ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 26-11-24 07:43:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hậu những vụ tôm ngàn tấn- ​Bài cuối: Để có những vụ tôm bền vững

Báo Cà Mau (CMO) Phải nếm mùi thất bại là điều đã được tiên đoán trước sự phát triển ồ ạt của tôm thâm canh và siêu thâm canh. Biết trước và đã nỗ lực, kể cả ngăn cấm, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cũng không thể chặn đứng được hết các hệ luỵ. Bởi lẽ, để có vụ tôm thành công và bền vững, ngoài sự trợ lực của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn thì chính bản thân người nuôi tôm mới là yếu tố quyết định.

Nhìn vào bảng thống kê diện tích tôm nuôi bị thiệt hại suốt thời gian qua, một điều có thể dễ dàng nhận thấy là đa phần diện tích này nằm ngoài vùng quy hoạch. Phát triển nhỏ lẻ, thiếu các điều kiện cần thiết như điện, thuỷ lợi, hạ tầng phục vụ nghề nuôi… nên không chỉ diện tích bị thiệt hại lớn mà cả mức độ thiệt hại cũng cao.

Tuyệt đối không theo phong trào

Còn nhớ giai đoạn cuối năm 2017 đầu 2018, đây là giai đoạn phát triển ồ ạt, nhỏ lẻ không theo quy hoạch lại thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác của loại hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Có thể nói, giai đoạn này phong trào nuôi tôm siêu thâm canh vô cùng rầm rộ, đến đâu cũng nghe bàn tính về nó. Nếu cuối năm 2016, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh chỉ hơn 100 ha thì đến hết năm 2017, diện tích thả nuôi loại hình này tăng lên gần 1 ngàn héc-ta và hơn 2.050 ha vào cuối năm 2018, hiện tại khoảng 2.499 ha.

Trước sự phát triển đột biến về diện tích, UBND tỉnh cũng như các ngành chuyên môn liên tục tổ chức các hội thảo, hội nghị và thành lập các đoàn kiểm tra nhằm tìm giải pháp giúp người nông dân giảm thiệt hại đáng tiếc cũng như để nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Qua các đợt kiểm tra, trong giai đoạn này một vấn đề đáng lo ngại nổi lên là hàng loạt hộ nuôi không đảm bảo các điều kiện hay một số tiêu chí theo quy định còn hạn chế. Con số này có thời điểm đến hơn 60% tổng số hộ được kiểm tra.

Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ chốt là điều kiện diện tích, điều kiện kinh tế và cả trình độ kỹ thuật, tức đi theo phòng trào. Dù hiện nay diện tích này không còn tăng như trước, nhưng Phó chủ tịch UBND xã Tân Duyệt Kiều Minh Tấn cho rằng, trước tiên người dân cần cân nhắc thật kỹ lưỡng xem mình đã có gì và còn đang thiếu gì trước khi quyết định loại hình nuôi. Đặc biệt, đối với nuôi siêu thâm canh càng phải suy tính kỹ hơn, bởi đây là loại hình không phải ai cũng nuôi được nên tuyệt đối không được chạy theo phòng trào, nếu không thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Nuôi tôm kích cỡ lớn để đạt chuẩn bán tôm thương phẩm sống là giải pháp nâng cao giá trị con tôm.

Ông Tấn còn chia sẻ thêm kinh nghiệm, trong trường hợp giá tôm đang giảm như hiện nay, để không bị thua lỗ, người nuôi cần thủ tiền khi tôm ăn được thức ăn số 3 (150 con/kg) nên tranh thủ mua thức ăn bằng tiền mặt. Bởi bắt đầu từ giai đoạn này đến lúc thu hoạch, lượng thức ăn tiêu tốn rất lớn, nếu mua thiếu phải gánh thêm khoản chi phí vô cùng lớn. Ngoài ra, không nên nuôi quá nhiều vụ trong năm mà chỉ tập trung một vụ chính, thời gian còn lại để cải tạo ao đầm cắt mầm bệnh.

Dù là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước, nhưng đến nay Cà Mau vẫn chưa có được nhà máy sản xuất thức ăn. Việc lấy thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản thông qua các đại lý là một gánh nặng không nhỏ cho nghề nuôi. Với sản lượng tôm nuôi bình quân của tỉnh khoảng 150 ngàn tấn/năm, tính ra 1 năm người nuôi tôm phải tiêu tốn tiền mua thức ăn hơn 5 ngàn tỷ đồng. Còn thiếu các điều kiện cần thiết nên việc liên kết trong sản xuất chuỗi thời gian qua còn nhiều hạn chế. Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đầm Dơi Trần Văn Đáng cho biết, liên kết “4 nhà” vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, các mối liên kết dọc và ngang hình thành, phát triển khó khăn. Cụ thể như "nhà băng thì không mặn mà, nhà doanh nghiệp (đầu vào, đầu ra) cũng không được thắt chặt", rất dễ bị đứt.

Liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết được xem là giải pháp, hướng đi để nghề nuôi tôm của tỉnh phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cho người dân, phòng chống dịch bệnh… Tuy nhiên, dù rất nỗ lực, song việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình liên kết chuỗi vẫn còn nhỏ lẻ ở một số nơi, chưa được nhân rộng và phát triển theo chiều sâu. Tính đến nay, toàn tỉnh chỉ có 61 lượt hợp đồng liên kết đầu vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 18 HTX và 20 THT, gồm 700 hộ với tổng diện tích 1.500 ha. Còn lại đa phần diện tích tôm thâm canh, siêu thâm canh nằm ở nông hộ, quy mô sản xuất nhỏ, hộ gia đình. Từ đó, việc tiếp cận nguồn vốn, vật tư đầu vào, đầu ra, điều kiện hạ tầng phục vụ nghề nuôi, khoa học kỹ thuật… rất hạn chế.

Tiến tới công nghệ tiên tiến, hạ tầng hiện đại

Những hạn chế này nhiều lần được UBND tỉnh, các nhà khoa học chỉ ra tại các hội thảo và hội nghị chuyên đề trước đó. Tiêu biểu như, tại hội nghị chuyên đề về phát triển nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để người dân phát triển mô hình tôm siêu thâm canh nếu không đảm bảo các điều kiện cần thiết, nhất là bảo vệ môi trường, quy trình kỹ thuật, vốn để giảm thiệt hại cho chính bà con và để nghề nuôi phát triển bền vững”.

Không chỉ đầu tư phát triển nghề nuôi mà cần chú trọng đến khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, Sở NN&PTNT tiến hành xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng nhận định, dù còn hạn chế nhưng nhìn chung hiện nay nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang trên đà phát triển, kể cả về loại hình nuôi và việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tỉnh xác định con tôm thâm canh, siêu thâm canh sẽ tạo ra bước đột phát mới nên thời gian tới tiếp tục tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến, hạ tầng hiện đại phục vụ nghề nuôi.

Tại các hội thảo trước đó, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đến từ các viện, trường đại học cũng đã chỉ ra: Để phát huy hết thế mạnh trong nuôi thuỷ sản, tỉnh cần đẩy mạnh và nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật không chỉ trong quá trình nuôi mà cả khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản. Đặc biệt, phải hình thành chuỗi giá trị con tôm một cách thực chất, có chiều sâu.

Nhắc đến việc xây dựng chuỗi liến kết cũng như thu hút doanh nghiệp đẩy nhạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và con tôm thâm canh, siêu thâm canh nói riêng, ông Bằng cho biết: "Từ những cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cả việc lồng ghép các chương trình dự án để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi tôm và chế biến xuất khẩu ngành hàng tôm. Đồng thời, có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật".

Một trong những chính sách được tỉnh triển khai đang mang lại hiệu quả là tiến hành giao đất, mặt nước cho các doanh nghiệp sử dụng vào mục đích nuôi tôm, sản xuất con giống phục vụ nghề nuôi của người dân được ổn định, lâu dài. Theo đó, trong đề án trình Chính phủ, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh thí điểm mô hình hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ diện tích đất quy mô lớn để đầu tư phát triển con tôm thâm canh, siêu thâm canh theo hướng công nghệ cao và bền vững.

Trong kế hoạch phát triển của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, sẽ ưu tiên phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến. Theo đó, mục tiêu đặt ra là diện tích nuôi tôm siêu thâm canh sẽ tăng lên 8 ngàn héc-ta ha vào năm 2025 và 10 ngàn héc-ta vào năm 2030. Ngoài ra, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến sẽ tăng lên 182 ngàn héc-ta vào năm 2025 và 188 ngàn héc-ta vào năm 2030. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 1,9 tỷ USD và năm 2030 đạt khoảng 2,2 tỷ USD.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngoài nỗ lực của tỉnh trong đầu tư hạ tầng phục vụ nghề nuôi; Đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý; Thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nghề nuôi… thì còn một yếu tố chính và vô cùng quan trọng là chính người dân. Để có những vụ nuôi không còn rủi ro, chính người dân phải chủ động về mọi mặt, từ tìm hiểu, học hỏi khoa học kỹ thuật đến vốn, liên kết để đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định thông qua việc tham gia HTX, THT..../.

Nguyễn Phú

Lấy ngắn nuôi dài, cải thiện thu nhập

Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có 11/20 ấp thuộc lâm phần rừng tràm. Ðể nâng cao hiệu quả trong chăm sóc, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, người dân áp dụng nuôi trồng một số vật nuôi, cây trồng ngắn ngày, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

"Bám trụ" với nghề hầm than

Hợp tác xã Chế biến than 2/9 tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn hoạt động đã trên 20 năm. Ða phần không đất canh tác, nhiều người bôn ba từ xứ khác về đây lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng vì mưu sinh, những người lao động nơi đây vẫn bám trụ, hiện có 19 hộ duy trì làm nghề, mỗi hộ có từ 2-3 lò. Có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nên không còn đất cất nhà để tiếp tục theo nghề...

Phụ nữ đồng hành phát triển kinh tế tập thể

Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi đã đồng hành cùng hội viên phụ nữ cơ sở, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong cuộc sống. Trong đó, mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã hình thành và không ngừng mở rộng, phát triển thời gian qua, góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo cơ hội để chị em mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình.

Nhiều tiềm năng, cơ hội khởi nghiệp

Cuộc thi kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Cà Mau đã tạo bầu không khí sôi động và đầy nhiệt huyết của các nhà sáng lập trẻ. Sự kiện không chỉ là nơi để kết nối các nhà đầu tư với những dự án tiềm năng, mà còn mở ra cơ hội để các dự án được phát triển, mở rộng quy mô và sẵn sàng vươn ra thị trường.

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Huyện U Minh có bờ biển dài 31 km, đi qua địa bàn xã Khánh Hội và Khánh Tiến, với ngư trường rộng lớn trên 20.000 km2, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Từ những lợi thế đó, thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với ngành nghề khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Chậm cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp

Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023, diện tích rừng hiện có 92.760 ha (trong đó, rừng đặc dụng 18.711 ha, rừng phòng hộ 20.582 ha, rừng sản xuất 53.467 ha), với độ che phủ rừng đạt 17,59%. Riêng tại 2 công ty lâm nghiệp (U Minh Hạ và Ngọc Hiển), tổng diện tích quản lý trên 44.269 ha, với diện tích có rừng trên 27.314 ha (chiếm 61,7%), diện tích đất chưa có rừng hơn 16.164 ha.

Khoa học - công nghệ nền tảng cho sản xuất và đời sống

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng trong sản xuất, chế biến và cả tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, KH&CN không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là nền tảng để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản phẩm nông, thuỷ sản Cà Mau được nhiều đối tác lớn quan tâm

Ngày 18/11, bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC), cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024 (tổ chức vào ngày 15/11 vừa qua), có 209 lượt giao thương trực tiếp giữa 42 doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thuỷ sản, chủ thể OCOP trong tỉnh với 5 DN bán lẻ hàng đầu trong nước là Central Retail, Sài Gòn Coop, Kingfood Mart, Bách Hoá Xanh và Siêu thị Satra.

Phương kế giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế bền vững, từ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh

Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm nay vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề: “Kinh tế xanh - Động lực mới cho sự phát triển”. Mục tiêu của diễn đàn hướng tới thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh cho vùng ĐBSCL trong tương lai.