Ðể phục vụ trưng bày tại lễ kỷ niệm 70 năm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 (dự kiến vào tháng 11/2024, tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, do tỉnh tổ chức), nhiều tháng qua, Bảo tàng tỉnh Cà Mau tích cực tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan sự kiện, với mong muốn góp phần tái hiện giai đoạn lịch sử đậm dấu ấn của dân tộc.
- Thư ngỏ tặng hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử Tập kết ra Bắc năm 1954
- Hiện vật “kể chuyện” tập kết
- Kết nối, trao tặng tư liệu, hiện vật là trách nhiệm
Đến thời điểm này, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 85 tư liệu, hiện vật và 38 hình ảnh. Ðể có được từng ấy “của quý”, hơn nửa năm qua cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã cật lực làm việc trong âm thầm và nhiều vất vả.
Ðến thời điểm này, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 123 hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954. Mỗi kỷ vật đều chứa đựng những câu chuyện cảm động về hiện vật, về người đi sưu tầm hiện vật.
Chị Trần Thị Thanh Tuyền, Tổ trưởng Tổ Sưu tầm hiện vật năm 2024, Bảo tàng tỉnh Cà Mau, chia sẻ, kế hoạch sưu tầm được thực hiện từ đầu năm 2024. Ban đầu cái khó là không biết cô chú nào từng đi tập kết, phải lần dò tìm kiếm, hỏi thăm qua nhiều người, nhiều nguồn, nhiều mối quan hệ... dần dần mới có thông tin một số cô chú, rồi từ đó kết nối thêm.
“Có được thông tin, chúng tôi tổ chức tiếp cận ngay. Mình khơi nguồn để cô chú kể về kỷ niệm và tìm hiểu xem cô chú còn hiện vật gì, tư liệu gì, rồi trình bày mong muốn sưu tầm phục vụ trưng bày nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc”, chị Tuyền bộc bạch.
Cũng theo chị Tuyền, không phải cứ tới một lần là gặp được cô chú. Cũng không phải cô chú nào cũng có kỷ vật. Và có khi phải gặp gỡ cô chú đến mấy lần, phải khơi lại chuyện xưa... thì mới phát hiện được các kỷ vật mà cô chú còn lưu giữ.
Khi đến nhà chú Nguyễn Anh Sơn (học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, hiện ngụ tại Khu Dân cư phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) lần thứ 2, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm thêm được 8 hiện vật; trong đó có quyển sổ ghi lại những mẩu chuyện về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (Bảy B), là người con Cà Mau tập kết ra Bắc.
Bên cạnh đó, cũng có những nhân chứng tổ sưu tầm biết được rất tình cờ, từ câu chuyện khác, các mối quan hệ khác, như trường hợp Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, hiện ngụ tại quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ; kỷ vật sưu tầm được là chiếc la bàn.
Thiếu tướng Trần Văn Niên nay đã 91 tuổi, quê quán tỉnh Kiên Giang. Ông là bộ đội, tập kết ra Bắc năm 1954 và được phân công chiến đấu giúp bạn trên đất Lào. Thời gian sau, ông được điều động trở về Nam (trên "Tàu không số", cập bến Cà Mau) và nhận nhiệm vụ tại Quân khu 9. Chị Tuyền biết được ông cũng là cơ duyên và phải qua sự giới thiệu, kết nối của gần 10 người.
“Chúng tôi lên tận Cần Thơ để gặp bác Tư Niên. Khi khơi nguồn chuyện tập kết thì ông khóc. Ông nói hồi giờ chưa có ai tới nhà nhắc về chuyện này. Rồi ông quyết định tặng cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau chiếc la bàn mà ông được nhận khi chiến đấu trên đất bạn Lào và giữ suốt từ năm 1960 đến giờ”.
Cũng qua lời kể của chị Tuyền, lúc đó, chiếc la bàn đã được người con trai của ông ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, thấy kim bị đứng nên đem về nhà sửa. “Chúng tôi kết nối điện thoại với con trai bác và anh bảo, hoặc cho địa chỉ anh gửi, hoặc anh mang lên nhà bác Tư ở Cần Thơ rồi Bảo tàng lên nhận sau. Vì nôn nóng có được hiện vật ngay, chúng tôi điện về xin phép thủ trưởng cho đi luôn xuống Kiên Giang tiếp nhận hiện vật. Có lẽ đây là tuyến đường đi nhận hiện vật xa nhất trong đợt này”, chị Tuyền chia sẻ.
Chúng tôi được chị Tuyền cho xem đoạn clip tâm sự của Thiếu tướng Trần Văn Niên khi ông quyết định tặng chiếc la bàn cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau. Không ít lần ông lau nước mắt vì xúc động khi phải xa lìa kỷ vật đã gắn bó với ông gần suốt cuộc đời. Nhờ nó mà ông xác định được vị trí, phương hướng trong những ngày luồn rừng, băng đèo, vượt suối trong chiến đấu, nhất là địa bàn xa lạ trên đất bạn Lào. “Ðây là kỷ vật thiêng liêng nhất trong cuộc đời bác Tư, bác định giữ nó mãi bên mình. Nhưng trước yêu cầu tuổi tác, giữ chắc không được bao lâu nữa, nên trao lại cho Bảo tàng Cà Mau... Các cháu hãy bảo vệ nó, coi nó là một kỷ vật quý của bác Tư gởi lại cho đất Cà Mau”, giọng ông nghẹn ngào xúc động.
Cũng có những hiện vật không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử mà còn có giá trị hiện kim rất lớn, phải đôi lần tới lui mới tiếp nhận được. Như trường hợp chiếc vòng vàng của vợ chồng Ðại tá Hồ Vinh Quang và bà Nguyễn Bích Lan, ngụ tại Cần Thơ (mà trong bài “Hành trình kỳ diệu của một kỷ vật”, trên báo Cà Mau ngày 7/6/2024, tác giả Phạm Hải Nguyên đã nói đến).
“Khi chúng tôi lên thì chú Quang đã mất gần 2 năm. Cô Lan đã kể về chiếc vòng đầy kỷ niệm này. Bảo tàng thấy đây là hiện vật rất quý về mặt lịch sử, đồng thời có giá trị về mặt hiện kim nên cũng chưa dám đặt vấn đề xin hiến tặng. Nhưng rồi cơ may, sau đó gia đình đã đồng ý trao tặng cho Bảo tàng Cà Mau và chúng tôi lên lần nữa để tiếp nhận hiện vật”, ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, thổ lộ.
Qua tiếp cận, nhắc lại chuyện tập kết, cô Ðàm Thị Ngọc Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Hồ Thị Kỷ, TP Cà Mau, cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, đã lần lượt trao tặng cho Bảo tàng tỉnh rất nhiều hình ảnh, hiện vật về học sinh miền Nam trên đất Bắc. (Trong ảnh: Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, tiếp xúc, tìm hiểu về hiện vật cùng cô Ðàm Thị Ngọc Thơ).
Ông Sơn cũng cho biết, Bảo tàng tỉnh đang tiếp tục công việc sưu tầm và xúc tiến lập kế hoạch để trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh tại thị trấn Sông Ðốc trong sự kiện khánh thành cụm Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 và lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện này.
Hiến tặng kỷ vật đã giữ bên mình gần suốt cuộc đời, với các nhân chứng là điều không phải dễ, bởi mỗi hiện vật là những câu chuyện như phần máu thịt của đời họ. Dẫu vậy, ý thức được lợi ích chung, dù có đắn đo, bịn rịn... các cô chú đã quyết lòng trao lại cho Bảo tàng, như sự gửi trao niềm tin và trách nhiệm.
Chị Tuyền tâm tình: “Ðược nghe các cô chú kể lại cuộc sống trên đất Bắc, cái tình người miền Bắc dành cho người miền Nam là mình đã xúc động. Khi các cô chú đem hiện vật giữ tới 60-70 năm ra trao lại cho Bảo tàng là mình thêm một lần xúc động. Luôn cả các cô chú và anh chị em sưu tầm, có từng lúc đã rơi nước mắt”.
Cà Mau là vùng căn cứ địa cách mạng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rất nhiều cơ quan, như Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Nam Bộ và các cơ quan trực thuộc đóng trên vùng đất này. Bến sông Ông Ðốc là điểm tập kết không chỉ của cán bộ, bộ đội, học sinh trong tỉnh mà của cả vùng Nam Bộ. Vì vậy, nơi đây chứa đựng nhiều kỷ niệm, ân tình của nhiều người. Những kỷ vật trao lại cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau, ngoài giá trị lịch sử còn mang ý nghĩa sâu nặng về tình đất, tình người. Và mỗi kỷ vật không chỉ là câu chuyện về hiện vật mà còn có câu chuyện về việc sưu tầm hiện vật. Ẩn chứa trong đó là công sức, tấm lòng, cái tâm, cái tình, tinh thần trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với lịch sử ở những người làm công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng tỉnh Cà Mau./.
Huyền Anh - Trầm Nghĩ