(CMO) Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 triển khai trong 2 năm học vừa qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhận về nhiều ý kiến đóng góp. Bộ GD&ÐT trên cơ sở tiếp thu, căn cứ điều kiện thực tiễn đã liên tục có những điều chỉnh theo hướng sát hợp hơn, tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy, học tập của các đơn vị trường học.
Tại các địa phương, trong đó có Cà Mau, nhiều cuộc khảo sát, đánh giá của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành chủ quản giáo dục để kịp thời nắm bắt những vướng mắc, từ đó đề ra giải pháp và hành động ngay để khắc phục cho việc triển khai chương trình mới.
Nhìn rõ khó khăn
Ngành giáo dục Cà Mau cho thấy quyết tâm lớn khi thực hiện việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, qua hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều địa phương đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, nói như ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ÐT: “Khó khăn hiện tại của ngành tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học; tình trạng thiếu giáo viên; việc lúng túng triển khai các nội dung mới, môn học mới theo yêu cầu”. Toàn ngành giáo dục, các đơn vị trường học phải quyết liệt hơn, quan tâm nhiều hơn nữa, tạo ra sự đổi mới mang tính tiền đề cho những năm tiếp theo.
CSVC, trang thiết bị dạy học hiện nay chưa đáp ứng kịp thời, đặc biệt là thiếu phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho học sinh; nguồn kinh phí đầu tư cho CSVC chỉ đáp ứng theo yêu cầu tối thiểu. Theo đó, thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018 chỉ mới được trang bị khối lớp 1, lớp 2, lớp 6 mỗi điểm trường 1 bộ; các khối lớp khác áp dụng chương trình mới chưa được đầu tư.
Ðội ngũ giáo viên dù đã được tập huấn, chuẩn bị về tâm thế, kỹ năng phục vụ cho chương trình mới, nhưng độ vênh khi bước vào trực tiếp giảng dạy các môn tích hợp tạo ra nhiều lúng túng. Từ đó, mỗi trường có cách vận dụng khác nhau, việc đánh giá khó khăn, thuận lợi cũng chưa rõ ràng. “Ðây là khó khăn khách quan, vì hiện các đơn vị đào tạo giáo viên chưa có sự chuẩn bị kịp thời theo hướng giảng dạy tích hợp, sớm nhất cũng phải một vài năm để có lực lượng giáo viên chuẩn chỉnh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy liên môn”, ông Luận chia sẻ.
Mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh Cà Mau đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhưng kèm theo đó, nhu cầu kinh phí để duy trì đạt chuẩn cho các đơn vị trường học là khá lớn, trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Phần lớn CSVC của các đơn vị trường học đã được đầu tư thời gian dài, việc xuống cấp là chuyện không thể tránh khỏi, và đơn vị trường học nào cũng kiến nghị việc hỗ trợ kinh phí, tạo áp lực khá lớn cho ngành giáo dục. Ðiều đó cũng kèm theo việc triển khai Chương trình GDPT 2018 càng khó khăn hơn.
Bài toán về chế độ đãi ngộ, nhất là ở bậc học đặc thù như mầm non còn chưa có nhiều chuyển biến. Dẫn đến hiện tượng khó tạo nguồn giáo viên, thậm chí giáo viên bỏ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Ðội ngũ nhân lực của giáo dục Cà Mau vốn đã thiếu, nếu không có giải pháp khắc phục thực trạng này, về lâu dài hệ luỵ sẽ rất khó lường. Vấn đề nâng cao chất lượng, mặt bằng cuộc sống của đội ngũ giáo viên phải tính đến như công việc bức thiết hiện nay.
Ðể thu hút nguồn nhân lực, cần rà soát các chính sách, cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Bình Minh, xã Hoà Tân, TP Cà Mau). |
Các khó khăn của ngành giáo dục đều tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục, kết quả thực hiện Chương trình GDPT mới, theo ông Luận: “Cần giải pháp tổng thể, toàn diện, không thể vá víu hay chỉ chú trọng cho khó khăn nào, để rồi khó khăn khác lại nổi cộm lên. Ðể làm được điều này, ngành giáo dục rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, sự ủng hộ, đồng thuận và song hành của toàn xã hội”.
Ưu tiên những vấn đề cấp thiết
Ðể giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ông Nguyễn Thanh Luận cho biết, Sở GD&ÐT phối hợp các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp về trường, lớp, đội ngũ giáo viên. Trước mắt, bố trí, sắp xếp từ nơi thừa sang nơi thiếu, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở những trường đủ điều kiện; về lâu dài, xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo nguồn giáo viên. Riêng đối với giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học ở các trường còn thiếu, các địa phương có giải pháp điều động giáo viên dạy tăng cường; thỉnh giảng giáo viên, hợp đồng lao động giáo viên theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế; đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên đối với các vị trí thiếu trong năm 2022.
Ông Phạm Việt Bắc, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện Trần Văn Thời, cho rằng, để chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, ngành giáo dục cần có tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc những năm tiếp theo, phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề về đội ngũ giáo viên, về CSVC, các điều kiện khác cho các năm học tiếp theo, tránh tình trạng chữa cháy, bởi đích đến cuối cùng của đổi mới chính là nâng cao chất lượng giáo dục.
Ðối với từng bậc học, ngành giáo dục Cà Mau có những định hướng, yêu cầu cụ thể. Giáo dục mầm non cần linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non; phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em. Cà Mau quyết tâm khắc phục tối đa tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tăng cường CSVC, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Coi đây là bậc học nền tảng để triển khai Chương trình GDPT mới ở các bậc học tiếp theo.
Các bậc học giáo dục phổ thông tập trung đổi mới sáng tạo, linh hoạt, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Hệ thống trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và CSVC, thiết bị dạy học; nhất là đảm bảo các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ðổi mới công tác quản trị, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó lấy người học và hiệu quả học tập làm trung tâm.
Để triển khai tốt chương trình GDPT 2018, cần nhanh chóng bảo đảm điều kiện tổ chức và thiết bị dạy học môn Tin học. (Giờ học Tin học Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) |
Việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đơn vị trường học sẽ được làm đúng quy định, trên tinh thần trách nhiệm cao nhất của ngành giáo dục, đảm bảo nguyên tắc “nơi nào cấp thiết sẽ ưu tiên trước”. Các đơn vị trường học ngoài tâm thế chủ động, còn cần phải nhất quán trong các hoạt động giáo dục theo định hướng chung của địa phương và toàn ngành giáo dục. Tránh kiểu làm tự phát, không thống nhất và tạo ra những vấn đề phát sinh, nhất là việc triển khai các yêu cầu trong Chương trình GDPT 2018.
Một vấn đề hệ trọng khác, đó là ngành giáo dục Cà Mau tiếp tục đề xuất về chế độ đãi ngộ, cải thiện đời sống cho đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện cho thầy cô giáo yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến vì sự nghiệp trồng người. Công tác rà soát, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ tiếp tục được làm thường xuyên, liên tục, qua đó kịp thời có điều chỉnh phù hợp. Ðặc biệt là giải toả những tâm tư, trăn trở của đội ngũ thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp.
Ðể đảm bảo về CSVC cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở năm học này, các đơn vị, trường học trực thuộc Sở GD&ÐT đang triển khai thực hiện dự án sửa chữa trường, lớp học năm 2022 với kinh phí trên 17 tỷ đồng. Ðối với các đơn vị, trường học trực thuộc huyện, TP Cà Mau hiện nay các đơn vị đang triển khai thực hiện sửa chữa trường, lớp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong năm học. Song song đó, Sở GD&ÐT đang thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học năm 2021 thuộc đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt. Triển khai thực hiện 11 gói thầu, kinh phí 297,113 tỷ đồng (trong đó có thiết bị lớp 2 và thiết bị lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018); đồng thời, tiến tới đầu tư phòng thí nghiệm thực hành theo hướng hiện đại, tiết kiệm, Sở GD&ÐT đã mua sắm thiết bị thực hành (thiết bị ảo) 30 bộ cho 32 trường trực thuộc (triển khai thí điểm); tiếp tục lập hồ sơ triển khai dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học năm 2022, kinh phí 254,750 tỷ đồng (trong đó có mua bổ sung thiết bị lớp 1, thiết bị lớp 3, lớp 7 và thiết bị lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018).
Quốc Rin - Băng Thanh