(CMO) Những năm vừa qua, với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, ngành chức năng, kinh tế tập thể có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng NTM. Tuy vậy, loại hình kinh tế này vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Nhiều thuận lợi để phát triển
Hiện, toàn tỉnh có 213 HTX, đa số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nhìn chung có sự phát triển đúng hướng, HTX đã hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình, đáp ứng được một phần nhu cầu hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh trong cộng đồng dân cư, nhất là khu vực nông thôn. Nếu năm 2013 doanh thu bình quân 1 HTX là 630 triệu đồng/năm thì năm 2019 con số này là 900 triệu đồng.
HTX nuôi tôm siêu thâm canh xã Hoà Tân, TP Cà Mau đang trong quá trình phát triển thuận lợi, tuy nhiên, các thành viên đang gặp khó về vấn đề vay vốn ưu đãi. |
Giám đốc HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng (huyện Cái Nước) Huỳnh Xuân Diện cho biết: “Những năm nay, nhiều chính sách thuận lợi của Nhà nước đưa ra đã giúp hoạt động của HTX phát triển ngày một tốt hơn. Hoạt động liên kết tìm đầu ra sản phẩm cũng ổn định, diện tích chúng tôi đang canh tác là 400 ha và có định hướng mở rộng thêm”.
Có nhiều HTX hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, riêng về lĩnh vực thuỷ sản hiện có 18 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết với tổng diện tích liên kết 19.000 ha, với trên 4.000 hộ dân.
Giám đốc HTX thuỷ sản Cái Bát (xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước) Nguyễn Hoàng Ân cho biết: “Hoạt động liên kết đã tạo đầu ra ổn định cho HTX, qua đó góp phần nâng cao được thu nhập cho mỗi thành viên”.
Vẫn còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, mặc dù đang có sự phát triển ổn định, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng NTM, nhưng loại hình kinh tế tập thể của tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu tổng thể, HTX chưa thoát khỏi hẳn tình trạng yếu kém kéo dài.
Năm 2019, có 38 HTX được thành lập mới thì cũng có thêm 16 HTX phải giải thể. Hiện toàn tỉnh đã có 100% HTX đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX 2012, tuy nhiên, chỉ mới có 2 HTX đã hoàn thành việc chuyển đổi hoạt động từ HTX sang loại hình doanh nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng về số lượng và chất lượng từ khi thi hành Luật HTX 2012, nhất là từ năm 2017 đến nay phát triển tích cực hơn, nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GRDP của tỉnh chỉ khoảng 2,5%. Điều đáng nói là thu nhập bình quân của thành viên và người lao động cũng ở mức xấp xỉ thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau Đỗ Văn Sơ cho biết: “Kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh phát triền còn chậm so với mục tiêu đề ra và so với nhiều địa phương trong cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh”.
Nguyên nhân của hạn chế trên có thể kể đến là cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ, chậm được cụ thể hoá thành chính sách riêng của tỉnh, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với thực tiễn... Chính sách về giao đất, cho thuê đất là một trong những vấn đề mà nhiều HTX kêu khó bên cạnh chính sách ưu đãi tín dụng.
Ông Huỳnh Xuân Diện cho biết: “HTX rất khó tiếp cận các gói tín dụng, vay vốn phát triển sản xuất. Thực tế có rất nhiều HTX chưa vay được cả về tín chấp và thế chấp”.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Cà Mau Trần Ngọc Diệp nhận định: “Các HTX khó tiếp cận vốn. Thường thì ngân hàng nếu cho vay chỉ cho vay với mức thấp so với tài sản thế chấp nên các HTX không có đủ nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, theo Luật HTXT thì tài sản của HTX (đất, trụ sở, máy móc...) là tài sản không chia nên ngân hàng thường không chấp nhận. Đây là những khó khăn thực tế hiện nay trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng của các HTX trên địa bàn tỉnh”.
Song song đó, ngoài việc thực hiện các chính sách như đào tạo nguồn lực, chính sách đất đai, chính sách tài chính tín dụng, hỗ trợ khoa học - công nghệ, chính sách tiếp thị thông tin thị trường vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc thì Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng chưa thực sự hiệu quả.
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đi vào hoạt động từ cuối năm 2009, đến nay vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh cấp là hơn 15 tỷ đồng; vốn từ thành viên đóng góp hơn 330 triệu đồng. Qua 6 năm (2013-2019), đã giải ngân 314 lượt dự án trên 49 tỷ đồng, bình quân 156,5 triệu đồng/dự án.
Ông Đỗ Văn Sơ cho biết: “Trong điều kiện HTX khó tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, việc vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giúp nhiều HTX tháo gỡ khó khăn về vốn, duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho hàng ngàn thành viên và người lao động trong HTX. Tuy nhiên, có trên 50% dự án quá hạn hợp đồng vay, đã xử lý 13 chủ dự án vi phạm điều lệ quỹ bằng biện pháp toà án với số nợ gốc 1,611 tỷ đồng, nhưng việc thi hành án gặp khó khăn và kết quả thu hồi rất ít”.
Trước những thực trạng trên, ngành chức năng cần sớm có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, góp phần giúp loại hình kinh tế này thực sự phát huy được hiệu quả như kỳ vọng./.
Đặng Duẩn