ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 16:56:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hành hương về Cà Mau

Báo Cà Mau Những ngày này, trong sâu thẳm tâm thức của người Việt Nam, tiếng vọng cội nguồn luôn thôi thúc: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” (ca dao). Theo hành trình “mang gươm mở cõi”, vùng đất mới Cà Mau với lớp lớp con người khai phá, dựng xây, khôn nguôi nỗi niềm: “Hằng năm ăn đâu, làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ” (đoạn trích Ðất Nước - Nguyễn Khoa Ðiềm).

Và ở địa đầu cực Nam Tổ quốc, những ký thác của tiền nhân, sự tiếp nối trao truyền của bao thế hệ đã kết tinh thành những địa chỉ văn hoá - tâm linh, tín ngưỡng thiêng liêng, để người về Cà Mau là thực hiện chuyến hành hương về với những giá trị văn hoá cao đẹp ngàn đời của dân tộc.

Trong 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau tự hào là một trong những nơi có Ðền thờ Vua Hùng lâu đời nhất, ghi dấu một cách xuyên suốt, đậm nét trong đời sống văn hoá tinh thần của cư dân. Những nghiên cứu đáng tin cậy từ nhiều nguồn cho thấy, Ðền thờ Vua Hùng ở vùng Giao Khẩu (nay là ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) đã hình thành trên 150 năm.

Dòng người thành kính tri ân Ðức Quốc Tổ, tại Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Khu Du lịch Mũi Cà Mau, ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch vừa qua.

Ông Phan Văn Do, hơn 80 tuổi, thành viên Ban Quản lý Ðền thờ Vua Hùng, cho biết: “Ban đầu, Ðền thờ Vua Hùng được tiền nhân xây cất bằng cây lá, đề tên là Miếu Ông Vua. Không ai biết là vua nào, nhưng theo lệ, cứ đến mùng 10 tháng 3 âm lịch là cúng bái. Tôi là đời thứ 2 trong dòng họ Phan kế tục việc chăm lo hương khói cho đền thờ. Nếu tính theo cách của người trước thuật lại thì ước chừng khoảng 200 năm chớ không ít. Về sau, khi Ðền thờ Vua Hùng và lễ Giỗ Tổ đã được chính danh, thì bà con càng thờ phụng chu đáo, trang trọng”.

Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, biến cố lịch sử, nhưng hương khói ở Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau chưa bao giờ gián đoạn. Kể cả đạn bom, chiến tranh tàn phá, cái chết cận kề, người Giao Khẩu vẫn tề tựu với tấm lòng thành, với hương khói, lễ vật để cung kính dâng lên các vị Vua Hùng đúng ngày ước hẹn. Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, tâm đắc: “Tiền nhân đã dựng xây, lớp lớp thế hệ tiếp nối giữ gìn, để Ðền thờ Vua Hùng ở Cà Mau bây giờ là tài sản tinh thần quý báu cho tất cả mọi người. Công lao và tấm lòng của bà con vùng Giao Khẩu là không gì đo đếm được”.

“Năm 2011, Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh. Ðến năm 2022, công trình trùng tu, nâng cấp đền thờ hoàn tất, đây là niềm vui rất lớn của địa phương. Những mùa Giỗ Tổ gần đây, Ðền thờ Vua Hùng ngày càng thu hút đông đảo dòng người cả trong và ngoài tỉnh về cúng bái, hành hương. Công tác chuẩn bị ngày Giỗ Tổ năm sau cũng bài bản hơn, chu đáo hơn năm trước, quy mô lớn hơn, không khí nhộn nhịp hơn”, ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, chia sẻ.

Dù chỉ được khánh thành khoảng 5 năm nay (năm 2019), thế nhưng Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và cụm Tượng Mẹ - biểu tượng của Quốc Mẫu Âu Cơ (tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) đã nhanh chóng trở thành không gian văn hoá tinh thần linh thiêng với người Cà Mau và cũng là chốn hành hương của du khách khắp mọi miền đất nước tìm về.

Trước bia đá khắc lời dạy của Bác Hồ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" bên cạnh Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. (Ảnh: Diễn viên Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau thao luyện trước giờ biểu diễn văn nghệ chào mừng Lễ Tri ân Quốc Tổ năm 2024).

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Ðền thờ Quốc Tổ nằm ở chóp đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, trở thành biểu tượng bất tử cho cội nguồn chung của dân tộc, cho ý chí gìn giữ vẹn toàn cơ đồ đất nước; nơi hội tụ, lan toả tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nòi giống Tiên Rồng. Từ năm 2021, Lễ Tri ân Quốc Tổ và Giỗ Tổ Hùng Vương ở Cà Mau trở thành những sự kiện văn hoá tiêu biểu nằm trong Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” hằng năm, tạo nên sức hút lớn đối với du khách, bạn bè khắp nơi khi về với Cà Mau”.

Từ năm 2021, đúng mùng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm, dòng người khắp nơi thành kính hành hương về tri ân công đức cao dày của Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ðúng với truyền thống hiếu đễ của người Việt Nam, Cà Mau tổ chức Lễ Tri ân Quốc Tổ trước, sau đó là đến giỗ các vị Vua Hùng. Những chân hương (nhang) từ Mũi Cà Mau (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) sẽ được cung thỉnh về Giao Khẩu (xã Tân Phú, huyện Thới Bình) để thực hiện nghi thức khai lễ.

Bà Trương Thị Vạn, ấp Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, xúc động: “Năm nào tôi cũng sắm sửa lễ vật, đến khấn bái Quốc Tổ cho quốc thái, dân an, cho mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Riêng năm nay, Lễ Tri ân Quốc Tổ được tổ chức lớn lắm, vui lắm. Tôi tự hào là người dân ở Mũi Cà Mau, tự hào vì quê hương mình có nơi để mọi người cùng nhau tưởng nhớ về cội nguồn chung của dân tộc”.

Bà Trương Thị Vạn, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển với lễ vật và tấm lòng thành kính dâng lên Đức Quốc Tổ.

Trong dòng người hành hương về Ðất Mũi để tri ân Quốc Tổ, bà Trần Mỹ Liên, đại diện cho 30 bà con huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp, bồi hồi chia sẻ: “Chúng tôi hành hương về đây, dâng lễ vật và cả tấm lòng thành kính để tưởng nhớ công đức trời biển của tiền nhân, nguyện cầu quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Có anh linh của Quốc Tổ, Quốc Mẫu, các vị Vua Hùng, với chúng tôi, Cà Mau đã trở thành miền đất thiêng để mỗi năm sẽ cùng hẹn nhau trở về chiêm bái”.

Tâm thức ngàn đời qua của người Việt Nam, ai cũng chung nguồn cội là cháu con của Quốc Tổ, Quốc Mẫu từ nghĩa đồng bào “trăm trứng nở trăm con”. Nhớ công đức tiền nhân từ thời “Vua Hùng dựng nước”, trong thời đại Hồ Chí Minh, theo lời dạy của Người: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Và hôm nay, là khát vọng chung sức dựng xây cơ đồ đất nước hùng cường, thịnh vượng. Một chuyến về Cà Mau, nơi “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, với rừng vàng, biển bạc, với lòng người thơm thảo, cũng là một chuyến hành hương trở về với những giá trị văn hoá trường tồn và thiêng liêng của dân tộc./.

 

Phạm Hải Nguyên

 

Miền nhớ thiêng liêng

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra trang trọng, ý nghĩa trên đất Cà Mau. Ngược miền ký ức, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam như được sống lại giai đoạn thiêng liêng của cuộc chuyển quân lịch sử. Họ gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào, bao câu chuyện về những ngày chiến đấu, lao động, học tập nối mạch ùa về...

Ðại tá từ du kích

Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.