Ðó là lời khuyên của các chuyên gia tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 (Chương trình) vừa được tổ chức tại Trường THPT Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời). Chương trình thu hút đông đảo học sinh cả 3 khối lớp: 10, 11 và 12 của 5 trường THPT trên địa bàn huyện.
“Khi chọn ngành, nghề, các em phải thích, phải đam mê và phải phù hợp với khả năng, kinh tế và là ngành, nghề mà xã hội đang cần. Phụ huynh là chuyên gia tư vấn tốt nhất nhưng không phải là người thay các em lựa chọn. Vì thế, hãy hiểu đúng mình, chọn đúng ngành, nghề mà các em mong muốn học để không mắc sai lầm trong định hướng tương lai của chính mình”, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm gần 20 năm làm chuyên gia tư vấn tuyển sinh, TS Phạm Tấn Hạ thấu hiểu những băn khoăn, lo lắng và những thắc mắc của học sinh và phụ huynh trước ngưỡng cửa vào đời. Theo ông, thế hệ gen Z hiện nay được tiếp cận quá nhiều thông tin từ Internet, mạng xã hội... dẫn đến loạn thông tin, nhiều em chưa hiểu đúng. Chưa kể, các em cũng bị tác động bởi chính gia đình, bạn bè, dẫn đến hệ luỵ là học năm nhất, năm hai lại muốn chuyển ngành, thậm chí bỏ học.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ tận tình giải đáp mọi thắc mắc của học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Trần Văn Thời về các ngành học sẽ đăng ký nguyện vọng.
“Nhiều em đã có định hướng rất rõ ràng, biết mình nên lựa chọn thế nào là phù hợp năng lực, điều kiện gia đình, các em cũng đã có sự chuẩn bị tốt cho ngành học lựa chọn, nhưng các em vẫn chưa tự tin lắm. Khi có cơ hội tham gia những chương trình tư vấn thế này, các em cần mạnh dạn hơn, thẳng thắn nói ra mong muốn của mình, vì đây chính là cơ hội để các em được giải đáp mọi thắc mắc, băn khoăn từ chính những thầy cô, chuyên gia có kinh nghiệm. Hãy tận dụng cơ hội để được kết nối với các thầy cô, kể cả ê kíp của các chương trình tư vấn mà các em quan tâm để có thể liên hệ, hỗ trợ khi cần”, TS Phạm Tấn Hạ đưa ra lời khuyên.
Sau khi lắng nghe, trao đổi cùng các em học sinh bên lề chương trình, GS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Ðại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng, điều đáng quan tâm đối với các em là làm sao gạn lọc được những thông tin trên mạng, tiếp cận kênh truyền thông chính thống, từ đó có cơ sở khoa học để các em lựa chọn; và cần loại bỏ những thông tin thiếu cơ sở, thậm chí có những tư tưởng không phù hợp, không đúng dẫn đến các em chọn ngành, chọn nghề sai, hoặc từ bỏ ước mơ của mình.
Tại Chương trình còn có các gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, thu hút học sinh về các nhóm ngành quan tâm.
“Ðiều quan trọng hơn hết là chọn ngành, nghề phải nằm trong khả năng kinh tế, phải nằm trong kế hoạch sinh sống, làm việc của gia đình thì nó mới trở thành quyết định tối ưu. Cho nên, cha mẹ không nên áp đặt ý muốn lên con cái, không chọn thay con, nhưng cha mẹ là một chuyên gia tư vấn chọn ngành, chọn nghề hàng đầu mà các em phải tham khảo. Tôi cho rằng, các em có sự quan tâm tư vấn từ cha mẹ, được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính thống từ nhà trường, từ thầy cô và từ các cơ quan báo chí uy tín thì sẽ có quyết định đúng, giúp các em gạn đục khơi trong, không ngã theo những bản tin thiếu cơ sở được lan truyền trên kênh TikTok như hiện nay”, GS-TS Quốc Bảo chia sẻ thêm.
GS - TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo tư vấn cho các em học sinh muốn chọn học các khối ngành kinh tế, giúp các em “quẳng gánh” âu lo, chọn ngành phù hợp.
TS Phạm Tấn Hạ lưu ý thí sinh trong đăng ký xét tuyển đại học năm 2024, để tăng thêm cơ hội trúng tuyển, tránh rớt oan: “Việc đăng ký xét tuyển đại học năm nay tiếp tục được thực hiện trực tuyến trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các em đăng ký bằng tài khoản, mật khẩu đã được cấp khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT; tuyệt đối không giao tài khoản này cho bất kỳ ai”.
Ðặc biệt, các chuyên gia còn lưu ý, các em cần tìm hiểu kỹ về định hướng đào tạo của trường, theo hướng nền tảng hay ứng dụng và có phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai của mình hay không. Ðối với những ngành học mới do các trường đại học mở thêm, các ngành này đón đầu nhu cầu nhân lực xã hội sẽ mở ra cơ hội việc làm lớn, nhưng các em cần cân nhắc để biết được có phù hợp với năng lực học tập của bản thân hay không...
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ÐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở GD&ÐT Cà Mau cùng các trường đại học tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết: “Với phương châm không để tân sinh viên phải bỏ học vì khó khăn, hằng năm, Báo Tuổi Trẻ trao khoảng 1 ngàn suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên khó khăn khắp cả nước, với mỗi suất 15 triệu đồng. Học bổng do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp để tiếp sức cho giấc mơ giảng đường của các bạn trẻ. Do đó, bạn nào đậu đại học, cao đẳng cần hỗ trợ, hãy gọi cho Báo Tuổi Trẻ. Thầy cô giáo có học trò khó khăn đậu đại học, hãy giới thiệu để Báo Tuổi Trẻ hỗ trợ các bạn".
Băng Thanh - Hữu Nghĩa