ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 16:58:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tìm về dấu cũ

Báo Cà Mau Tính ra, anh em có mặt ở Văn phòng Tỉnh uỷ thời cuối năm 1960 đến nay chỉ còn có anh Tô Hiền Long (Sáu Ðồng) nay đã tuổi 93, sức khoẻ suy giảm nhiều; tôi - người trẻ nhất, cũng đã 85.

Thời gian qua, tôi có dịp cùng anh chị em Bảo tàng tỉnh thực hiện nhiều chuyến đi về các vùng căn cứ cũ, mà theo Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, là thu thập chứng cứ, khảo sát thực địa để hoàn thành bộ sưu tập nơi ở của cơ quan Tỉnh uỷ trong 30 năm chiến tranh cách mạng. Còn tôi, nôm na gọi là tìm về dấu cũ. Không cũ sao được, kể từ ngày tôi khăn gói về công tác ở Văn phòng Tỉnh uỷ cuối năm 1960, đến nay đã hơn 60 năm.

Tác giả (ông Nguyễn Thái Thuận, nguyên cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ Cà Mau, đi đầu) cùng cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh về các vùng căn cứ cũ thu thập chứng cứ, khảo sát thực địa để hoàn thành bộ sưu tập nơi ở của cơ quan Tỉnh uỷ trong 30 năm chiến tranh. (Ảnh Bảo tàng tỉnh Cà Mau cung cấp)

Tìm đến nhà má Hai Tỏ ở Khâu Bè (Phú Thuận), nơi lần đầu tiên tôi nhận công tác. Hồi ấy, căn chòi ở trong vườn dừa rợp bóng mát, với mấy tấm vạc kê sát đất, hằng ngày, chỉ thấy má Hai, chị Năm Lẹ và 2 đứa cháu nội Sơn, Hà. Hỏi ra mới biết, ông Hai mất sớm, con trai duy nhất là anh Từ Thanh Nhàn (Năm Duyên), chồng chị Năm Lẹ, là Chính trị viên Trung đội Ðịa phương quân huyện Cái Nước. Chiến tranh, cơ quan luôn di chuyển, giờ trở lại thì chỉ có vợ chồng người cháu nội Từ Minh Hà; anh Năm Duyên hy sinh những năm đầu của cuộc chiến, má Hai và chị Năm Lẹ cũng đã mất.

Ở gia đình má Chín Ðầm, nơi đặt trạm giao liên trung chuyển giữa Văn phòng Tỉnh uỷ và cơ quan giao liên tỉnh, có 2 con trai thì anh lớn là đồng đội của tôi hy sinh năm 1961, người kế thương binh loại 1/4 (mù hai mắt). Gia đình chú Hai Khanh, anh Hai Phủ, nơi Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Ðình Liệu (Tư Bình) và Phan Ngọc Sến (Mười Kỷ) ở, thì chỉ gặp người con gái Nguyễn Thị Hường và anh Lâm Việt Cường đang thờ phụng cha mẹ.

Tìm gặp gia đình anh chị Năm Hợi mà tôi luôn nhớ mãi mấy lít nước cơm rượu chị dành cho tôi bồi dưỡng những ngày bị sốt rét hoành hành thì bàn thờ anh chị đã được người con trai thờ phụng ở Phường 2, TP Cà Mau. Chị Năm rất khéo tay, biết may cả áo sơ mi, quần tây, pyjama. Hồi này, từ các anh lãnh đạo lớn tuổi đến cánh lính trẻ như tôi thường mặc bộ đồ bà ba vải ú đen, chững chạc hơn là bộ đồ pyjama. Tôi cũng được chị may cho một bộ đồ rất vừa ý. Lúc đó, hằng tháng, chúng tôi được cấp 100 đồng sinh hoạt phí, lãnh đạo và lính đều như nhau, lấy tiền ra mua hơn 3 mét vải ú may đồ.

Xóm có mấy ngôi nhà quay lưng ra đầm Thị Tường đã chuyển lên phía vườn, bụi tre sau nhà chú Chín Tỷ, nơi bộ phận hiệu thính hằng ngày lên sóng với Liên Tỉnh uỷ, đã biến mất.

Ðường vào Mà Ca quanh co, đến nhà má Tô Thị Chức, còn gọi má Chín, nơi anh Nguyễn Ngọc Sanh, Phan Ngọc Sến - Bí thư Tỉnh uỷ ở, chỉ gặp được người con gái. Má đã mất, người con trai Lâm Quốc Hùng đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, thờ phụng. Dấu ấn của Tỉnh uỷ khi ở đây là chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là tháng 9 và 11/1963.

Ở nhà má Chín, tôi còn có câu chuyện riêng. Một ngày tháng 4/1965, tôi trở thành chàng rể của Văn phòng Huyện uỷ Năm Cứng. Cô dâu, chú rể được ngồi trên 2 cái ghế đẩu đặt sát đầu bàn dài, chủ lễ là anh Nguyễn Ðức Ngoan (Hai Phong), Bí thư Huyện uỷ. Chi phí cho cuộc thành hôn chỉ cặp vịt của anh chị Hai Thi bên Ðất Cháy cho. Ranh giới giữa đơn giản và nghèo cận kề nhau.                  

Trên đường về Ðất Cháy, xã Phong Lạc (xã cũ), "lính già", "lính trẻ" râm ran suốt. Có lúc tôi cũng hơi ngượng miệng vì luôn nhắc đến những câu chuyện cũ. Thỉnh thoảng thấy Thu Thảo lấy sổ ra ghi chép. Tôi nói mà như thoáng buồn, lớp trẻ bây giờ ít đọc sách quá, hồi chiến tranh sách rất thiếu thốn, hễ có là đọc ngấu nghiến. Trong lứa chúng tôi, có người đã thuộc lòng truyện ngắn “Mối tình năm cũ” của Nguyễn Mai; thuộc cả câu nói để đời của nhân vật Pa Ven trong "Thép đã tôi thế đấy": “Ðời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi hổ thẹn”...

Ở nhà anh Bào Văn Hùng, cháu nội má Năm, nơi nuôi chứa nhiều lượt Bí thư Tỉnh uỷ, có cả tướng Ðồng Văn Cống, Tư lệnh Quân khu 9 đến làm việc. Cái hầm hình vuông bằng bê tông cốt thép ở góc vườn cho lãnh đạo tránh bom được gia đình đào lên và dịch chuyển đặt sát cạnh nhà. Khúc xóm gần Kênh Hai (Sư Bính), năm bảy gia đình đều có cơ quan ở. Anh Phan Ngọc Sến ở nhà chú Nguyễn Văn Ngươn (Bảy Ðăng); Văn phòng ở nhà anh Dương Văn Tám. Trở lên đầu kênh là đội phòng thủ. Ghé nhà anh Dương Văn Quảng, con trai chú Dương Văn Tựu (người có ngón đờn kìm rất thảnh thót, có những chiều chúng tôi xúm lại học ca vọng cổ), chỉ mấy chốc mấy anh em ở gần đều có mặt, ai nấy đều nhắc chuyện cũ. Tất cả những bậc là chú, là anh đều qua đời do tuổi cao, riêng anh Dương Văn Tám, cán bộ Căn cứ Tỉnh uỷ đã hy sinh. Cộng với người anh thứ Năm nên mẹ anh được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chuyến xe lại lần mò tìm đến gia đình anh chị Năm Nghĩa ở biền sông Ông Ðốc, bên bờ kênh Năm Thâu, nơi đây chúng tôi đã ở khá dài. Tiếc là gia đình anh chị Năm Nghĩa sau giải phóng 1975, đã chuyển về huyện Giá Rai (nay thuộc tỉnh Bạc Liêu). Trên bờ kênh Công Ðiền, nhà ông Nguyễn Văn Trí, 81 tuổi, nơi nuôi chứa Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Ðáng (Tư Hườn), gia đình sẵn sàng hiến 2 cái lu cho Bảo tàng để làm hiện vật. Ở Công Ðiền, Chà Là, cách vàm xáng Thị Kẹo chừng 2 cây số, xéo bên kia sông Ông Ðốc là kênh Công Nghiệp và Cống Ðá. Tháng 11/1965, những bông lúa mùa bắt đầu chín bói, đàn cá rô thay nhau nhảy đớp mồi, việc cải hoạt của chúng tôi là bắt cho được nhiều cào cào để làm mồi, sáng câu cá rô để chiều ăn và ngược lại.

Nguyễn Chí Tâm, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Trần Văn Thời, và một cán bộ cùng lên xe với chúng tôi, chạy một mạch đến Rẫy Mới, kênh Tư Mầu, cặp bìa rừng sông Mỹ Bình. Tại nhà ông Lê Phương Hồng (Tư Hồng) nguyên cán bộ Tôn giáo vận thời chống Mỹ, đã có 2 lần cơ quan Tỉnh uỷ đến ở. Lần thứ nhất từ năm 1957-1959, trong căn nhà này, tháng 8/1959, anh Nguyễn Phong Triều (Út Triều) nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ dự thảo lời hiệu triệu toàn dân nổi dậy đồng khởi năm 1960. Lần thứ hai, chỉ thời gian ngắn, ngày 25/8/1961, anh Phạm Quang Long (Tư Vui) cán bộ Mã thám đầu tiên của Văn phòng Tỉnh uỷ đã hy sinh vì viên đạn trọng liên trên chiếc máy bay “cồng cộc” ở mé ô rô bên bờ kênh trước mặt nhà ông. Căn nhà 3 gian cột cặm, nền đất, lợp lá không còn, thay vào đó là ngôi nhà tường khá lớn nhưng lại cửa đóng then gài, tường lạnh, rêu phong. Ông đã mất, yên nghỉ sau vườn nhà, thánh giá trước mộ nói lên một cuộc đời kính Chúa - yêu nước. Con trai duy nhất của ông cùng đàn cháu nội đang công tác, học tập và mưu sinh ở TP Cà Mau.

Xe lại đi về hướng Tân Ðức, Tân Thuận, Quách Phẩm (huyện Ðầm Dơi) tìm nơi cơ quan Tỉnh uỷ ở thời kỳ chống Pháp năm 1946-1947, theo phát hiện của Phòng Văn hoá - Thông tin huyện và ông Nguyễn Phước Thẩm (93 tuổi), năm 1954 nguyên là Tổng đại lý phát hành báo Nhân Dân miền Nam. Chúng tôi len lỏi qua các xóm Mồ Côi, ngọn Cột Nhà, Ðầu Trâu, Bà Hính... Tại nhà ông Lưu Ngọc Cứ, xóm Mồ Côi, chúng tôi đã được cháu nội ông cung cấp những thông tin về thời gian cơ quan Tỉnh uỷ đóng tại đây. Ở Bà Hính, đã xác định được địa điểm mà Trường Ðảng của tỉnh đóng trên phần đất của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ngương có 3 người con là liệt sĩ. Năm 1950, Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ lần thứ III của tỉnh tổ chức tại nơi này.

Theo chỉ dẫn của cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà bà Võ Thị Gương, 84 tuổi, Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng, ở ấp Tân Phước, xã Tân Ðức, cháu nhiều đời của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Gặp mặt, vỡ lẽ ra đó là Út Liễu, tên bí danh thời trước của chị. Xúc động, thân tình, tôi nhắc lại chuyện cũ sau hơn 60 năm xa cách. Khoảng tháng 10/1959, là đoàn viên thanh niên lao động, chị bị địch bắt, tra tấn, tù đày. Ra tù, Út Liễu được chuyển địa bàn hoạt động. Tôi không nhớ cơ duyên nào chị lại đến tá túc ở Văn phòng Huyện uỷ Tư Kháng, đang ở khu rừng Cái Nháp. Chỉ khoảng 2 tháng, căn chòi của chúng tôi luôn ngăn nắp, sạch sẽ; bữa cơm thêm ngon, quần áo rách có người vá. Có Út Liễu, chúng tôi phải cặp lá, bọc ni lông làm chỗ tắm, thêm dây phơi quần áo cho lịch sự, đàng hoàng.

Ở xã Ðất Mới, Năm Căn, chúng tôi được chiếc vỏ lãi đưa đi hàng chục cây số qua rạch Ông Do, Cây Thơ, Bù Mắt, Tắc Năm Căn. Hỏi nhà chú Tám Thiện ở Cây Thơ có con trai tên Trực, Tiếp, Cơ, Quan, nơi Văn phòng Tỉnh uỷ ở tháng 12/1962 thì những người xung quanh đáp lại bằng cái lắc đầu. Xuống Tắc Năm Căn, gặp con trai chú Tư Thân, nguyên Chánh trị viên Ðoàn Văn công Cà Mau những năm 1960 thì chỉ biết, thời đó bí mật lắm, trong ngọn có cơ quan ở nhưng đâu vào được. Cuộc Hội nghị an ninh mở rộng ở rạch Bù Mắt tháng 10/1967 chỉ đoán được khúc rạch, chứ khó tìm ra điểm chính xác. Liệu ở bìa rừng rạch này, nơi Ðoàn Nghĩa Hiệp (Năm Nhựt), cán bộ Mã thám bị trúng bom hy sinh, có ngôi nhà ngói đỏ nào mọc lên để chứng minh cho cái giá của độc lập, tự do?

Chương trình của các chuyến đi luôn dày đặc, cường độ rất cao. Có chuyến sáng Năm Căn, chiều Phú Tân; sáng Cái Nước, chiều Trần Văn Thời. Có ngày đến 13 giờ chiều mới tấp vô quán nhỏ bên đường, vét nồi chia nhau mấy dĩa cơm đạm bạc. Có lần trời chạng vạng, còn đang lục tìm cái tên Năm Lợp, cán bộ căn cứ, chúng tôi đã xác định được khu vườn ông Nguyễn Văn Hảo ở Chín Bộ là nơi Tỉnh uỷ mở hội nghị mở rộng. Có lúc 7 giờ đêm còn trao đổi với anh Phạm Thanh Liêm, cháu ngoại ông bà Quách Lễ Ngãi, còn gọi là Chủ Ngãi ở Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời về địa điểm cơ quan Tỉnh uỷ ở những năm 1950... Những lúc thấy cường độ làm việc và đi lại nhiều, các cháu trong đoàn đều hỏi tôi: “Bác có khoẻ không?”. Dù đã thấm mệt nhưng tôi lại nói cứng: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ”, vậy là cả đoàn tiếp tục lên đường. Lại rất cảm động, mỗi lần cuốc bộ, xuống bậc cầu, thềm nhà..., Thanh Mộng và Thu Thảo đều cặp kè dìu tôi cho vững bước. Qua mỗi chuyến đi, tiếp xúc, ngoài cái gặt hái lớn nhất là xác định được những địa chỉ đỏ, bản đồ Căn cứ Tỉnh uỷ trong 2 cuộc kháng chiến rõ dần, tôi còn có cơ hội làm quen với các bạn trẻ mới, có học, có kiến thức và cả thân tình.

Tìm lại dấu cũ, nhưng cảnh vật và con người đều đổi thay. Người lớn thì cứ lớn, cứ sinh sôi, người già thì lần lượt đi vào đất. Ðường, cầu mới; sông, rạch, kênh mương được nạo vét, cộng với sạt lở rộng ra; nước trắng đồng tôm, lúa chín vàng vùng ngọt, một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Cuộc tìm về dấu cũ không hề dễ, nhưng nhờ hồn thiêng của đất, bao dung của lòng người mách bảo, chúng tôi đã đền đáp được món nợ lịch sử hơn nửa thế kỷ. Nay mai, tấm bản đồ địa chỉ đỏ sẽ hoàn thành, ra mắt công chúng, những chuyến đi của chúng tôi sẽ khép lại, người lính già ít có cơ hội tái ngộ. Trong tâm tưởng, tôi nghĩ mình may mắn làm được điều có ích quãng cuối đời./.

Tháng 10/2023

 

Nguyễn Thái Thuận

 

Thị trấn mang tên một dòng sông

Trên dải đất hình chữ S, có rất nhiều dòng sông, mỗi dòng sông mang dáng vẻ riêng. Có con sông mang tên đẹp như thiếu nữ: sông Nhật Lệ, Sông Hương. Có con sông nghe tên đã thấy rất oai hùng: Sông Mã. Nhiều con sông mang tên miền đất mà nó chảy qua như: sông Sài Gòn, sông Thái Bình... Riêng con sông quê tôi, đặc biệt hơn, mang tên một nhân vật lịch sử: sông Ông Ðốc. Thị trấn quê tôi vinh dự được mang tên một dòng sông - thị trấn Sông Ðốc!

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

Sản phẩm OCOP và các dự án khởi nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ chủ thể OCOP từ việc hình thành, nâng hạng sản phẩm đến tiếp cận thị trường.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà tỉnh quan tâm hàng đầu và chỉ đạo sát sao trong những năm qua. Bằng những quyết sách thiết thực, sự huy động sức mạnh tổng hợp từ Mặt trận, đoàn thể, các cấp, các ngành, địa phương; bằng những giải pháp sinh kế hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời, đã cơ bản giải được bài toán thoát nghèo và câu chuyện tái nghèo.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo - Bài cuối: Tăng cường phối hợp, ngăn chặn tái nghèo

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước; theo đó, tỉnh chỉ đạo kỳ quyết nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nhiều khó khăn của chủ thể

OCOP và khởi nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, và mỗi câu chuyện sản phẩm lại mang đến nhiều suy ngẫm cho cơ quan quản lý hỗ trợ vượt khó.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức

Thời gian qua, các ngành, các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP và khởi nghiệp.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.