ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 17:30:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Báo Cà Mau Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những câu chuyện cuộc đời

Năm 1954, Bác sĩ Nguyễn Văn Thể được 12 tuổi, tập kết ra Bắc theo diện học sinh miền Nam. Học hết cấp 3, ông xung phong đi bộ đội 3 năm (Sư đoàn 330 của Ðại tá Ðồng Văn Cống, trên địa bàn Thanh Hoá). Ra quân năm 1964, ông được Uỷ ban Thống nhất Trung ương chọn cho thi và đậu vào Trường Ðại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp, ông được cho về miền Nam công tác.

“Lúc đi về Nam, tất cả giấy tờ, đồ đạc cá nhân gửi lại hết cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương; mặc đồ giải phóng quân, ba lô thì toàn sách chuyên môn. Hơn 50 năm rồi, mình cũng không nghĩ sẽ có ngày được nhận lại nó...”, Bác sĩ Nguyễn Văn Thể xúc động.

Trong danh sách hồ sơ đi B tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, tôi chú ý một dãy tên có cùng họ Lâm. Lần theo đơn xin nhận lại hồ sơ của thân nhân, tôi liên hệ được ông Lâm Ngọc Thuấn (sinh năm 1951, Khóm 4, Phường 4, TP Cà Mau).

Ông Thuấn kể, gia đình ông có đến 7 người đi tập kết. Cha ông là Lâm Thế Phương, sinh năm 1913. Thời điểm tập kết, cha ông là Trưởng ban Tuyên huấn Công an tỉnh Bạc Liêu, được phân công làm trinh sát bí mật bảo vệ an ninh bến Sông Ðốc. Sau cùng ông mới lên tàu đi tập kết.

Di ảnh ông Lâm Thế Phương và vợ là bà Lý Thị Phuông.

Di ảnh ông Lâm Thế Phương và vợ là bà Lý Thị Phuông.

Quá trình ra Bắc, cha ông học tập và công tác ngành thuỷ sản. Năm 1973 thì nghỉ hưu, trở về miền Nam. Khi giải phóng, cha ông lại tiếp tục được trưng dụng công tác ngành thuỷ sản, mãi đến năm 1986, khi đã 73 tuổi mới về hưu lần 2.

Ông Lâm Thế Phương có 3 người em là: Lâm Thế Viễn, Lâm Ngọc Trâm, Lâm Thế Lượng; 2 người con là: Lâm Bá Thảo, Lâm Quang Khải và rể Ngô Thiện Ðảnh đi tập kết và lần lượt đều đi B. Trong đó, ông Lâm Bá Thảo sau này là Tỉnh uỷ viên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu); ông Ngô Thiện Ðảnh là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau giải phóng.

Ông Lâm Ngọc Thuấn bùi ngùi: “Lúc ba tôi đi, mẹ và 5 người con ở lại, khi ấy tôi mới 3 tuổi; người chế thứ tư là vợ anh Ngô Thiện Ðảnh, con còn rất nhỏ. Sau này có lần tôi hỏi ba, sao không cho đi hết, ba tôi nói tiêu chuẩn thì đủ, nhưng gia đình mình đi đông rồi nên phải ở lại bớt, nhường suất cho các đồng chí khác. Mẹ tôi ở nhà tần tảo nuôi con và chung thuỷ cho tới ngày tái hợp chồng. Chế Tư cũng thế. Căn nhà gia đình tôi (tại nơi này), cũng là cơ sở của cách mạng”.

Ông Lâm Ngọc Thuấn sau giải phóng công tác trong ngành thuỷ sản cho tới khi về hưu (năm 2011). 

Ông Lâm Ngọc Thuấn nâng niu và tự hào về Huân chương Kháng chiến của ba mình là ông Lâm Thế Phương, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Ông Lâm Ngọc Thuấn nâng niu và tự hào về Huân chương Kháng chiến của ba mình là ông Lâm Thế Phương, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Chia sẻ về việc sẽ nhận lại hồ sơ đi B của những người thân trong gia đình, ông Thuấn bày tỏ: “Tôi được thông tin này từ đứa cháu làm bên ngành thuế, nhờ Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh gửi danh sách qua để thông báo rộng rãi nên nó biết. Mừng vui lắm! Ba tôi là người về sau cùng trong gia đình, năm 1973, tính ra đến nay cũng hơn 50 năm. Vậy mà hồ sơ, kỷ vật Nhà nước còn lưu giữ và chuyển về trao lại cho gia đình thì quý vô cùng. Dù những hồ sơ, kỷ vật chỉ là những tấm giấy hay hiện vật không có giá trị vật chất lớn, nhưng có ý nghĩa về mặt tinh thần. Ba tôi chính là người vận động anh chị em trong nhà đi làm cách mạng. Các con cũng theo gương ba tham gia công tác hết. Những hồ sơ, kỷ vật được trao trả sẽ làm sống lại một thời kỳ lịch sử của đất nước và truyền thống cách mạng của gia đình, đáng quý và rất tự hào!”.

Nỗ lực trao trả hồ sơ

Ông Ðinh Anh Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau, thông tin, theo danh sách Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III bàn giao thì tỉnh Cà Mau nhận về 461 hồ sơ đi B của tỉnh Bạc Liêu trước đây (bao gồm Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay). Những hồ sơ này đã được nhận về từ năm 2013, 2014. Khi đó nghe nói có thông báo trả, nhưng chỉ 4 người (sinh sống ngoài tỉnh) đến nhận. Số còn lại vì không có thân nhân liên hệ nên lưu kho.

Ông Ðinh Anh Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau, cho biết, phông hồ sơ là phông Uỷ ban Thống nhất Chính phủ.

“Mấy tháng trước, khi tôi về tiếp nhận công việc, thấy hồ sơ tồn đọng số lượng lớn quá nên tham mưu Sở Nội vụ tiếp tục thông báo. Chúng tôi làm công văn, kèm theo danh sách và Giám đốc Sở Nội vụ ký ban hành văn bản gửi tất cả các cơ quan trong tỉnh và gửi UBND các huyện, TP Cà Mau yêu cầu triển khai xuống tới từng xã, phường để thông báo rộng rãi; đồng thời gửi luôn cho tỉnh Bạc Liêu để họ thông tin cho người đi B hoặc thân nhân hay, đến nhận”, ông Toàn chia sẻ.

Sau khi tiếp tục thông báo, đã có thêm 5 người liên hệ xin nhận hồ sơ. Bảo tàng tỉnh Cà Mau trong quá trình sưu tầm tư liệu, hiện vật, có được thông tin của nhiều người tập kết nên đã kết nối, thông tin thêm được cho 17 người.

Ông Toàn cũng cho biết, trước đây đã có thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Nội vụ, hiện nay vẫn tiếp tục duy trì, đồng thời đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Bên cạnh đó, sắp tới sẽ gửi danh sách đến các tỉnh trong khu vực để nhờ họ thông tin, cố gắng trả được nhiều nhất có thể số hồ sơ này.

Mỗi hồ sơ tuy là những mảnh giấy, hiện vật vô tri vô giác, nhưng đằng sau nó là một câu chuyện cuộc đời người đi tập kết. Những hồ sơ này có thời gian nhận từ những năm 1959 đến trước ngày giải phóng đất nước, tính ra cũng 50 năm trở lên. Thời gian đủ một người trẻ trưởng thành và lên chức ông bà. Người trực tiếp nhận hồ sơ không còn nhiều, nhưng với họ, đây là món quà ý nghĩa giúp sống lại một giai đoạn bi thương nhưng cũng đầy tự hào, ngời sáng phẩm chất của những người Việt Nam yêu nước.

Còn đối với con cháu thay mặt nhận, hiểu hơn những sự hy sinh to lớn vì độc lập dân tộc của cha ông mình, trân trọng hơn giá trị của hoà bình, có thái độ sống và cống hiến tích cực hơn.

Ông Toàn cũng cho biết, Trung tâm Lưu trữ lịch sử đã tham mưu và UBND tỉnh ban hành văn bản phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức trưng bày hồ sơ đi B tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 sắp tới, để thông tin rộng rãi thêm cho nhiều người biết và đến nhận. Ðồng thời đang tính tới phương án trao trả hồ sơ, hiện vật tại cầu truyền hình trực tiếp của buổi lễ.


Hồ sơ đi B là hồ sơ của cán bộ đi B từ năm 1959-1975, gồm giấy tờ, bằng cấp, kỷ vật... mà trước khi đi B được gửi lại Uỷ ban Thống nhất Trung ương. Cán bộ đi B là người đi tập kết và người miền Bắc được đưa vào miền Nam theo yêu cầu cách mạng, chủ yếu là y, bác sĩ, cán bộ khoa học - kỹ thuật, giáo viên, nhà báo, văn nghệ sĩ... (lĩnh vực quân sự, gọi là bộ đội đi B, do Bộ Quốc phòng quản lý riêng).

Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, sau ngày đất nước thống nhất, có khoảng 72 ngàn hồ sơ đi B được đơn vị quản lý và trao trả. Ðến nay, vẫn còn hơn 35 ngàn hồ sơ chưa có người nhận.

Ðược biết, ngoài hệ thống thông báo của các tỉnh, hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cũng thông báo trên cổng thông tin điện tử của đơn vị để bản thân cán bộ đi B và người thân biết, đến nhận hồ sơ.


 

Huyền Anh

 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.

Bến tập kết năm xưa

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định, cùng với Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận) và Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh (Ðồng Tháp), thì Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời là bến tập kết để đưa cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, tạo nguồn cán bộ phục vụ cách mạng miền Nam.

Xúc cảm vẹn nguyên

Từ những ngày đầu tháng 11, cao điểm các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) được diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Ðối với những người trong cuộc - chứng nhân của dấu mốc lịch sử ấy lại ùa về bao cảm xúc bồi hồi, nôn nao ngày họp mặt để sống lại hồi ức cách nay 70 năm, ngày lên tàu rời quê hương với niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn.

Từ Sông Ðốc các anh đi

Vào khoảng cuối năm 1954, mấy chục căn nhà dọc theo sông Cái Bát (xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi ngày nay) đều có bộ đội đóng quân, riêng căn nhà 3 gian của tôi đủ chứa cả tiểu đội. Các anh di chuyển bằng những chiếc xuồng năm lá, từ Cần Thơ, Vĩnh Long... xuống. Chỉ ít hôm là các anh đi, về đâu tôi chẳng hề biết, chỉ để lại tình cảm quân - dân như cá với nước. Cho đến khi lớn lên, đi làm cách mạng, tôi mới biết Cà Mau là vùng tập kết 200 ngày, vậy là chắc các anh đi về Sông Ðốc để lên tàu tập kết ra Bắc.

Bác Ba Lê Duẩn và Nghị quyết 15

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam Bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Sông Đốc sẵn sàng cho sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc (1954-2024)

Chỉ còn 2 ngày nữa tại thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, ghi nhớ sự kiện các chuyến tàu chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam.

Nói chuyện chuyên đề vai trò phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (14/11), Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau tổ chức buổi chuyên đề Vai trò đóng góp của phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc và hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. 

Lịch sử vọng vang

Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ðông Dương được ký kết (20/7/1954), Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ với thời hạn 200 ngày. Sau 70 năm, với độ lùi của thời gian, sự kiện tập kết ở Cà Mau đã được đánh giá, khẳng định ngày càng toàn diện, thấu đáo về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử cách mạng của địa phương, Nam Bộ và đất nước.