ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 18-12-24 18:57:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển lần thứ III: Chắp cánh hồn đất, tình người

Báo Cà Mau Cuối năm 2016, Ban Tổ chức Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau xét tặng cho 14 tác giả ở 8 lĩnh vực. Ðây là lần thứ 3 Giải thưởng Phan Ngọc Hiển vinh danh những người hoạt động văn học, nghệ thuật có nhiều đóng góp cho Cà Mau.

Thơ là ngọn Hải đăng của tâm hồn lính biển

Gặp Ðại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 anh hùng, trong chuyến gia đình ông xuôi về Ðất Mũi, ông bộc bạch: “Mỗi lần về Cà Mau là thấy mình khoẻ ra”.

Là người lính qua nhiều chiến trường, ông nói: “Lúc nào rảnh thì đọc thơ, có những bài đọc đi đọc lại hoài vì hay quá, đúng với mình quá”. Rồi ông tập làm thơ, xem thơ như người bạn vượt qua những thử thách chông gai nhất của cuộc đời. Ông nói, làm thơ là trả nợ. Nợ mảnh đất Tân Ân - Rạch Gốc, nơi thầy giáo Hiển ươm mầm cách mạng. Nợ những người đồng đội, những người nông dân, những bà má miền biển bền gan cùng Ðoàn 962 xây dựng và bảo vệ bến cảng, kho tàng.

Ngọn Hải đăng Hòn Khoai vẫn đêm đêm ngời sáng dẫn đường trong lòng người đại tá, vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc là “mắt biển” của hồn thơ. Ông tâm sự: “Mình làm thơ tay ngang, bởi vậy khi hạ quyết tâm viết trường ca “Bến cảng giữa rừng” thì khó khăn lắm”. 14 năm để hoàn thành tác phẩm, có những năm ông không viết nổi một đoạn thơ.

Ông vẫn trăn trở: “Làm sao có thể diễn tả hết, kể hết những câu chuyện, những con người, những huyền thoại ở vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân”. Ông sinh ra và lớn lên ở An Giang, nhưng như lời Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài: “Có lẽ không nơi nào ông gắn bó sâu đậm bằng vùng đất Cà Mau”. Ông Bảy cười thật hiền: “Ở Cà Mau còn có hạnh phúc riêng tư của bản thân, đó là bác Bảy gái quê ở Trần Văn Thời”.

Trường ca “Bến cảng giữa rừng” là tấm lòng của Ðại tá Khưu Ngọc Bảy để trả ơn và trả nợ. Ông kết cấu với 4 chương, giọng thơ linh hoạt, thể loại thơ đan xen với giọng thơ lúc đằm thắm, khi cao trào. Thơ ông cũng như đời ông, lắm thăng trầm nhưng chân phương, gần gũi. Về Cà Mau, ông tìm thấy mình, tìm thấy hồn thơ, tìm thấy niềm tin yêu vào cuộc sống. Thơ là ngọn hải đăng trong tâm hồn Ðại tá Khưu Ngọc Bảy. Hải đăng là để dẫn đường, để người đi còn biết quay về.

Tay ngang nhưng vọng cổ “sang”

Tác giả Huỳnh Hồng là trường hợp đặc biệt của Cà Mau: Tay ngang viết vọng cổ nhưng viết hơn 150 bài, đoạt giải ở tác phẩm đầu tay và được coi là người viết vọng cổ “sang” trong giới. Ông cho biết: “Cả đời có ba nghề, một là trong xí nghiệp in, hai là làm minh ngữ (chuyển phát tin công khai thời chiến), sau là làm lĩnh vực nghiệp vụ văn hoá”.

Nghe qua chẳng liên quan gì đến sáng tác vọng cổ, nhưng với ông thì đó là những trải nghiệm cực kỳ quý giá: “In thì đọc báo, đọc tài liệu, minh ngữ cũng vậy, làm nghiệp vụ càng tiếp cận gần hơn với nghệ thuật”. Từ đó ông tích luỹ cho mình một “kho” ngôn từ phong phú, đây là nền tảng cho những tác phẩm vọng cổ xuất sắc của ông được đông đảo khán giả yêu mến.

Với “Viếng đài liệt sĩ Hòn Khoai”, tác phẩm đầu tay sáng tác năm 1990, ông có những ký ức sâu đậm: “Ngay dịp kỷ niệm 50 năm Khởi nghĩa Hòn Khoai, tôi viết bài này”. Tại lễ kỷ niệm, phần văn nghệ khai mạc thì “Ðệ nhị danh cầm” Trường Giang cầm giấy hát bài này, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Hoàng khi đó đờn, hát xong khán giả vỗ tay ầm ầm.

Ông kể: “Sau đó, chú Út Nghệ (Nhà thơ Nguyễn Hải Tùng) tốc mùng dẫn tôi đi giới thiệu khắp quan khách tỉnh bạn. Còn chú Hai Phối (Nguyễn Thanh Vân, Phó Bí thư Thị xã uỷ Cà Mau khi ấy) thì sửa một chữ: “còn bay” thành “tung bay” khiến tôi phục sát đất”. Cả bác Trọng Nguyễn cũng động viên: “Bây viết được, cố gắng lên”.

Tác phẩm đầu tay ấy cũng là tác phẩm đoạt giải của tác giả Huỳnh Hồng trong đợt xét chọn Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau lần III. Với ông, bài vọng cổ ngoài giai điệu, bài bản còn phải đặc biệt chú trọng đến ngôn từ. Ông nói, người sáng tác phải đi để tìm cảm hứng, phải lao động nghiêm túc để có tác phẩm hay, tôn trọng bản thân và tác phẩm của chính mình. Không qua trường lớp, chỉ từ đam mê, tự học, Huỳnh Hồng đã đóng góp nhiều công sức cho việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương ở Cà Mau.

Ông khẳng định: “Với tôi, quê hương, người mẹ, ký ức về chiến tranh là những đề tài không bao giờ cũ. Tôi sẽ viết đến khi nào còn có thể…”

Cái tên quen mà lạ

Ðạo diễn Nguyễn Tiến Dương là cái tên quen thuộc với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật Cà Mau. Tuy nhiên, ông được xét Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển với vai trò hơi lạ, tác giả chặp cải lương “Hoa phong ba trổ bông”. Con đường sáng tạo của ông cũng rất thú vị: ông viết kịch nói, công diễn, đoạt giải nhưng trong lòng băn khoăn “còn thiếu thiếu điều gì”. Vậy là ông chuyển thể kịch nói sang chặp cải lương.

Ông bộc bạch: “Tôi lớn lên ở miền Bắc, nhưng bây giờ cũng là người Cà Mau rồi, cái chất cải lương ngấm vô lúc nào không hay”. Kỳ công mày mò, học hỏi các bậc đàn anh, nắn nót từng chữ đờn, nhịp lối, ông viết cải lương.

Với 4 tác phẩm cải lương đầu tay là: Hoa phong ba trổ bông, Ba xui nhưng con hên, Hồn Quốc Tổ và Nỗi niềm sau cuộc chiến, tác giả Tiến Dương đã hình thành một phong cách rất riêng trong sáng tác: cải lương chính luận.

"Hoa phong ba trổ bông" là tác phẩm thể hiện sâu đậm tình quân - dân ở nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Tác giả Tiến Dương cho biết: “Ở nơi đầu sóng ngọn gió, để bám trụ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc không hề đơn giản”.

Người lính bảo vệ bình yên cho dân, giúp dân chống chọi với bão dông, mở lớp dạy học và “làm bà đỡ để sinh em bé lúc khẩn cấp”. Kịch tính của tác phẩm cũng ở đó, một đêm dông bão kinh hoàng, một phụ nữ trở dạ, những anh bộ đội giúp đỡ và kết quả “mẹ tròn con vuông”. Ở đó, người ta trân quý biết bao tình cảm quân - dân. Ở đó, từng tấc đất, từng con sóng biển quê hương trở nên bất diệt.

Giai điệu tình đất, tình người

Từ niềm đam mê thời niên thiếu, Lữ Anh Ngọc làm “chuyến dạo chơi” trong hành trình âm nhạc. Ông kể: “Hồi nhỏ đi đờn ca tối ngày, rồi sau giải phóng tham gia Ban Văn hoá Phường 3 (một phần Phường 2 bây giờ), làm Trưởng Ban Văn nghệ". Cả ban lúc đó chỉ mình ông có lương là 15 kg gạo. Khi ấy, chàng trai mới lớn được nghe những bản nhạc cách mạng nhịp điệu nhanh, mạnh, sôi nổi, tự hào và bị thuyết phục hoàn toàn.

Năm 1977, Lữ Anh Ngọc về công tác ở Ðài Phát thanh Minh Hải rồi sau đó về Phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Cà Mau. Sẵn năng khiếu, lại được tiếp cận với môi trường âm nhạc, hoạt động nghệ thuật, Lữ Anh Ngọc bắt đầu sáng tác từ rất sớm với tác phẩm "Minh Hải quê tôi", năm 1979. Tác phẩm đầu tay được công diễn, Lữ Anh Ngọc cứ “vừa xem vừa khóc”. Ông tâm sự: “Không phải vì tác phẩm xuất sắc đâu, mà tại mừng, vậy đó”.

Mãi đến năm 2002, Lữ Anh Ngọc mới được “học hành đàng hoàng” tại Trường Ðại học Sư phạm Âm nhạc TP Hồ Chí Minh. Năm 2010, ông được kết nạp hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tới giờ trong tay ông có hơn 40 tác phẩm.

Ông nói: “Quê hương mình tới đâu cũng gặp anh hùng, tới đâu cũng thấy cái đẹp. Tôi cứ đi, cứ viết để ngợi ca”. Một lần ở trại sáng tác tại Ðầm Dơi, ông rảo bước trong buổi chiều, khi ngẩng đầu lên là một tượng đài tuyệt đẹp trong ánh nắng vàng mật, bốn bề là những ngả sông lấp lánh. Tác phẩm “Hát về cành hoa núi sông” được ra đời như thế.

Ông kể: “Ý tưởng đã có, mình tiếp tục tìm hiểu về người Nữ kiện tướng chiến hào Dương Thị Cẩm Vân, từ đó giai điệu, ca từ cứ tuôn ra. Vừa viết, tôi vừa bồi hồi trong lòng, có cảm giác như thấy cảnh người nữ anh hùng xông trận”.

Từ đam mê, Lữ Anh Ngọc đã kiên trì học tập, lao động nghệ thuật nghiêm túc để có những tác phẩm dạt dào cảm xúc. Ông sáng tác chậm, chắc và đầy suy tư. Mỗi tác phẩm là một lời ngợi ca cuộc sống. Ðến với âm nhạc của Lữ Minh Ngọc là đến với giai điệu của Cà Mau, tình đất, tình người./.

Bài và ảnh: Phạm Nguyên

Tám Nhanh làm giàu

(CMO) Thực ra gọi ông là Tám Nhanh là theo thứ bên vợ, bà Tám Nhã (Trần Thị Nhã). Ông Tám Nhanh sinh năm 1963, là con duy nhất của Liệt sĩ Võ Văn Năm. Cha ông hy sinh khi bà Nguyễn Thị Dẽ đang mang thai ông.

Nét chấm phá từ bức tranh giảm nghèo

(CMO) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,76%, vượt kế hoạch đề ra, tương đương với 687 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân đang từng ngày khởi sắc, bức tranh kinh tế - xã hội huyện nhà có nhiều thay đổi. Năm nay, bà con huyện Ngọc Hiển đón cái Tết ấm no, sung túc hơn.

50 năm - vọng mãi bản anh hùng ca

(CMO) Tết này nữa là tròn 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau đã thấy hoà bình, thống nhất đang đến thật gần.

Năm mới thắng lợi mới

(CMO) Năm 2017, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nỗ lực lớn, là tiền đề quan trọng để Cà Mau thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của năm bản lề 2018.

Vững tâm bước vào năm mới

(CMO) Là tỉnh cách xa trung tâm chính trị, kinh tế của vùng và cả nước, điều kiện đi lại hết sức khó khăn; là "đứa con út chót" ở nơi cuối cùng Tổ quốc giữ gìn biên cương lãnh thổ nên Cà Mau được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

Cho ngày xuân bình yên

(CMO) Không khí xuân đã tràn ngập trên các nẻo đường, người người, nhà nhà nô nức xuống phố hoà vào lễ hội của mùa xuân. Hoà trong dòng người ngược xuôi, tấp nập là hình ảnh các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. họ luôn căng mình, túc trực 24/24, giữ bình yên cho ngày xuân.

Trao nông dân cơ hội làm giàu

(CMO) Năm 2017, huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Chó "độc nhãn"

(CMO) Quê tôi, mùng Ba Tết là ngày mặc định ai có con "gửi" thầy cúng đều mang nhang, đèn, gà thả vườn đến vái lạy, thay tom. Nhà tôi hơn mười năm trở lại đây cũng được cái vinh hạnh gần giống vậy. Người nhờ vả, người đồn đại theo hướng tôn vinh nhưng sau trước gì cũng vẹn tình, quà cáp hoặc phong thư... Có điều, họ không "thần tượng" tôi mà là con chó “độc nhãn”.

Trên dòng kinh Tám Khệnh

(CMO) Dòng kinh Tám Khệnh hôm nay trong tiết trời se se lạnh bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc ghe chở cá tươi nối đuôi nhau cập bến. Không cần đợi lệnh phân công của ông chủ, lần lượt nhóm thanh niên khuân vác cá lên bờ, còn nhân công làm thuê thì bắt tay vào công việc thường nhật: phân loại cá, làm cá, phơi cá. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười huyên náo cả một khúc sông.

Động lực giảm nghèo

(CMO) Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo là việc làm không mới đối với huyện Phú Tân và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Song, cái mới ở đây là sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo phấn đấu tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.