Không còn bị động chờ các đoàn khách đăng ký đến tham quan vào những dịp đặc biệt; không còn những ảnh trưng bày nhàm chán, rập khuôn theo sách vở..., Bảo tàng tỉnh đã có những bước chuyển mình để tạo thế đứng của riêng mình bên cạnh việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
- Trải nghiệm thực tế, kiến thức mở mang
- Từ cái hầm đến chiếc máy đánh chữ
- Hiện vật “kể chuyện” tập kết
- Tự hào di tích lịch sử quốc gia
Chủ động tạo sức hút
Xã hội càng hiện đại, con người càng có xu hướng tìm về nguồn cội và tìm hiểu về những gì xưa cổ nhất của cha ông theo hướng gợi mở. Từ đó, Bảo tàng tỉnh không chỉ đơn thuần làm công tác sưu tầm và bảo quản hiện vật mà còn đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ. Theo đó, trong vài năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức ngoại khoá giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên qua các di tích lịch sử, cũng như các công trình văn hoá. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký kết với Sở Giáo dục và Ðào tạo các chương trình và chỉ đạo Bảo tàng tỉnh từ năm 2018 xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện.
Nhận thức rằng, không thể ép buộc mọi đối tượng phải thích các hoạt động của mình, mà cần chiến lược lâu dài để chinh phục họ, đầu tiên, đơn vị đã chủ động mời học sinh, sinh viên đến Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các di tích khác để giới thiệu ý nghĩa của công trình bằng những hoạt động hấp dẫn, thú vị. Dần dần, các hoạt động được rút kinh nghiệm qua từng đợt. Bảo tàng tỉnh cũng chịu khó tìm hiểu và cập nhật những điều mới mẻ trong cách giới thiệu, truyền đạt để có những tiết mục riêng cho từng đối tượng như học sinh tiểu học, THCS, THPT; sinh viên... Trên cơ sở đó, đơn vị đã xây dựng mô hình ngoại khoá phong phú, đảm bảo yêu cầu tuyên truyền.
Các đoàn học sinh thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khoá tại Bảo tàng Cà Mau. Ảnh: Thanh Mộng
Chị Ngô Thị Hồng Yến, Khóm 4, Phường 5, TP Cà Mau, cho biết, 2 con của chị (5 tuổi và 12 tuổi) đều có những chuyến thăm và ngoại khoá tại Bảo tàng tỉnh. Chị chia sẻ: “Không gian nơi này thoáng mát hơn trước đây rất nhiều. Tôi thấy có nhiều hiện vật được bảo quản tốt và cách thuyết minh hướng dẫn khá hấp dẫn, nhiều lúc các cô còn đặt câu hỏi xen kẽ việc kể chuyện, khiến các bé thích thú. Sau khi tham quan, các con có thể xem phim tài liệu hay tham gia vẽ tranh, các trò chơi dân gian..., rất ý nghĩa”.
Không chỉ phụ huynh đánh giá tốt, mà chính các bạn trẻ, các em nhỏ cũng dần xem địa chỉ Bảo tàng tỉnh là sân chơi, không gian văn hoá với nhiều điều khám phá và học tập. Em Lý Thị Thanh Trang, lớp 9F, Trường THCS Võ Thị Sáu (Phường 6, TP Cà Mau), chia sẻ: “Em tham quan và tham gia các hoạt động ngoại khoá ở Bảo tàng Cà Mau nhiều lần và rất thích. Các cô thuyết minh kể nhiều câu chuyện mới, chứ không lặp đi lặp lại một câu chuyện dễ gây nhàm chán. Có nhiều cổ vật được trưng bày, không chỉ ở khuôn viên bảo tàng mà còn vào các dịp lễ lớn, cũng tạo sự tò mò cho em và các bạn. Sau mỗi buổi tham quan, chúng em cũng có những buổi ngoại khoá trao đổi và trò chuyện về kỹ năng sống, vừa tích luỹ thêm kiến thức, vừa giúp thoải mái, giảm căng thẳng sau những giờ học”.
Từ năm 2022, Bảo tàng tỉnh đã tạo được sự lan toả khá mạnh mẽ. Các trường trên địa bàn TP Cà Mau từ vị trí được mời đã chuyển sang chủ động đưa học sinh đến Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như một số di tích trên địa bàn thành phố. Bảo tàng tỉnh còn thành lập các câu lạc bộ thuyết minh gồm nhân sự của các trung tâm văn hoá, phòng văn hoá, huyện đoàn để truyền lại kỹ năng và cách thức thực hiện các buổi ngoại khoá (vì đơn vị không thể đi hết được các địa phương).
Phòng chiếu phim hiện đại với nhiều phim tư liệu được sưu tầm.
Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Chúng tôi kết hợp với một số hoạt động giáo dục kỹ năng và trải nghiệm, rèn luyện sức khoẻ. Năm 2023, đơn vị đã có kế hoạch nhân rộng mô hình này xuống tất cả các địa phương. Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã duyệt và chuyển cho các huyện, giao cho giám đốc các trung tâm văn hoá, thể thao làm đơn vị đầu mối phối hợp với phòng văn hoá và huyện đoàn, các tổ chức đoàn thể của huyện để tổ chức hoạt động ngoại khoá trên địa bàn của huyện mình. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tỉnh sẽ nhân rộng và hướng dẫn kỹ năng”.
Ðẩy mạnh truyền thông
Với sự phát triển của công nghệ, hình thức hướng dẫn tham quan, giới thiệu các sưu tập hiện vật trực tuyến ngày càng phong phú, đa dạng. Xu hướng chuyển đổi số là tất yếu trong hoạt động bảo tồn, bảo tàng và du lịch, Bảo tàng Cà Mau cũng không ngoại lệ.
Ngoài gìn giữ, bổ sung các hiện vật, Bảo tàng tỉnh còn có nhiệm vụ truyền thông, tuyên truyền để giáo dục truyền thống, giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc của vùng đất và văn hoá, con người Cà Mau đến với mọi miền Tổ quốc thông qua tham gia các cuộc trưng bày do Trung ương, các tỉnh bạn tổ chức. Ðơn vị đã tham gia trưng bày các loại hình văn hoá đặc sắc của dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng năm 2021, trưng bày di sản văn hoá ở Ninh Bình năm 2022, trưng bày di sản văn hoá biển đảo ở Bình Thuận năm 2023... Qua các chuyến đi, đã góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người cũng như sản phẩm du lịch của Cà Mau. Mỗi sự kiện diễn ra, Bảo tàng tỉnh Cà Mau đều có kế hoạch truyền thông hấp dẫn trên trang Di sản văn hoá Cà Mau.
Các hiện vật được trưng bày khoa học, hút mắt khách tham quan.
Theo ông Lê Minh Sơn: “Chúng tôi muốn thực hiện các sự kiện truyền thông nhỏ để đăng lên trang mạng xã hội nhằm tận dụng tốt mạng xã hội cho tuyên truyền. Thêm nữa, nâng cao chuyên môn công tác truyền thông, nghĩa là các anh em chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn... phải bài bản, thiết bị hiện đại”.
Trên trang Di sản văn hoá Cà Mau hiện tại, nhân viên Bảo tàng tỉnh còn tâm huyết đầu tư thực hiện các clip giới thiệu văn hoá đặc sắc ở Cà Mau, các đoạn phim gắn với cách lồng tiếng, thuyết minh câu chuyện súc tích, ngắn gọn... đủ sức cuốn hút người xem vào các lễ hội địa phương, hay các buổi sưu tầm hiện vật, cổ vật... Các clip tầm 3-5 phút được cắt dựng chỉn chu, đủ sức cạnh tranh với các trang mạng xã hội khác cũng làm về đề tài văn hoá.
Bảo tàng Cà Mau còn thành lập trang Di sản văn hoá Cà Mau với nhiều đoạn clip, phim ngắn... về lịch sử, văn hoá Cà Mau.
Song song đó, công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học các loại hình di sản văn hoá phi vật thể để được ghi danh vào danh sách các loại hình văn hoá phi vật thể quốc gia cũng được đẩy mạnh bằng số hoá. Các hiện vật, tư liệu... được thu thập đều được nhập mã số để công tác bảo tồn và trưng bày đi vào hệ thống số, giúp việc tìm kiếm và bảo quản dễ dàng, logic hơn.
Thời gian tới, với định hướng xây dựng trụ sở mới, Bảo tàng tỉnh đang kiểm kê lại các hiện vật để hệ thống hoá khoa học nhất. Ông Lê Minh Sơn cho biết thêm: “Từng không gian trong bảo tàng sẽ có những hiện vật phù hợp. Các đơn vị chủ đầu tư khi xây dựng phải đưa luôn yêu cầu trưng bày để đơn vị thiết kế ra không gian trưng bày. Số hoá ngay từ đầu như thế sẽ logic về không gian và cổ vật, tạo sự liên kết trong câu chuyện, sự kiện, dữ liệu lịch sử. Chúng tôi rất tập trung, để khi có được trụ sở mới sẽ phục vụ ngay cho người dân”./.
Lam Khánh - Lê Tuấn