và ổn định cho người dân Cà Mau. Bởi vì, cua Cà Mau có chất lượng đặc biệt so với các vùng, miền khác và đang được người tiêu dùng đánh giá là có chất lượng số 1 trong khu vực ÐBSCL, thậm chí là cả nước. Thứ hai, cua Cà Mau có sản lượng ổn định. Thứ ba, giá bán con cua cao hơn so với con tôm, thậm chí có thời điểm 1 kg cua cao gấp đôi so với 1 kg tôm. Mặc dù tổng sản lượng cua Cà Mau không lớn hơn so với tổng sản lượng tôm, nhưng với những đặc điểm như vậy đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
- Việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cua Cà Mau trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông? Nhất là chúng ta được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với con cua Cà Mau, sẽ có ý nghĩa như thế nào cho sự phát triển bền vững ngành hàng cua trong thời gian tới?
Ông Lê Văn Sử: Thực chất hoạt động xúc tiến thương mại đã có từ rất lâu, con cua Cà Mau đã đi khắp cả nước và một số quốc gia. Từ khi chúng ta chưa có các hoạt động xúc tiến thương mại nào thì con cua đã nổi tiếng. Thời gian gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại đối với cua chưa nhiều nhưng đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Thông qua các hoạt động hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các sản phẩm cua Cà Mau đều được xuất hiện bằng các hình thức phù hợp, nhận được sự quan tâm tích cực và có hiệu ứng lan toả từ người tiêu dùng, nhất là các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ kết quả này, tổng sản lượng cua Cà Mau tiêu thụ khoảng 60% trên địa bàn nội địa và 40% thị trường quốc tế.
Hoạt động xúc tiến thương mại đã, đang và sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản Cà Mau tốt hơn, trong đó có con cua. (Trong ảnh: Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) tham quan gian hàng OCOP của thanh niên Cà Mau tại hội chợ ẩm thực hàng Việt Nam - Thái Lan, diễn ra từ ngày 7-15/5, tại Quảng trường Thanh Niên, đường Trần Hưng Ðạo, Phường 5, TP Cà Mau). |
Gần đây, tỉnh Cà Mau đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cua Cà Mau. Ðây là bước ngoặt, là cơ sở, tiền đề để chúng ta thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động sản xuất, quản lý sản phẩm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho xúc tiến thương mại, liên kết trong việc tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm cua Cà Mau trong và ngoài nước.
- Trước đó, cua Cà Mau được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận Tốp 100 món ăn đặc sản Việt Nam và nhân sự kiện “Ngày hội Cua Cà Mau”, dự kiến sẽ có 69 món ăn được chế biến từ nguyên liệu là đặc sản cua biển Cà Mau để trình hội đồng xem xét xác lập kỷ lục. Vậy chúng ta đã có bước chuẩn bị như thế nào để ngày hội này để lại dấu ấn trong lòng mọi người, thưa ông?
Ông Lê Văn Sử: Như chúng ta đã biết, trong 2 năm gần đây tỉnh Cà Mau liên tục xây dựng kế hoạch và tổ chức các sự kiện để xúc tiến thương mại ngành du lịch; đầu năm 2022 đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện “Cà Mau điểm đến 2022”. Trong đó, “Ngày hội Cua Cà Mau” sẽ là sự kiện rất quan trọng và sẽ được tổ chức một cách chu đáo, công phu, bài bản với sự tham gia của cộng đồng các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và đơn vị tổ chức sự kiện.
Cua Cà Mau tham gia vào chuỗi sự kiện “Cà Mau điểm đến 2022” tôi cho là rất xứng đáng, phù hợp với vai trò, vị thế của các sản phẩm cua Cà Mau. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh tế hợp tác xã, người dân đã đề xuất và hưởng ứng tích cực việc tổ chức sự kiện này. Trong sự kiện sẽ có những hoạt động hết sức quan trọng, hy vọng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực. Ðó là tổ chức các hoạt động ẩm thực, dự kiến sẽ chế biến 69 món ăn từ nguyên liệu cua, với sự tham gia của nhiều đầu bếp nổi tiếng trong nước và khu vực. Thông qua đó chúng ta sẽ xác lập kỷ lục Việt Nam.
Hoạt động thứ hai là xúc tiến thương mại tại sự kiện này. Chúng ta sẽ mời gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham quan mô hình nuôi cua theo nhiều hình thức khác nhau, gắn với phát triển du lịch cộng đồng; thông qua đó, ký các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm con cua. Lồng ghép vào đó sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề về kỹ thuật nuôi trồng sản xuất, chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm cua, thông qua đó sẽ giải quyết những khó khăn, tồn tại, bất cập hiện nay, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ngành hàng cua Cà Mau tiếp tục phát triển.
Thứ ba, cố gắng từng bước đẩy nhanh quá trình chứng nhận toàn bộ cho con cua Cà Mau; vì hiện nay ngành xuất khẩu cua có tình trạng chỉ xuất được khi sản phẩm cua có tem nhãn, còn số khác không xuất được vì chưa được chứng nhận.
Vấn đề thứ tư cần phải tập trung đó là kỹ thuật nuôi cua, không chỉ là xem xét trên giống cua mà nó còn là môi trường nước, kỹ thuật, công tác quản lý, chăm sóc trong suốt quá trình nuôi cua để cua có chất lượng, đạt sản lượng lớn và ổn định.
Cà Mau hướng đến chứng nhận toàn bộ cho con cua Cà Mau, đây sẽ là động lực cho ngành hàng cua phát triển bền vững hơn. |
- Ðối với ngành nông nghiệp, đơn vị được xem là chủ công trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có ngành hàng cua, UBND tỉnh có chỉ đạo gì để con cua Cà Mau vươn ra thị trường thế giới, thưa ông?
Ông Lê Văn Sử: Mặc dù đã có nền tảng, tiền đề, thuận lợi trong phát triển. Song, các sản phẩm từ cua của chúng ta gặp khó. Những khó khăn, bất cập cần phải kể đến đó là chất lượng cua giống của Cà Mau so với trước đây đã có những dấu hiệu bị thoái hoá; do đó kỹ thuật quản lý, sản xuất, lưu giữ con giống cần phải có cải tiến.
Vấn đề thứ hai là, thời gian gần đây có những đợt xuất hiện dịch bệnh, cua chết xảy ra trên diện rộng, đến nay chúng ta cũng chỉ mới xác định được nguyên nhân ban đầu và chưa đề ra biện pháp phòng tránh được.
Vấn đề thứ ba, mặc dù con cua Cà Mau có chất lượng vượt trội, có thương hiệu nổi tiếng nhưng cái khó là việc quản lý, vận chuyển, phân phối... Dù đã có giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhưng lúc này, lúc khác còn quản lý lỏng lẻo, sơ hở, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng của con cua Cà Mau. Ðây cũng là vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.
Từ những lý do đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đối với việc phát triển các ngành hàng cua. Trong đó tập trung vào mấy việc: Chỉ đạo quy hoạch lại sản xuất thuỷ sản, trong đó có quy hoạch sản xuất cua để xác định được vùng sản xuất và diện tích phù hợp. Chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các viện, trường, thậm chí là viện, trường quốc tế để nghiên cứu, tiếp tục cải thiện chất lượng con cua giống của Cà Mau. Tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc những giống cua mới có tính chất phù hợp, có chất lượng vượt trội để không chỉ dừng lại ở thế mạnh của con cua mà chúng ta sẽ tạo ra những lợi thế mới. Phát huy tối đa chỉ dẫn địa lý con cua Cà Mau một cách chuyên nghiệp, bài bản, minh bạch, khách quan.
- Xin cảm ơn ông!
Phú Hữu thực hiện