(CMO) Ðầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng và nhân rộng mô hình, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm… là những chương trình, kế hoạch đã và đang tiếp tục được tỉnh Cà Mau triển khai vào thực tế, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Xác định việc nâng cao thu nhập của người dân là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh đã và đang tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án để phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới giảm nghèo nhanh và bền vững. Phát triển kết cấu hạ tầng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh; xây dựng giao thông gắn với phát triển thuỷ lợi và du lịch là một trong những chương trình, dự án tiêu biểu trong thời gian qua đã tạo ra diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn, đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt.
Chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ là giải pháp nâng chất chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. |
Dự án đầu tư xây dựng Tiểu vùng II - Nam Cà Mau, trên địa bàn xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời và 2 xã: Phú Hưng, Thạnh Phú, huyện Cái Nước, là một ví dụ. Dự án triển khai đầu tư 16 cống, nạo vét 21 kênh, kết hợp xây dựng 30 km đê bao, với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng. Ðây là dự án không chỉ nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng tổng hợp, hiệu quả và bền vững, mà còn góp phần quan trọng cải thiện hệ thống giao thông thuỷ, kết hợp với xây dựng giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, từ đó đời sống người dân không ngừng nâng cao.
Hay như dự án Tiểu vùng XVIII - Nam Cà Mau, thuộc các xã Nguyễn Huân, Tân Dân và Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi. Với 25 cống được xây dựng, cùng 25 kênh được nạo vét, dự án đã khai thác và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, chủ động ngăn nguồn nước ô nhiễm; cung cấp và tiêu thoát nước mặn phục vụ cho 14.031 ha đất nuôi thuỷ sản. Ðồng thời, cải thiện giao thông thuỷ, kết hợp làm bờ bao chống tràn, gắn với xây dựng lộ nông thôn; phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Anh Nguyễn Văn Ðoàn, ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, cho biết, hệ thống cống được xây dựng tại các cửa sông ven biển đã hạn chế đáng kể ảnh hưởng của triều cường, nhất là các đợt triều cường vào những tháng cuối năm. Ngoài ra, hệ thống kênh được nạo vét thông thoáng phục vụ tốt việc cấp nước, thoát nước cho nuôi thuỷ sản, từ đó năng suất, hiệu quả sản xuất tăng lên.
Tuy kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế so với nhu cầu phát triển, thế nhưng, với những nỗ lực của tỉnh, tranh thủ nhiều nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án mà mạng lưới giao thông, nhất là đường bộ chuyển biến tích cực, nhiều công trình được đầu tư, nâng cấp cải tạo và xây dựng mới. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 220 km, 11 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 336 km, cùng 976,4 km đường liên huyện và hơn 10.000 km đường nông thôn. Về đường thuỷ, hiện trên địa bàn tỉnh có 65 đoạn, tuyến sông - kênh chính do Trung ương và tỉnh quản lý với tổng chiều dài 1.223 km, còn lại chủ yếu là các tuyến sông cấp III đến cấp IV và các kênh rạch nhỏ. Tất cả đang từng bước đáp ứng nhu cầu lưu thông, giao thương mua bán và phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.
Song song với phát triển kết cấu hạ tầng, các chương trình, dự án, kế hoạch trong hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập của người dân cũng được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp. Theo đó, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh ban hành Chương trình số 28-CTr/TU về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ chương trình này, UBND tỉnh có Quyết định số 2461/QÐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dạy nghề theo nhu cầu của lao động địa phương kết hợp với xây dựng, phát triển nghề truyền thống đã góp phần đáng kể trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi nông thôn.
Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, tỉnh tiến hành lồng ghép các chương trình, dự án để huy động và phát huy nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm. Ðào tạo đi đôi với thực hành dựa trên các mô hình sản xuất cụ thể gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vận dụng các cơ chế, chính sách có liên quan để thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển hạ tầng dân cư, các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, hỗ trợ các hợp tác xã, làng nghề phát triển sản phẩm; xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng chủ lực của tỉnh kết hợp chặt chẽ với xúc tiến thương mại thông qua các giải pháp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội chợ, hội thảo, triển lãm… Ðây là những giải pháp đã được tỉnh triển khai. Ðồng thời nhằm hỗ trợ lẫn nhau tạo đột phá giúp các ngành hàng chủ lực của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Ðặc biệt, tiến hành lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án để tăng cường thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực chất, toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; duy trì và nâng cao chất lượng các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhân rộng và phát huy hiệu quả công tác xã hội hoá trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đảm bảo kết nối chặt chẽ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Từ đó, ngày càng đổi thay diện mạo nông thôn, rút ngắn khoảng cách nông thôn - thành thị./.
Nguyễn Phú