Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được xem là phương thức sản xuất đột phá đối với người trồng lúa. Bởi với cung cách canh tác này, đồng ruộng được cơ giới hoá, nông dân được tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới, từng công đoạn sản xuất được thực hiện đồng loạt, nhờ đó giúp giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng lên.
Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được xem là phương thức sản xuất đột phá đối với người trồng lúa. Bởi với cung cách canh tác này, đồng ruộng được cơ giới hoá, nông dân được tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới, từng công đoạn sản xuất được thực hiện đồng loạt, nhờ đó giúp giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng lên.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Mô hình CĐML bước đầu đạt được mục tiêu đề ra là năng suất lúa tăng bình quân 0,76 tấn/ha (có những cánh đồng tăng năng suất từ 1-1,5 tấn/ha); lợi nhuận tăng thêm 4,1 triệu đồng/ha. Về tổ chức sản xuất, CĐML đã tạo được sự liên kết giữa nông dân với nông dân, mang tính hợp tác chia sẻ lẫn nhau trong quá trình sản xuất như: thống nhất quy trình sản xuất đồng loạt từ khâu chọn giống, làm đất, bơm tháo nước, gieo sạ... Nông dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, nâng cao kỹ thuật sản xuất. Nhờ đó mà giảm chi phí, lợi nhuận ngày càng cao.
Qua 3 năm, sản xuất trên toàn CĐML tăng lợi nhuận hơn 27,8 tỷ đồng. Chính hiệu quả đó tác động rất lớn đến nhiều hộ nông dân trong vùng và khẳng định CĐML là phương thức liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Cơ giới hoá và áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết trong sản xuất là những yếu tố quyết định để năng suất lúa tăng cao. |
Nếu như năm 2012 toàn tỉnh có 531 ha trong CĐML với 440 hộ tham gia, thì đến nay phát triển lên 8.567 ha với 7.390 hộ tham gia.
Anh Đinh Văn Phúc, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tham gia CĐML từ 3 năm qua, chia sẻ: “Mô hình này giúp nông dân cách thức sản xuất hiệu quả nhất, ít chi phí nhất. Cái mà nông dân còn lo là đầu ra của sản phẩm. Nếu được giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm thì nông dân rất yên tâm sản xuất”.
Nấc thang cho cánh đồng lớn
Trước hiệu quả mà CĐML mang lại, Cà Mau đang tiến hành phương thức sản xuất cánh đồng lớn (CĐL) để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất. Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho biết: “Trong năm 2015, ngoài tiếp tục duy trì và phát triển CĐML, trung tâm kết hợp với doanh nghiệp thí điểm CĐL. Đây sẽ là mô hình mẫu để nông dân trong tỉnh hướng đến”.
Yếu tố được xem là đoàn bẩy cho người trồng lúa tham gia CĐL là được doanh nghiệp chủ động cung cấp vật tư giá gốc như: lúa giống, phân, thuốc (trước đây nông dân tự chọn giống dẫn đến chất lượng chưa đồng đều), đến khâu cắt, sản phẩm làm ra đều được doanh nghiệp bao tiêu hoàn toàn.
Về phía doanh nghiệp, khi tham gia CĐL sẽ chủ động hơn về chất lượng lúa cho xuất khẩu; được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước như: được hỗ trợ 30% vật tư đầu vào; được hưởng chính sách từ Quyết định 68 của Chính phủ: khi mua máy móc được hỗ trợ 100% vốn vay, miễn lãi suất trong 2 năm đầu… Như vậy, người dân và doanh nghiệp tham gia vào CĐL đều được lợi.
Ông Phạm Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH Minh Khánh, cho biết: “Công ty đang kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hiện dự án CĐL 100 ha tại xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời) và 100 ha tại xã Trí Phải (huyện Thới Bình) vào năm 2015. Công ty sẽ chủ động việc cơ giới hoá hoàn toàn trong các khâu sản xuất, đồng thời giá thu mua lúa tại CĐL này cao hơn thị trường cùng thời điểm”.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức nhận định: “Khi CĐL được triển khai vào năm 2015 thì doanh nghiệp sẽ kết hợp với nhà khoa học để chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật đồng bộ hơn, đúng quy trình hơn, lúa sẽ phát triển đồng đều hơn, chất lượng tốt hơn. Khi đó chi phí tiếp tục giảm, năng suất từ bằng đến cao hơn và chắc chắn giá bán sẽ tăng lên so với các phương thức sản xuất khác”. Đó cũng là bước đệm để hướng sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau theo xu thế ngày càng hiện đại và bền vững hơn./.
Bài và ảnh: Diệu Lữ