(CMO) Năm 2022 là năm thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau vượt mốc 1 tỷ USD. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức Festival Tôm tại Cà Mau, dự kiến thực hiện trong năm 2023. Đây được xem là cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm thuỷ sản của Cà Mau; các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... nhằm góp phần kết nối giao thương trong nước và xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản. Hiện ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp đối với ngành xuất khẩu thuỷ sản để chào mừng ngày hội lớn của con tôm Cà Mau sắp tới.
Khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhiều doanh nghiệp đã cố gắng vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi, mở rộng sản xuất - kinh doanh, tiếp tục khẳng định uy tín và chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động; đặc biệt là lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thuỷ sản, đưa tỉnh Cà Mau trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của cả nước. Nhờ tăng trưởng nhanh và ổn định về sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân đã làm tốt nghĩa vụ thuế, góp phần rất lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh.
Thành tích 3 năm liên tục xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh đã được khẳng định, đây sẽ là tiền đề tốt đẹp cho những năm tiếp sau. |
Trong năm 2022, ngành thuỷ sản Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn, có thể kể đến như: biến động thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh hay xung đột vũ trang trên thế giới, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường; chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh; biến động tỷ giá ngoại tệ... Từ khó khăn chung đó, con tôm Cà Mau cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Vượt khó, năm 2022 Cà Mau đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu thuỷ sản cả nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).
Năm qua, tổng sản lượng thuỷ sản của tỉnh hơn 622 ngàn tấn, đạt gần 99% so kế hoạch, tăng 2,16% so với cùng kỳ. Bước sang năm nay, tỉnh đặt mục tiêu tổng sản lượng thuỷ sản cao hơn, với mức 640 ngàn tấn, tăng 2,9%/năm (sản lượng tôm đạt 243 ngàn tấn, tăng 6,6%/năm).
“Ðể đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, sản phẩm hàng hoá”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở NN&PTNT, sẽ triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp người dân biết, cài đặt phần mềm nông nghiệp Cà Mau và tra cứu thông tin hữu ích; lập các nhóm Zalo hỗ trợ sản xuất, chỉ đạo điều hành trong hoạt động quản lý về giá thị trường các sản phẩm thuỷ sản nuôi; xây dựng các chương trình kinh tế thuỷ sản, khuyến cáo người dân các biện pháp kỹ thuật sản xuất trong điều kiện giá cả thị trường biến động lớn nhằm hạn chế rủi ro về thiệt hại trong sản xuất.
Ngoài ra, tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị (từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản, đến quy trình sản xuất, chế biến) nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện truy xuất nguồn gốc nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung phát triển các loại hình nuôi thâm canh năng suất cao các đối tượng nuôi chủ lực, thế mạnh của tỉnh. |
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị chuyên môn liên quan, các cấp chính quyền rà soát, thống kê lại toàn bộ diện tích tôm nuôi với các loại hình trên địa bàn tỉnh; xác định sản lượng từng sản phẩm cụ thể, từ đó sẽ hỗ trợ liên kết với các công ty, doanh nghiệp thu mua, các chuỗi siêu thị liên kết thu mua nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi cho người dân; rà soát thông tin về việc các thương lái thu mua ép giá người nuôi trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định; xây dựng, phát triển đa dạng sản phẩm sau thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm tôm nuôi nhằm tham gia xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.
“Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung phát triển các loại hình nuôi thâm canh năng suất cao các đối tượng nuôi chủ lực, thế mạnh của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển loại hình nuôi tôm theo hướng tăng năng suất, giá trị và liên kết chuỗi sản phẩm, nuôi tôm hữu cơ, sinh thái. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, liên kết chuỗi sản xuất; kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, đầu ra tham gia chuỗi liên kết trên nguyên tắc bình đẳng, minh bạch, hợp tác cùng phát triển. Xây dựng nhiều vùng nuôi được chứng nhận hữu cơ và các chứng nhận Quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trên thế giới”, ông Phan Hoàng Vũ chia sẻ.
Với sự kỳ quyết, kế hoạch cụ thể trong phát triển ngành tôm và hiệu ứng lan toả từ kỳ Festival Tôm sẽ được tổ chức, tin tưởng con tôm Cà Mau càng vươn tầm hơn nữa trên thị trường thế giới./.
Phú Hữu