(CMO) Cà Mau có 23 Ðền thờ, Phủ thờ Bác Hồ nằm trải đều khắp địa bàn, trong đó có 3 đền thờ được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh gồm: Ðền thờ Bác Hồ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển; Ðền thờ Bác Hồ ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước và Phủ thờ Bác tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Có 8 đền thờ được xây dựng ngay trong năm 1969, khi người dân Cà Mau hay tin Bác qua đời. Ðiều này cho thấy tình cảm lớn lao, sâu đậm của người Cà Mau với Bác Hồ. Những Ðền thờ Bác Hồ ở Cà Mau đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là niềm tin tất thắng giặc thù, là khát vọng tương lai của quê hương, đất nước trong kỷ nguyên độc lập, hoà bình.
Mỗi Ðền thờ Bác Hồ ở Cà Mau đều ẩn chứa những câu chuyện cảm động, phi thường. Khi Bác Hồ mất, dù không có một chủ trương chung nào về việc tiến hành xây dựng các đền thờ, nhưng thật kỳ lạ, người người, nơi nơi ở Cà Mau đều chung lòng, chung sức thực hiện. Ðó là tình cảm thiêng liêng, là sự thôi thúc tự thân, để thấy rằng Cà Mau luôn có Bác Hồ trong mọi chặng đường cách mạng.
Riêng chuyện xây dựng Ðền thờ Bác Hồ tại Cái Nước, Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay (Ba Bay) dù sức khoẻ yếu vẫn hồi nhớ lại ký ức vẹn nguyên, tươi rói. Ngay sau khi hay tin Bác Hồ qua đời năm 1969, với lòng tiếc thương vô hạn, nguyện vọng của Nhân dân là lập Ðền thờ Bác Hồ để bày tỏ lòng tôn kính, ngày đêm tưởng nhớ, Ðảng uỷ xã Hưng Mỹ đã thống nhất chủ trương. Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay khi đó là Phó bí thư Xã uỷ, cũng là người trực tiếp tham gia vận động cây lá địa phương, xây cất nên ngôi đền tại khu vực ngã ba Ðầu Sấu trên phần đất của người dân hiến tặng.
Ðền thờ Bác Hồ ở Cái Nước được trùng tu, tôn tạo, trở thành địa chỉ đỏ thiêng liêng, nằm ở vị trí trên bến dưới thuyền, thuận lợi cho người dân đến viếng thăm. |
Sau khi về làm Bí thư xã Tân Hưng Ðông, tháng 3/1974, Ðại hội Ðảng bộ xã chỉ tiến hành phiên khai mạc và hạ quyết tâm với lời thề trước anh linh Bác Hồ: Chừng nào giải phóng Chi khu Cái Nước, đại hội mới bế mạc và làm lễ báo công với Bác. Khi đó sẽ xây dựng lại đền thờ Bác Hồ ngay trên nền đồn bót giặc đàng hoàng hơn, khang trang hơn. Theo lời kể của Nữ anh hùng Phạm Thị Bay, giải phóng Chi khu Cái Nước được trên chủ trương là tự lực, tự thân. Tình cảm với Bác Hồ, lời hứa với Bác Hồ chính là sự động viên to lớn, tạo nên sức mạnh phi thường để quân và dân Tân Hưng Ðông hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quê hương.
Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay nhận nhiệm vụ Trưởng Ban xây dựng đền thờ. Ðến tháng 3/1975, khi Cà Mau chưa giải phóng hoàn toàn, người dân Tân Hưng Ðông đã tổ chức lễ khánh thành trang trọng Ðền thờ Bác Hồ và tưởng nhớ những đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh. Ðền được xây dựng kiên cố, bằng sự đóng góp tài lực, vật lực và công sức của người dân địa phương. Ðền thờ Bác hiện lên uy nghiêm ngay trên xác trại giam cũ của giặc, trở thành biểu tượng của chiến thắng, trong niềm vui vỡ oà của tất cả mọi người. Thời khắc đó, ai cũng hiểu rằng, ngày hoà bình thống nhất, non sông nối liền một dải đã thật sự cận kề.
Cũng kể từ đó, đền thờ Bác Hồ trở thành địa chỉ đỏ cách mạng để người dân Cái Nước tự hào, lui tới viếng thăm. Sau này, đền thờ Bác Hồ thuộc khu vực trung tâm của thị trấn Cái Nước. Nơi xây dựng đền thờ được lựa chọn nằm gần ngã tư sông, có trục lộ giao thông thuỷ bộ thuận tiện để người dân đến dễ dàng. Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay cho biết, kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước, Cái Nước đều tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và báo công với Bác Hồ. Ngày sinh nhật và ngày giỗ của Bác Hồ, năm nào cũng được tổ chức trang trọng, ý nghĩa. Ðến năm 1996, Ðền thờ Bác Hồ tại thị trấn Cái Nước được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh.
Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Cái Nước Trang Hoàng Lâm cho biết: “Ðền thờ Bác đã được trùng tu, tôn tạo, xây dựng cảnh quan đẹp mắt, trở thành địa điểm thiêng liêng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hoá quan trọng này luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Trên thực tế, Ðền thờ Bác Hồ đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, là nơi để Nhân dân tưởng nhớ, khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc, Tổ quốc”.
Trong câu chuyện với Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay, lời tâm sự của bà khiến ai cũng thổn thức: “Hồi còn khoẻ, năm nào tôi cũng đến viếng Bác. Nhưng cả năm nay, bệnh nhiều, không đi được nữa”. Hỏi ra mới biết, trong những lần tới bệnh viện Cái Nước khám bệnh, bà vẫn kêu cháu mình tranh thủ đến viếng và thắp hương cho Bác. Nữ anh hùng hỏi thăm: “Ðền thờ Bác có ai túc trực để mở cửa cho khách đến viếng không? Cây cối, vườn kiểng ở đó có đẹp mắt hay không?”. Bà chỉ hoàn toàn yên tâm khi biết Ðền thờ Bác Hồ vẫn được chăm sóc, chỉnh trang tươm tất. Dù không nói ra, nhưng trong đôi mắt người nữ anh hùng, chúng tôi vẫn cảm nhận được khát khao cháy bỏng của bà là được về viếng thăm nơi chốn thiêng liêng đó lần nữa.
Như nhớ ra điều gì, Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay nói nhỏ: “Vậy là sắp tới ngày sinh nhật Bác Hồ”. Rồi đôi mắt của bà lại xa xăm... Những người con Cà Mau anh hùng như bà Ba Bay đã sống, cống hiến và tạo nên những huyền tích lẫy lừng cho xứ sở, quê hương. Trong nhà của bà luôn trang trọng bàn thờ Bác Hồ, hương khói đêm ngày, làm giỗ Bác hàng năm. Bà cùng với những thế hệ tiền bối đã đứng ra để xây dựng nên những Ðền thờ Bác Hồ trên khắp mảnh đất Cà Mau, trở thành tài sản quý báu, trường tồn cho quê hương, xứ sở./.
Phạm Quốc Rin