ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 19:55:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Từ cái hầm đến chiếc máy đánh chữ

Báo Cà Mau Mấy chuyến đi tìm nơi cơ quan Tỉnh uỷ đóng trong những năm chống Mỹ như: Mà Ca, Mỹ Thành (xã Phú Thuận, huyện Phú Tân), Ðất Cháy, Vịnh Dừa, Công Ðiền (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời)... Bảo tàng tỉnh đã xác định được những “địa chỉ đỏ” quý giá. Riêng tôi, được là nhân chứng đối với đất và người những nơi ấy là niềm vui, vì được đền đáp một phần nhỏ công ơn của bà con đã một thời cưu mang, sống chết với mình.

Mấy chuyến đi tìm nơi cơ quan Tỉnh uỷ đóng trong những năm chống Mỹ như: Mà Ca, Mỹ Thành (xã Phú Thuận, huyện Phú Tân), Ðất Cháy, Vịnh Dừa, Công Ðiền (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời)... Bảo tàng tỉnh đã xác định được những “địa chỉ đỏ” quý giá. Riêng tôi, được là nhân chứng đối với đất và người những nơi ấy là niềm vui, vì được đền đáp một phần nhỏ công ơn của bà con đã một thời cưu mang, sống chết với mình.
Bùi ngùi thắp nén tâm nhang tưởng nhớ cô bác, anh chị quá cố, qua di ảnh tôi dò dẫm tìm lại những nét thân quen. Cảm động, chỉ nghe tên người cũ, các em, cháu chưa một lần gặp mặt vẫn như đã thân thiết tự hồi nào. Bữa cơm bất ngờ có cả tôm luộc, canh chua cá ngát và nửa chai rượu trắng. Khách, chủ toàn nhắc chuyện cũ. Chỉ tiếc, không thể nào gặp được con đường đất nhỏ, những vườn dừa trái già, trái non quấn quýt bên nhau; mái nhà có cây rơm cạnh sân lúa; không thấy được nhân vật "chiều chiều vịt lội kêu chiều..."; biền biệt con rạch bông súng điểm trắng hai bên mé... và dường như nắng đã rát, mưa cũng trắng trời hơn. Cảnh quan đã thay đổi đến không ngờ, cuộc sống đã tiến về phía trước rất xa.

Tác giả (ông Nguyễn Thái Thuận, nguyên cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ ) xúc động khi gặp lại chiếc máy đánh chữ hiệu TIPPA - chiếc máy ông đã sử dụng từ những năm 1960 khi mới về văn phòng Tỉnh uỷ - tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh HUỲNH THU THẢO

Ở nhà anh Bào Văn Hùng, gần kênh Chống Mỹ, một cái hầm vuông bằng bê tông cốt thép, mỗi cạnh hơn một mét để làm hầm tránh phi pháo cho mấy lượt Bí thư Tỉnh uỷ, có cả Tư lệnh Quân khu 9 Ðồng Văn Cống, đã được đào lên để phía sau nhà. Ở gia đình ông Nguyễn Văn Trí, trong kênh Năm Thâu, gần Rạch Bần, 2 cái lu tròn bằng xi măng làm hầm tránh bom cho Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Ðáng (Tư Hườn) cũng được moi lên dùng chứa nước. Ðược 2 gia chủ đồng thuận, nay mai Bảo tàng tỉnh sẽ chở về làm chứng tích. Mỗi bước tìm lại người cũ, dấu cũ, trong tôi lại cồn cào về một vật chứng của riêng mình, nó không to tát, nặng nề như cái hầm, cái lu, nhưng lại gắn bó gần ngót ba ngàn ngày với mình, đó là chiếc máy đánh chữ.

Nhận nhiệm vụ ở Văn phòng Tỉnh uỷ vào cuối năm 1960, không lâu, tôi nhận luôn chiếc máy chữ hiệu TIPPA nhỏ gọn, nặng chừng hơn 3 kg, nhưng hiệu suất mỗi tấp có thể lên đến 10 bản. Nó là chiến lợi phẩm trong trận ta đột nhập vào cơ quan hội đồng xã của địch trên tuyến Rau Dừa - Cái Nước. 5 năm gắn bó với nó, thông qua 10 ngón tay, tôi không nhớ có mấy ngàn trang tài liệu đã ra đời, có bao nhiêu công văn, thư từ luôn kèm theo 2 từ “hoả tốc”. Có lần, tôi cõng nó trên lưng suốt 3 đêm liền trong cuộc hành quân bộ ngót trăm ki-lô-mét từ Khâu Bè (Phú Mỹ cũ) đến Tân Bình - Tân Ðức (Ðầm Dơi). Do chiếc máy nhẹ nên trong bòng của tôi còn chèn thêm mấy gram giấy pơ-luya, mấy hộp giấy than đủ đè nặng trên đôi vai, vòng vo trên từng cây số.

Chỉ có nhớ thôi, không đủ. Vào một chiều tháng Tư, cái tháng mà nhiều người có mặt trong giờ phút cuối của cuộc chiến luôn cất giữ nhiều kỷ niệm, bản thân tôi cũng tung hứng với một số bài ký và thơ về thời khắc lịch sử đó, đã thôi thúc tôi tìm đến Bảo tàng tỉnh để gặp cho được chiếc máy ấy. Người sưu tầm, gìn giữ hiện vật vừa đặt nó lên bàn thì mắt tôi như giãn ra, cảm xúc vỡ oà. Bạn bè bằng xương bằng thịt đã lần lượt ra đi, chiếc máy không nói với tôi điều gì nhưng sao mà thân thiết, vương vấn, đồng điệu như người thân xa nhau tưởng không có ngày gặp lại. Tôi và chiếc máy đang thổn thức, lắng đọng, rung rung cung bậc. Tôi muốn ôm nó vào lòng như ngày nào cõng nó trên lưng.

Hơn 60 năm, từ chàng trai năng động, sức vóc, tôi bước vào tuổi tám mươi lăm, răng long, chân yếu, thời gian hoài niệm tìm kiếm kỷ niệm cũng không còn dài, mỗi bước tới là mỗi bước về miền ký ức. Chiếc máy tôi tìm cũng chẳng còn lành lặn, khi gõ vào bàn phím, con chữ dính chặt vào ru lô, chứng tỏ các lò xo của nó đã bung ra. Các chân con chữ đã rỉ sét, cuộn ruy-băng cũng đã về với đất tự hồi nào. Cần gạt cũng bị liệt, cái nắp đậy bị nứt mấy đường. Một màu xanh ngày nào nay đã vàng úa...

5 năm, nó với tôi như hình với bóng. Ban ngày đã đành, nhiều khi còn tí tách cả đêm trong mùng và ngọn đèn cầy. Ðộ chừng 2-3 tháng phải tháo ra dùng cọ mềm lau bụi, tắm xăng, vô dầu. Nhiệm vụ bất biến của nó là các bộ phận phải gắn kết đồng bộ. Sản phẩm là những dòng chữ, những trang công văn, thư từ sạch sẽ, dễ đọc. Thoát khỏi làm công cụ của chế độ tay sai bán nước, nó trở về phục vụ cách mạng thông qua những người bất chấp gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, thống nhất đất nước. Sau tôi là Phạm Thạnh Trị, và sau nữa là ai? Có điều, chắc chắn nó đã có mặt trên chiếc vỏ lãi đưa đoàn cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ ra tiếp quản tỉnh lỵ Cà Mau vào ngày 1/5/1975.

Ðối diện với chiếc máy, tôi đã là người toại nguyện, không còn trăn trở kiếm tìm. Giờ này sao nó lặng thinh, tôi thì đa cảm, dâng trào xúc động. Với Trần Thị Thanh Tuyền, cán bộ bảo tàng nhiệt tình đã tạo điều kiện tốt nhất cho tôi gặp được chiếc máy, đáp lại tôi đã cung cấp khá đầy đủ lý lịch của nó để nó trở thành chứng tích biết nói. Giữa tôi và chiếc máy dù là 2 thế giới khác nhau nhưng đều có sự nương tựa qua lại. 5 năm bên nó, tôi từng bước nên người; ngược lại, bên tôi và những người sau đó mà nó vinh dự được làm chứng tích ở bảo tàng. Cuộc chạy đua với thời gian và quy luật sinh tồn chắc chắn tôi là người thua cuộc. Thay tôi, nó nói với thế hệ hôm nay và mai sau thế nào là chiến tranh. Có lúc, người trong cuộc còn lại phải nén lòng: Thôi, ngày ấy đã lùi xa...

 

Nguyễn Thái Thuận

Liên kết hữu ích

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.

Tri ân người mở cõi

Ðầu xuân năm nay tôi được dự lễ khánh thành khu mộ thân tộc ông bà Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu, tại ấp Bàu Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Chung quanh khu nghĩa mộ có mấy công trình phụ nhưng ý nghĩa đáng để mọi người suy ngẫm. Ðó là hồ sen, tuy diện tích không lớn nhưng ông Liêm giải thích sen là “Quốc hoa” của dân tộc Việt Nam, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phía tay phải là một hồ khác để nuôi cá các loại, chim le le và vịt trời. Phía sau công trình là một bờ cây đước xanh rờn, cao lớn.