Sau gần 8 năm thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Ðề án), nhiều chuyển biến từ cách thức tổ chức cho đến năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm... được nhìn nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế mà tỉnh cần tiếp tục khắc phục để tạo đột phá, tiến tới mục tiêu nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Kể từ khi Ðề án được triển khai (năm 2016), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt trên 4,7%/năm; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp không ngừng tăng theo, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.
Một kết quả nổi bật là, thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong một số ngành hàng chủ lực của tỉnh như tôm, cua, lúa, gỗ... Ðồng thời, có nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao, an toàn, bền vững và hiệu quả. Cụ thể, đối với con tôm, đã có 22.606 ha vùng tôm - rừng; 565 ha vùng tôm - lúa, đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ðặc biệt, nhiều vùng nuôi đã được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP, Seafood Watch... Hay như cây lúa, đã hình thành được 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, với sự tham gia của 10 công ty, 18 HTX, tổ hợp tác (THT). Ðối với mặt hàng gỗ, đã hình thành được 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, của HTX Vạn Lợi và Công ty Cổ phần Ðầu tư Thuý Sơn, với diện tích 128 ha...
Dù đã đạt kết quả đáng khích lệ, nhưng những con số trên vẫn còn khá khiêm tốn so với diện tích và tiềm năng phát triển của tỉnh. Ðánh giá về thực tế của nền nông nghiệp tỉnh hiện nay, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Dù đã hình thành được nhiều chuỗi sản xuất nhưng liên kết chủ yếu nhỏ lẻ, thiếu bền vững, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn; chưa xây dựng được khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ðây cũng là thực tế diễn ra nhiều năm qua và ở nhiều vùng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; có thể dễ dàng nhìn thấy khi về vùng quy hoạch đất lúa của xã Tân Thành, TP Cà Mau. Dù là vùng đất lúa nhưng nhiều năm qua bà con nơi đây đã tiến hành đào ao nuôi cá chình, cá bống tượng và kết hợp trồng màu, cây ăn trái, tạo nên vùng sản xuất "da beo". Thực tế này đã khiến một số vùng sản xuất lúa không hiệu quả do phương tiện cơ giới khó hoặc không vào được. Trong thời gian gần đây, khi giá cá chình, cá bống tượng tăng cao thì nhiều hộ dân đã cho cơ giới vào đào ao nuôi cá, tuy nhiên bị chính quyền địa phương can ngăn, xử phạt. Trồng lúa không hiệu quả, nuôi cá cũng không được, dẫn đến hệ luỵ nhiều thửa đất phải bỏ hoang.
Sản xuất lúa của người dân xã Tân Thành phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Ngoài ra, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa tạo được đột phá; một số sản phẩm nông sản chậm được nghiên cứu bảo quản, chế biến sâu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; hiệu quả sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; năng suất lao động ngành nông nghiệp chưa cao... cũng là những hạn chế được chỉ ra đối với ngành nông nghiệp của tỉnh.
Số lượng 211 HTX và 927 tổ hợp tác (THT) hiện đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp được xem là nhân tố quan trọng để thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh Cà Mau phát triển nhanh và bền vững.
Ðiển hình có thể kể đến như HTX Chế biến tôm khô Tân Phát Lợi (huyện Ngọc Hiển), sản xuất cho ra thị trường hơn 16 sản phẩm đạt chất lượng cao. Trong đó, 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 6 sản phẩm đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 2 sản phẩm đạt cấp khu vực, 2 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Sản lượng sản xuất đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước. Ngoài ra, đã tổ chức xây dựng được 14 đại lý trên toàn quốc, cung cấp thường xuyên cho 3 siêu thị (SaiGon, OCOP Organica, Siêu thị Bác Tôm) và nhiều cửa hàng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, số lượng HTX như HTX Chế biến tôm khô Tân Phát Lợi hiện nay không nhiều. Trong khi theo dự báo, những năm tới ngành nông nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng phải đối diện với không ít khó khăn đan xen. Nhất là trong bối cảnh khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn, nguy cơ làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra nông sản...
Nhận diện được những khó khăn ấy, ông Bằng cho biết, giải pháp thời gian tới là tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng các khu nông nghiệp chuyên canh tập trung, quy mô lớn, theo 3 vùng sinh thái.
Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa là tiềm năng đang được huyện Thới Bình triển khai nhân rộng, với nhiều quy trình sản xuất mới ứng dụng khoa học - kỹ thuật ngày càng cao. (Trong ảnh: Nhờ thả giống tôm càng xanh toàn đực mà vụ mùa năm 2022 gia đình anh Trương Hoàng Lịnh, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Ðông, mang về lợi nhuận hơn 30 triệu đồng).
Cụ thể, vùng Bắc Cà Mau tổ chức sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, thâm canh quy mô lớn ở vùng có đê bao khép kín giữ ngọt thuộc huyện Trần Văn Thời, đồng thời nghiên cứu chuyển đổi sản xuất, cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và lợi thế của từng khu vực. Còn đối với vùng Nam Cà Mau, tiếp tục mở rộng phát triển sản xuất tôm lúa và tôm quảng canh cải tiến, đồng thời đa dạng đối tượng nuôi thuỷ sản để tận dụng lợi thế của vùng kết hợp với du lịch sinh thái. Phát triển mạnh nuôi thuỷ sản thâm canh, siêu thâm canh gắn với đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Năm Căn, Ðầm Dơi, Ngọc Hiển. Riêng vùng ven biển, tập trung phát triển nuôi tôm và cua; mở rộng vùng nuôi ven biển, trên bãi bồi với các đối tượng có giá trị kinh tế cao, như hàu, nghêu, sò huyết... và nuôi cá lồng bè ven đảo.
“Ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp; củng cố, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản hàng nông sản giá trị gia tăng cao...”, ông Bằng cho biết một loạt giải pháp đột phá sẽ được triển khai trong thời gian tới./.
Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể đề ra là, đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp đạt 5%/năm; cơ cấu kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 28,7% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/ha; thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1.300 triệu USD.
Nguyễn Phú