(CMO) Tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng thị trấn Sông Ðốc trở thành đô thị động lực của tỉnh, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III là 1 trong 2 khâu đột phá chiến lược được Ðảng bộ huyện Trần Văn Thời xác định tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát huy tiềm năng sẵn có
Thị trấn Sông Ðốc từ lâu được xác định là 1 trong 3 cực phát triển kinh tế đô thị động lực của tỉnh Cà Mau; là trung tâm đa năng, tổng hợp phía Tây của vùng. Trong đó, thế mạnh về khai thác, đánh bắt thuỷ sản tiếp tục khẳng định vị trí mũi nhọn của địa phương; đặc biệt là việc duy trì đội tàu khai thác xa bờ, gắn với bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển đảo với hơn 1.400 phương tiện, sản lượng khai thác năm 2020 đạt trên 122.000 tấn. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển nhanh và bền vững với tổng giá trị sản xuất thu về trên 712 tỷ đồng. Toàn thị trấn có 2.142 công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Năm 2020, nguồn thu ngân sách của thị trấn Sông Ðốc ước đạt 18,3 tỷ đồng, đạt 206,5%.
Dọc tuyến lộ của khu tái định cư xen ghép Sông Ðốc thuộc Khóm 1 vẫn còn bộn bề của công trình đang xây dựng dở dang. Con lộ đã hoàn thành, một số hộ dân phải tháo dỡ nhà cửa để phục vụ thi công công trình xây dựng cống thoát nước. Dẫu vậy, bà con vẫn vui vẻ, tự nguyện thực hiện. Ông Phạm Văn Chấm (54 tuổi, Khóm 1) chia sẻ, nhà ông có 5 người đều sống và gắn bó với nghề biển hơn 20 năm qua. Trước đây, sau khi từ biển vào, chỉ việc neo ghe dưới sông trước nhà. Gần đây con sông cạn, cộng với việc có lộ bê-tông khang trang nên những hộ sống bằng nghề biển như gia đình ông đậu ghe tập trung ngoài bến và mặc dầu phải đi bộ về nhà xa hơn, nhưng ai cũng phấn khởi. Phấn khởi vì nơi đây đã được đầu tư con lộ khang trang, có điện thắp sáng, đời sống người dân ngày càng phát triển.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc Trần Quốc Lâm thông tin: “Ngoài tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, năm qua, việc đưa vào vận hành tuyến cao tốc biển đầu tiên của tỉnh Cà Mau, từ Sông Ðốc đi đảo Nam Du - Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã và đang góp phần bứt phá về du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Thách thức cần tháo gỡ
Trưởng Khóm 1 Phan Văn Bảy chia sẻ, việc đầu tư xây dựng thị trấn Sông Ðốc thành đô thị động lực luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền cơ sở và người dân, trong đó có vấn đề nâng cấp, mở rộng lộ. Hiện toàn khóm còn 3 tuyến giao thông với gần 2.000 m cần được mở rộng; theo đó, tuyến từ Cầu Dừa đến khu tái định cư xen ghép dài khoảng 600 m sẽ mở rộng 6 m và đã được người dân đồng thuận, thống nhất cao. Ðiển hình, việc mở rộng lộ giao thông sẽ khiến gia đình anh Phạm Minh Bạch phải đập bỏ bờ rào hàng trăm triệu đồng, nhưng sau khi nghe chủ trương, anh Bạch xác định sẽ tự nguyện tháo dỡ để chung tay cùng với Nhà nước nâng cấp đô thị khang trang hơn.
Thị trấn Sông Ðốc xúc tiến đầu tư phát triển tiềm năng, lợi thế sẵn có để hướng tới đô thị động lực. Ảnh: PHÚ HỮU |
Theo kế hoạch xây dựng vùng của tỉnh Cà Mau, thị trấn Sông Ðốc sẽ là đô thị trung tâm trong tam giác phát triển kinh tế gồm TP Cà Mau - Sông Ðốc - Năm Căn. Tính đến nay, thị trấn Sông Ðốc đạt được 19/26 tiêu chí trong 4 nội dung tiêu chuẩn theo Quyết định số 15/2014/QÐ-UBND, ngày 6/6/2014, của UBND tỉnh về ban hành quy định tiêu chuẩn xét, công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Hiện nay, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng vẫn đang là thách thức lớn để nâng thị trấn Sông Ðốc thành đô thị động lực của tỉnh. Theo Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc Trần Quốc Lâm, mong chờ lớn nhất hiện nay của người dân chính là việc đẩy nhanh dự án cầu bắc ngang sông Ông Ðốc, bởi khi có cầu thì hai bờ Nam - Bắc của thị trấn được kết nối, giao thương thuận lợi sẽ thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.
Khát khao về một đô thị động lực của cả Ðảng bộ và Nhân dân thị trấn Sông Ðốc đang dần trở thành hiện thực. Tuy nhiên, Sông Ðốc vẫn còn những bộn bề mà vượt khỏi khả năng của địa phương. Ông Lâm cho biết thêm, địa phương sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp, các ngành có liên quan sớm triển khai các dự án liên quan đến đời sống văn hoá như: xây dựng trung tâm văn hoá, bia ghi danh liệt sĩ, tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc, cũng như việc nâng cấp, sửa chữa nhà bia tưởng niệm các nạn nhân cơn bão Linda năm 1997. Khi các công trình này được thực hiện sẽ là những địa chỉ đỏ để thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Song song đó, khi dự án xây dựng đường từ giáp ranh xã Khánh Hải đến đầu lộ đê biển Tây hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho tuyến đường Tắc Thủ - Sông Ðốc. Ðồng thời, mở rộng lộ từ khu 11 ha đến kênh Quảng Thép để hình thành trung tâm hành chính mới, giãn dân và giảm bớt áp lực cho khu nội thị.
Ngoài những tiềm năng sẵn có, ngoài sự đồng lòng của chính quyền và Nhân dân thị trấn thì rất cần các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm. Có như thế, Sông Ðốc mới có thể phát huy tiềm năng, lợi thế của đô thị ven biển tỉnh Cà Mau./.
Thanh Phương