(CMO) LTS: Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục luôn là vấn đề hệ trọng, Người đúc kết: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và mong muốn tột bậc của Người “là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập... đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, giáo dục luôn là “quốc sách hàng đầu”, được coi là sự đầu tư thông thái, bền vững cho tương lai phát triển của đất nước. Giáo dục và tri thức không chỉ thay đổi vận mệnh của một số phận riêng lẻ, một địa phương, mà còn góp chung vào nội lực, vị thế của cả đất nước trong bối cảnh mới. Loạt bài “Giảm nghèo từ tri thức” sẽ là những lát cắt sinh động về vùng đất hiếu học Cà Mau, ở đó giáo dục và tri thức không chỉ là cách để thoát nghèo, mà còn là khâu đột phá chiến lược, với mục tiêu xây dựng Cà Mau trở thành địa phương phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.
Bài 1: Những cuộc đổi đời kỳ diệu
Cà Mau là vùng đất hiếu học, đó không phải là cảm nhận hay đánh giá chủ quan, mà đã trở thành truyền thống tự hào, được minh chứng bằng những câu chuyện sinh động, thuyết phục. Dù bom đạn chiến tranh hay ám ảnh nghèo khó, sự học vẫn là chân giá trị mà đất và người Cà Mau luôn trân trọng gìn giữ truyền đời.
Để rồi hôm nay, câu chuyện ấy vẫn được viết tiếp trên xứ sở này, như một lời cam kết thuỷ chung với những điều kỳ diệu.
Hồi sinh những phận đời
Ngôi nhà đặc biệt mang tên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau (Trung tâm) đang nuôi dưỡng hơn 50 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm học 2022-2023 có 24 em được đến trường học tập, trong đó có 9 em được tham gia học nghề.
“Mỗi cháu một số phận, hoàn cảnh khác nhau, nhưng nghị lực và khát khao học tập để đổi đời lớn lắm. Minh chứng là năm nào Trung tâm cũng có cháu vào cao đẳng, đại học, và nhiều cháu học nghề. Riêng năm học vừa qua, có 3 cháu đỗ vào Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, 1 cháu đỗ Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và tối 11/10 có 1 cháu được người của Trung tâm đưa đi nhận học bổng của Trường Ðại học RMIT TP Hồ Chí Minh”, ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Trung tâm tự hào chia sẻ. Ông Vũ còn cho biết, hiện Trung tâm có 3 nhân viên từng là trẻ lớn lên trong mái ấm này, sau khi học thành tài xin ở lại làm việc như một cách để tri ân và truyền lửa cho những mảnh đời bất hạnh.
Người đưa em học sinh đi nhận học bổng là 1 trong 3 nhân viên mà Giám đốc Trung tâm đề cập đến. Ðó là anh Phạm Hoàng My, hiện là nhân viên Phòng Nuôi dưỡng trẻ và giáo dục định hướng. Anh My tâm tình: “Tôi vào Trung tâm năm 1994. Hồi đó, ba tôi là thương binh, mẹ mất sớm, nhà có đến 4 anh em. Khó khăn chồng chất nên tôi được dì đưa vào đây để được nuôi dưỡng, chăm sóc, học hành. Học hết 12, tôi học đại học ngành Công tác xã hội rồi xin về Trung tâm làm tới giờ”. Anh quả quyết, đối với những đứa trẻ bất hạnh như anh và các em, cháu ở Trung tâm, chỉ có con đường học vấn mới có thể tự nuôi sống bản thân và hy vọng tương lai tươi sáng.
Mỗi ngày, anh Phạm Hoàng My phụ trách đưa đón, chăm lo việc học hành của các em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội và động viên các em phải nỗ lực học tập để tương lai tươi sáng hơn. |
Nghe anh My trải lòng, chị Nguyễn Kiều My (hiện là nhân viên của Trung tâm) gật gù thú nhận: “Tôi đã rất hối hận khi từng bỏ dở chuyện học hành”. Chị vào Trung tâm năm 2000 (lúc 8 tuổi), nhưng chưa học hết lớp 9, chị xin ra ngoài cộng đồng tự kiếm sống. Trong 2 năm ròng rã, khi không có điểm tựa, không có bằng cấp, con chữ gãy đôi, chị phải làm đủ nghề, biết bao nhọc nhằn. May nhờ tình yêu thương, bảo bọc của anh chị, cô chú tại Trung tâm, chị quay trở lại học, chăm chỉ lấy được tấm bằng THPT rồi xin làm nhân viên Trung tâm tới giờ, ngót đã 13 năm.
Còn đối với chị Nguyễn Kiều Oanh, nhân viên Phòng Nuôi dưỡng người già, sau tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công tác xã hội, chị trở về ngôi nhà thứ 2 của mình với mong muốn được đền đáp và cống hiến. Chị mong rằng các em hiện đang ở nơi này sẽ không bị mặc cảm, luôn có nghị lực và niềm tin vào cuộc sống để học tập và tự tìm kiếm tương lai cho riêng mình, như cách mà chị đã nỗ lực. Hiện chị Oanh đã có gia đình nhỏ hạnh phúc với 2 đứa con chăm ngoan, học giỏi.
Ông Trần Hoàng Vũ khẳng định: “Học tập là con đường duy nhất để các cháu đến với thành công, vì học có thể thay đổi cuộc đời, giúp các cháu tự tin, có công việc tốt, có thu nhập ổn định… Do đó, tuỳ vào năng khiếu, sở thích của mỗi em, Trung tâm sẽ định hướng nghề nghiệp phù hợp nhằm giúp các em trở thành người có ích cho xã hội, tự nuôi sống bản thân mình khi hoà nhập cộng đồng”.
Làng đại học Khmer
Cà Mau có hơn 30.000 đồng bào Khmer sinh sống. Ông Triệu Quang Lợi, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh, hồi nhớ: “Vào những năm 90 thế kỷ trước, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào Khmer ở ngưỡng hơn 50%, cái ăn, cái mặc đã khó, thế nên việc học tập của con em đồng bào là điều xa xỉ”. Cũng theo ông Lợi, nếu nói về giáo dục Cà Mau mà không nhắc đến những thành tựu giáo dục mà đồng bào Khmer đạt được là chưa đầy đủ.
Người Khmer xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, cũng từng chật vật trong cuộc mưu sinh, nhưng điểm khác biệt duy nhất đã tạo nên cú bứt phá của đồng bào chính là việc lấy giáo dục làm ưu tiên lớn nhất, trở thành bí quyết đổi đời.
Hiện nay, điều kiện học tập của con em vùng đồng bào dân tộc ngày càng được quan tâm chăm lo (Ảnh chụp tại Trường THCS Tân Lợi, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) |
Ông Nguyễn Việt Bắc, Phó chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Ðịa phương có 538 hộ đồng bào Khmer với hơn 2.000 khẩu, chiếm 1/10 dân số xã và 1/2 đồng bào Khmer huyện Thới Bình. Phải nói rằng, đời sống của đồng bào Khmer tại địa phương không ngừng phát triển, không chỉ thoát nghèo mà tỷ lệ khá giàu đã trên 50%. Một trong những yếu tố giúp diện mạo tươi mới của người Khmer xã Hồ Thị Kỷ chính là coi trọng việc học hành, đầu tư cho giáo dục”.
Ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị Kỷ, nơi có làng đại học Khmer đầu tiên và duy nhất của tỉnh Cà Mau hiện nay, cho thấy giá trị của giáo dục, của tri thức. Ông Nguyễn Trọng Yêm, Trưởng ấp Ðường Ðào, chia sẻ: “Bà con Khmer ở đây có cái hay là khó khăn cỡ nào cũng quyết chí nuôi con ăn học. Nhiều hộ bán đất, cầm cố đất, vay tiền nuôi con ăn học. Bà con chỉ nghĩ về một lẽ đơn giản là hy sinh đời mình để con sau này sung sướng, không đợi mình đủ điều kiện mới tính chuyện học tập cho con em. Chính thay đổi lớn lao này trong nhận thức của đồng bào đã giúp nhiều lớp con em ở ấp Ðường Ðào được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm, cống hiến sức mình cho xã hội”.
Theo nhẩm tính của ông Lê Văn Huyện, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hồ Thị Kỷ, thì: “Số bằng đại học, cao học của riêng con em Khmer ấp Ðường Ðào đã lên hàng trăm rồi. Con em Ðường Ðào trưởng thành giờ công tác ở khắp nơi, cùng quay trở lại vun đắp, tiếp sức cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, lan toả truyền thống hiếu học đầy tự hào của quê hương”.
Ông Hữu Sếp, ấp Ðường Ðào, cầm 3 tấm bằng đại học của 3 đứa con mà bồi hồi: “2 đứa học bác sĩ, 1 đứa làm giáo viên, coi như tôi thoả lòng rồi. Ðiều kiện nhà tôi cũng ở mức đủ ăn thôi, còn lo chuyện học tập cho hết thảy 3 đứa chật vật lắm”. Ông Hữu Sếp tâm đắc và biết ơn chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước đối với hành trình học tập của các con và nghiệm ra rằng: “Có chút ít đất đai, nếu con không học, chia cho tụi nó làm nông dân thì biết chừng nào mới khá. Bây giờ học hành có bằng cấp, có việc làm, phải nói là đời sống tụi nó đã vững vàng hơn rồi. Với tôi, không có gì quý giá bằng cho con mình chữ nghĩa, kiến thức, cái đó mới là của cải quý nhất”.
Gia đình ông Hữu Sếp, Ấp Đường Đào tự hào về những tấm bằng tốt nghiệp đại học của con. |
Ông Lý Thăng Trắng, người cao niên của đồng bào Khmer ấp Ðường Ðào, thì khẳng định chắc nịch: “Nhờ có phong trào học tập, từ làng đại học, bây giờ Ðường Ðào mới có thêm danh xưng làng triệu phú Khmer. Thử tính coi, nếu đổ lỗi do nghèo mà không cho con em đi học, sau này thì tụi nhỏ cũng nghèo, mãi ở trong cái vòng luẩn quẩn đó, biết bao giờ có tương lai. Tụi nhỏ tấn tới, bà con giờ chuyên tâm làm khá, làm giàu, có điều kiện tiếp tục chăm lo cho con em ăn học, đó mới là cách hay nhất để thoát nghèo, vươn lên khá giàu”. Nhà ông Trắng cũng có tầm 3 bằng đại học lộng kiếng, treo tường, tuổi già của ông thanh nhàn, vui thú điền viên và không quên nhắc lứa cháu nội, ngoại phải lấy đó làm chuyện quan trọng để noi theo.
Hồ Thị Kỷ đã về đích xã nông thôn mới vào năm 2020, trong đó, việc học tập trở thành truyền thống tự hào, góp sức người, sức của vào nội lực, sự phát triển vượt bậc của địa phương. Và còn ấn tượng hơn, Hồ Thị Kỷ đã trở thành hình mẫu để các vùng đồng bào Khmer khác trong tỉnh học tập, phấn đấu, để giáo dục và tri thức trở thành phương cách hữu hiệu khẳng định sự vươn của đồng bào Khmer Cà Mau./.
Hải Nguyên - Băng Thanh
BÀI 2: HỌC TẬP THÔNG THÁI