Ăn dặm là giai đoạn trẻ tập làm quen với các loại thực phẩm thô như rau, thịt, cá, trái cây... để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và giúp trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, ăn dặm không phải là thay thế hoàn toàn sữa mẹ trong thời gian 1 năm đầu.
Vì vậy, để không làm giảm sức đề kháng của trẻ, người mẹ nên chú ý kết hợp cả việc ăn dặm và cho con bú đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng cho con, bác sĩ Dương Thị Tú, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, cho biết.
Khi trẻ bước vào giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi, trẻ sẽ có những dấu hiệu cho biết đã sẵn sàng bước vào giai đoạn ăn dặm như: trẻ có thể ngồi thẳng để ăn, có phản xạ mở miệng ra khi thấy thức ăn đưa về miệng, thậm chí trẻ có thể tỏ ra tò mò và thích thú với thức ăn khi cha mẹ đang ăn bằng cách đưa tay ra đòi, với lấy thức ăn. Bên cạnh đó, trẻ có phản xạ thè lưỡi, dùng lưỡi đón lấy thức ăn từ miệng vào họng và nuốt khi được đút.Ăn dặm truyền thống kết hợp cùng ăn dặm bé chỉ huy (BLW) được nhiều bà mẹ lựa chọn.
Ăn dặm là một trong những cột mốc cực kỳ quan trọng trong sự phát triển toàn diện, hình thành thói quen ăn uống của trẻ nhỏ. Ngoài nguyên tắc cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít tới nhiều thì người mẹ cần chú ý cho bé ăn một loại thức ăn trong 3-5 ngày để có thể theo dõi và chọn lọc ra các loại thực phẩm trẻ thích ăn, điều này còn giúp phát hiện xem trẻ có bị dị ứng với thực phẩm hay không.
Song song đó, người mẹ cần đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm thức ăn để bé phát triển toàn diện, bao gồm nhóm bột đường (gạo, bột mì, bún, phở, bắp, khoai…), nhóm đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành và các loại đậu khác,...), nhóm chất béo (dầu ăn cho bé, bơ, phô mai và các loại hạt có dầu), nhóm vitamin và khoáng chất (rau củ và các loại trái cây tươi). Đặc biệt là không được nêm muối, nước mắm hay bột ngọt vào thức ăn trong giai đoạn này vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ do thận phải hoạt động quá sức.
Đối với các bà mẹ trẻ hiện nay, trước khi bắt tay vào chuẩn bị thực đơn ăn dặm cho con thì việc lựa chọn phương pháp ăn dặm đã trở thành đề tài bàn luận để chọn ra biện pháp phù hợp cho con mình.
Khi được hỏi về vấn đề này, chị Huỳnh Kim Lê, xã Đông Thới, huyện Cái Nước chia sẻ: Thường thì khi các mẹ hỏi về ăn dặm mình đều khuyến khích nên cho con ăn dặm truyền thống kết hợp cùng ăn dặm bé chỉ huy (BLW) để tận dụng ưu điểm của nhau. Ăn dặm truyền thống giúp con hạn chế tình trạng phân sống và tăng cân tốt. Tuy nhiên, lại hạn chế khả năng nhai thô của con và không cảm nhận được mùi vị do quá trình ăn cháo, con không được nhai mà chỉ nuốt chửng, không phát triển được các chồi vị giác để cảm nhận mùi vị và phân biệt các loại thức ăn. Và nhược điểm này lại là lợi thế của BLW, khi phương pháp này khuyến khích trẻ tập ăn thô ngay từ đầu. Giúp trẻ phát triển khả năng cầm nắm, nhai thô và kích thích trẻ thèm ăn hơn. Khi cho con ăn kết hợp, cần lưu ý bữa ăn kéo dài không quá 30 phút và nửa thời gian đầu dành cho bé ăn BLW, nửa thời gian sau là cho ăn dặm cháo truyền thống.
Từ 5 tháng rưỡi, trẻ bắt đầu hành trình tập ăn dặm. Tuy nhiên, hệ tiêu hoá của trẻ vẫn còn rất non nớt, đang giai đoạn làm quen và tập xử lý các loại thức ăn, thực phẩm khác với sữa mẹ. Có thể với người lớn, việc kết hợp các thực phẩm không gặp vấn đề gì, nhưng với trẻ có thể dễ dàng bị ngộ độc, tiêu chảy hoặc đầy bụng, khó tiêu. Vì vậy, khi chế biến thức ăn cho trẻ ăn dặm, người mẹ phải hết sức cẩn trọng, cần tìm hiểu kỹ những nhóm thực phẩm không nên kết hợp với nhau để tránh gây rối loạn tiêu hoá ở trẻ nhỏ.
“Để trẻ khoẻ mạnh, phát triển tốt, nhất là giai đoạn bước vào ăn dặm thì cần một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối về chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động”, Bác sĩ Tú khuyến cáo./.
Huyền Trân