Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.
- Hiện vật “kể chuyện” tập kết
- Kết nối, trao tặng tư liệu, hiện vật là trách nhiệm
- Câu chuyện sưu tầm hiện vật
- Hành trình thu thập hiện vật - Những câu chuyện đẫm nước mắt
Thẻ Thanh niên tích cực của ông Dương Thanh Toàn (hiện ở tỉnh Bạc Liêu) được Bảo tàng tỉnh Cà Mau sưu tập. (Ảnh chụp lại).
Những lá thơ tay cũng được Bảo tàng tỉnh Cà Mau sưu tập. (Ảnh chụp lại). |
- Thưa ông, đến thời điểm này công tác chuẩn bị, sưu tầm hiện vật phục vụ triển lãm được thực hiện đến đâu?
Ông Lê Minh Sơn: Tính từ khi có Thư ngỏ phát động của UBND tỉnh đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm được 147 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật liên quan đến Sự kiện lịch sử tập kết ra Bắc năm 1954 (trong đó gồm 97 tư liệu, hiện vật và 50 hình ảnh). Hiện nay, những tư liệu, hiện vật này đã được Bảo tàng tỉnh phân loại, lập hồ sơ lý lịch khoa học, có phương án bảo quản lâu dài và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Trước mắt là trong dịp Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, sau đó là phục vụ công tác trưng bày, phát huy giá trị di tích quốc gia Ðịa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Ðốc, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Ðây là sự kiện lịch sử đã diễn ra cách đây 70 năm, cộng thêm điều kiện chiến tranh khó khăn, ác liệt lúc đó, nên hiện nay nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật đã không còn; các nhân chứng lịch sử lại ở nhiều nơi, nhiều khu vực; những nhân chứng lịch sử trẻ tuổi nhất cũng đã ở độ tuổi 80, sức khoẻ hạn chế. Có lẽ đây chính là khó khăn lớn nhất trong quá trình sưu tầm, tiếp nhận hiện vật.
- Những hiện vật sưu tầm được mang giá trị lịch sử quan trọng như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Minh Sơn: Ðây là những hình ảnh, tư liệu, kỷ vật vô cùng quý giá, liên quan đến quá trình đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nói chung, Cà Mau nói riêng tập kết ra Bắc sinh sống, học tập và công tác trên đất Bắc từ năm 1954 với sự đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ tận tình của đồng bào miền Bắc. Qua đó, tái hiện phần nào về một giai đoạn lịch sử gian khó nhưng hào hùng của dân tộc.
Các em học sinh tham quan khu trưng bày hình ảnh, tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý", ngày 23/10.
- Ông có thể chia sẻ thông tin về kế hoạch tổ chức và mục đích, ý nghĩa của hoạt động“Triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh” trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 của tỉnh?
Ông Lê Minh Sơn: Nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc của tỉnh, Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm với chủ đề “Hẹn ngày thống nhất”, dự kiến từ ngày 18-27/11. Triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng hơn 70 hình ảnh và 70 tư liệu, hiện vật, kỷ vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và những thành tựu phát triển của tỉnh.
Ðây là hoạt động nhằm ghi nhớ sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, thể hiện sự phấn khởi, tự hào dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá, lịch sử cách mạng của quê hương Cà Mau, cũng như sự kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng, sự phát triển của tỉnh nhà sau 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc.
- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Vũ thực hiện