(CMO) Cà Mau những ngày giãn cách, chỉ có thể diễn tả bằng hai tiếng “buồn hiu”. Thời gian như trôi chậm lại. Không khí sôi động, hối hả thường ngày nhường chỗ cho một không gian trầm lắng đến nao nao.
Hẻm nhỏ nhà tôi, cách một trong những con đường lớn nhất thành phố Cà Mau chỉ một đỗi ngắn, nhưng ngày cũng vắng tiếng xe, màn đêm buông xuống thì im ắng đến tĩnh mịch. Tiếng rao hàng của người đi bán dạo, tiếng lũ trẻ hàng xóm chơi đùa lao xao, và cả tiếng chiếc xe bò viên của hai vợ chồng cuối xóm, khuya khuya ì ạch lăn trên đường về… vốn đã quen tai, nay cũng không còn nghe nữa.
Cà Mau dạo này hay mưa đêm. Khi tiếng gió, tiếng mưa qua đi thì vạn vật lại rơi vào một vùng tĩnh lặng. Con người ta thật lạ, khi gặp cảnh ồn ào thì ước có một không gian im ắng, nhưng khi sự im lặng đến quá mức bình thường thì họ lại thèm được nghe những âm thanh quen thuộc hàng ngày; thậm chí là mường tượng những tiếng vọng về từ quá khứ xa xăm. Ðó là cái thời tuy thiếu thốn về vật chất, nhưng người ta có thể sống một cách vô ưu, vô lo. Con nít sinh ra được nuôi bằng con cá, cọng rau cùng những sản vật tự nhiên mộc mạc, gần gũi với quê hương, vậy mà cứ lớn lên sân sẩn như cây tràm, cây đước; người lớn thì không phải tính toán làm sao để đối phó với các loại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, phức tạp như bây giờ.
Những ngày giãn cách im lặng đến ngột ngạt, tôi chợt thèm được trở về với thuở ấu thơ, đêm đêm ngủ mùng trên ván ngựa, thưởng thức bản giao hưởng của lũ côn trùng trỗi vang trong đám rau gần cửa sổ, lắng tai nghe tiếng cá táp mồi “cum cum” trong mấy cái ao cạn. Nhớ nhất là tiếng mấy trái dừa khô rụng xuống bên hè, một thứ âm thanh rất đời thường mà nhiều năm rồi tôi chưa một lần nghe lại.
Trước chuyển đổi sản xuất, các vùng nông thôn Cà Mau trồng rất nhiều dừa, giống cây lâu năm gần như duy nhất thời đó. Mặc dù giá trị kinh tế mang lại không cao, nhưng các sản phẩm từ cây dừa lại rất thiết thân và hữu dụng trong đời sống hàng ngày, nên loài cây này vẫn được người dân ưa chuộng. Nói không ngoa, bên cạnh cây lúa thì cây dừa là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của vùng nông thôn, không chỉ riêng Cà Mau, mà còn với nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực.
Thời gian đó, dừa tươi hầu như chẳng ai mua, thỉnh thoảng có vài chiếc xuồng mua dừa khô dạo, mà người ta chỉ lựa mua dừa trái lớn, tròn đẹp. Cây dừa thấp thì leo hái, dừa cao non chục thước thì dùng cây móc bằng tre; riêng những cây dừa lão cao từ mười mấy đến hai chục thước thì chỉ còn cách chờ cho dừa thật khô, rồi tự rụng chứ không tài nào hái được.
Hàng dừa quê mẹ. |
Dừa lão thường sai trái, lại ít khi bị chuột, dơi cắn phá. Vắt vẻo trên cao là những quày dừa khô lớn, cồng kềnh. Muốn ngồi nghỉ chân dưới gốc dừa thì phải ngó chừng trên ngọn, nếu thấy có dừa khô thì mau chóng tránh xa. Dừa khô phần nhiều rụng ban đêm, khi trời nhiều gió. Những ai sống ở nông thôn đủ lâu sẽ dễ dàng phân biệt âm thanh của tiếng dừa rụng, chỉ cần nghe tiếng là biết đó là dừa khô hay dừa tươi (dừa tươi rụng do bị bọn chuột hoặc dơi quạ khoét thủng để ăn).
Dừa rụng trên bờ, dừa rụng dưới mương. Cứ vài ngày, tôi lại được người lớn “phân công” bơi xuồng trong các con mương liếp để vớt dừa khô. Vớt một buổi có khi đầy xuồng. Mương nào không có đường xuồng vô thì dùng sào vớt dừa lên, lấy mũi mác cạy vỏ dừa lôi ra một đoạn chừng bằng ngón tay út rồi buộc chùm chúng lại, xách một bận vài cặp vô nhà. Vỏ dừa cứng và thô ráp, xách nhiều bận là bàn tay nổi lằn ngang dọc, đau ê ẩm chứ chả chơi.
Dừa khô được “tập kết” thành đống bên hiên nhà hoặc trước sân, chờ xuồng kêu bán. Số dừa không bán được thì chẻ ra, phơi khô rồi cạy cơm đem bán cũng được kha khá tiền.
Cũng như đám con nít nông thôn, tôi rất thích không khí náo nhiệt trong những lần gia đình tổ chức chẻ dừa khô, bởi thế nào cũng được thưởng thức món mộng dừa ngon lành. Dừa khô để vài bữa thì mười trái có đến năm ba trái lên mộng. Khi chẻ ra, trong ruột gáo dừa lộ ra cái mộng tròn trịa, trắng tươi, vừa ngọt vừa giòn rụm, ăn mắc ngây. Ngày nào chẻ nhiều dừa, mộng đựng đầy cả rổ. Cái thú ăn mộng dừa và mùi vị thơm ngon của nó là khoảnh khắc trải nghiệm đầy thú vị của tuổi thơ, mà bây giờ khó tìm lại được.
Ngoài “sản phẩm” chính là cơm dừa để bán và mộng dừa cho con nít ăn chơi, khi chẻ dừa khô nhà nông còn thu được một lượng nước dừa đáng kể để “thắng” nước màu. Cái món nước màu đặc sệt từ nước dừa mà đem ướp, kho cá thì thơm, ngon đáo để. Vỏ dừa phơi khô là chất đốt quen thuộc hàng ngày.
Trong nhà lúc nào cũng sẵn dừa khô, nên rất nhiều món ăn ở nông thôn được các bà, các chị có sáng kiến chế biến từ nước cốt dừa. Những ai từng sống ở thôn quê, hẳn khó mà quên được hương vị nồng nàn của món bí rợ hầm dừa, đã được tôn lên tầm “huyền thoại”. Bánh dân gian nhà làm, hầu như món nào cũng có sự hiện diện của dừa nạo trộn hoặc nước cốt dừa. Hồi nhỏ, tôi mê mẩn món chè đậu xanh chan nước cốt dừa má nấu. Cứ mỗi lần trong nhà có dừa khô, hoặc ra vườn lượm được trái dừa ngon là tôi lại òn ỉ má nấu chè cho ăn.
Ngày hè, có món chè đậu xanh nấu bằng gạo nếp, thêm ít bột khoai xanh đỏ tím vàng, múc ra tô bốc khói nghi ngút, chan vô một muỗng nước cốt dừa rồi vừa thổi, vừa ăn, mồ hôi mẹ mồ hôi con cứ túa ra nườm nượp.
Dừa khô rụng xuống bên hè
Lượm vô kêu má nấu chè đậu xanh
Hai câu thơ con cóc ấy được tôi “sáng tác” khi nào không rõ, nhưng chắc đã lâu lắm rồi. Mỗi lần đọc lại vẫn thấy vui vui và nghe thèm món chè đậu xanh má nấu.
Trái dừa khô, với từng người trong nhà, tuỳ giới, tuỳ độ tuổi mà có những tác dụng riêng. Với các anh chị tuổi cập kê, gáo dừa là nhiên liệu không thể thiếu dùng cho cái bàn ủi con gà, ủi áo quần láng bóng mỗi khi có gánh hát về hay đi ăn cưới. Phụ nữ hầu như ai cũng có một hũ dầu dừa riêng để thoa lên tóc cho mượt, cho thơm.
Xưa các lão nông thường chọn những trái dừa khô lớn, tròn, đẹp để moi ruột làm vỏ đựng bình trà. Trên bộ bàn giữa nhà, vỏ dừa đựng bình trà bày trang trọng, nhìn vừa “sang” vừa có tác dụng giữ nhiệt rất tốt. Bây giờ, về các vùng nông thôn vẫn còn nhiều gia đình sử dụng món đồ này, vừa tiện dụng, vừa rẻ tiền và nhắc nhớ về những kỷ niệm của một thời xưa cũ. Tôi cũng như nhiều đứa trẻ nông thôn khác, hồi nhỏ lấy bốn trái dừa cột thành hai chùm, quàng vô nách tập bơi ở mấy cái ao hoặc con rạch trước nhà. Cứ vậy mà biết bơi, rồi bơi giỏi.
Sau khi Cà Mau chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhiều vùng ngọt chuyển sang nuôi tôm và luân canh lúa - tôm thì các vườn dừa ngày càng bị thu hẹp. Tại một số vùng ngọt hoá, người ta cũng phá dừa để trồng các loại cây ngắn ngày hơn và được cho là có hiệu quả kinh tế cao hơn. Về nông thôn, những vườn dừa xanh mướt, những cây dừa lão cao lêu nghêu không còn nhiều như xưa, nếu còn thì cũng xơ xác, ít trái vì đất nhiễm mặn và thiếu bàn tay chăm sóc.
Vài năm gần đây, các vườn dừa ở Cà Mau đang có dấu hiệu hồi sinh. Dừa tươi có giá cao, dễ tiêu thụ nên nhiều nông dân bắt đầu trồng lại. Các giống dừa mới được lai tạo, trồng không bao lâu thì đã cho trái và trái cũng rất sai. Ðây là tín hiệu đáng mừng, bởi ngoài hiệu quả kinh tế, sự hồi sinh của cây dừa cũng là một nét đẹp đời thường, có tầm văn hoá.
Những ngày nằm nhà tránh dịch, thỉnh thoảng tôi lại ngâm nga thi phẩm “Dừa ơi” của Nhà thơ Lê Anh Xuân. Nhớ quê cồn cào, tôi thèm ngắm những ngọn dừa cao, chênh chao trong gió; thèm nghe tiếng lá dừa khua vào nhau xào xạc và tiếng dừa khô rụng bên hè; thèm đến ngẩn ngơ cái mùi thơm thơm, béo béo của món chè đậu xanh nước cốt dừa má nấu. Lắm lúc, tôi lại nhớ đến những ngày lén lấy, rồi nằm thử cái gối kê đầu bằng trái dừa điếc của ba. Gối cứng ngắc nhưng nằm vẫn nghe sao thinh thích lạ.
Ðắm chìm dòng hồi tưởng miên man, tôi tự nhủ hết dịch sẽ về quê, tìm lại những kỷ niệm rất đỗi thân thương với hàng dừa sau nhà, và cuối cùng là thưởng thức món chè má nấu. Nhất định rồi!
Tuấn Ngọc