Để cầm trên tay những hiện vật, tư liệu của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc là cả một hành trình dài với nhiều kỷ niệm xúc động của những cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh Cà Mau.
- Thêm tư liệu quý về sự kiện tập kết
- Những trường trung học kháng chiến Nam Bộ chuẩn bị đi tập kết tháng 10/1954
- Chôn giấu vũ khí lúc tập kết
- Nhớ ngày đi tập kết
- Cải tạo diện địa khu tập kết
Lắng nghe và thấu cảm
Chị Lê Cẩm Nhung, chuyên viên Bảo tàng tỉnh, kể với chúng tôi rằng, mỗi chuyến đi để tiếp xúc với nhân chứng lịch sử và nhận được hiện vật trao tặng là câu chuyện giàu cảm xúc. Ðôi khi phải chuẩn bị tâm lý vì tưởng trắng tay, nhưng rồi lại vỡ oà vì có được cả gia tài quý báu.
Một trong số đó là hiện vật của Thiếu tướng Trần Văn Niên. Ðể gặp nhân chứng lịch sử này, chị Nhung và những người bạn đồng hành đã phải qua nhiều lớp lang mối quan hệ. Thiếu tướng Trần Văn Niên là người tham gia tập kết tại Cà Mau ở Chắc Băng, năm nay ông rất lớn tuổi nên bị lãng tai, nhiều bệnh nên trong quá trình giao tiếp khá khó khăn. Chị Nhung kể: “Chúng tôi phải nói lớn, phải tác động và gợi nhiều tình tiết để giao tiếp. Hầu như các hiện vật của bác Niên đều đã tặng cho Bảo tàng Quân khu 9. Chúng tôi nghĩ chuyến đi này đã là công cốc. Ngồi nói chuyện với bác một hồi lâu, bác bảo với chúng tôi: “Tôi có một vật mà tôi nghĩ mình sẽ mang theo nó đến khi trút hơi thở cuối cùng, bởi nó như một người bạn không thể tách rời. Hiện vật đó đã theo tôi đi tập kết, theo tôi trên các chiến trường. Ðó là chiếc la bàn, tôi giữ sát trong người”. Tuy nhiên, khi nghe Bảo tàng Cà Mau đến để sưu tầm hiện vật, bác lại sẵn sàng mang ra. Chúng tôi vô cùng xúc động. Lúc đó, chiếc la bàn bị hư kim nên bác giao cho người con trai ở Kiên Giang giữ và tìm chỗ sửa. Bác bảo với chúng tôi: “Tôi chỉ còn một kỷ vật cuối cùng này, nghĩ rằng nó sẽ chôn theo mình khi mất. Nhưng tình cảm của tôi luôn hướng về quê hương Cà Mau, đã có những ngày gian khổ tại Cà Mau nên tôi muốn có gì đó kết nối với Cà Mau, vì vậy, tôi trao lại kỷ vật này". Khi được bác đồng ý, chúng tôi đã từ Cần Thơ theo chân người con rể của bác dẫn đường sang Kiên Giang để gặp con trai của bác nhận hiện vật. Chúng tôi đã đi từ sáng đến tối, qua nhiều ngõ ngách, cả ngày chỉ ăn có mỗi một cái bánh bao chay, để nhận được hiện vật này. Khi cầm được hiện vật, bác đã nhờ người nhà gọi cho chúng tôi, vì bác muốn nhìn thấy hiện vật này lần cuối trước khi nó theo chúng tôi về Cà Mau. Khi nhìn thấy chiếc la bàn qua màn hình điện thoại, bác đã khóc. Bác hỏi người con rể là chiếc la bàn đã sửa được chưa và yêu cầu chụp hình gửi về cho bác". Chị Nhung chia sẻ, khi bác nói đến quê hương Cà Mau, bác đã khẳng định đây là nơi đùm bọc, che chở mình và bác đã có một khoảng thời gian hoạt động cách mạng không thể quên ở đây, nơi mà tình người và tình đất đã là một phần trong cuộc đời mình.
Anh Lê Minh Sơn (thứ ba từ trái sang) và chị Lê Cẩm Nhung (thứ năm từ trái sang) trong buổi gặp gỡ cựu học sinh miền Nam tại TP Hồ Chí Minh để sưu tầm tư liệu về sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954. (Ảnh Bảo tàng Cà Mau cung cấp)
Cái khó của những người làm công tác thu thập hiện vật, tư liệu là những khoảnh khắc đi sưu tầm, tiếp xúc nhân chứng phải hết sức bám sát với chủ đề trưng bày. Nếu không tập trung và chắt lọc sẽ không biết điểm nhấn ở đâu. Ðôi khi họ phải đi những chuyến rất dài mới tiếp cận được một nhân chứng hay một hiện vật liên quan sự kiện. Cùng với công tác sưu tầm, việc lắng nghe, chọn lọc thông tin đòi hỏi sự kiên trì và tinh tế trong giao tiếp.
Qua mỗi chuyến đi, người làm công tác sưu tầm càng hiểu nhiều về sự hy sinh và tinh thần cách mạng của các cô, các chú ngày xưa. Chị Nhung xúc động nói về chuyến đi Thới Bình với một câu chuyện thật đặc biệt, đó là hình ảnh người vợ của liệt sĩ Trần Danh: “Chú là bộ đội tập kết ra miền Bắc. Vào năm 1961, chú về miền Nam. Chú kết hôn vào năm 1963 và có 2 con. Cô có 4 năm làm vợ. Cả hai có hứa hẹn về tương lai rất đẹp: “Sau này em không phải làm gì cả, chỉ ở nhà lo cho con”, “Dù mình nghèo nhưng mình sẽ cho con mình ăn học đến nơi đến chốn”, “Ðứa con gái lớn sẽ làm bác sĩ”, “Ðất nước không bao lâu nữa sẽ hoà bình”... Cô giữ lời hẹn ước đó, nhưng đến năm 1967 chú đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt. Một mình cô đã phải gồng gánh nuôi 2 người con, trong đó 1 người con đã bị nhiễm chất độc da cam. Cô đã ở vậy đến tận bây giờ để chăm sóc 2 con. Khi nghe Bảo tàng có công tác sưu tầm, cô đã nói người con rể liên hệ với chúng tôi để tặng tư liệu, hiện vật liên quan đến chú. Trong lúc lắng nghe cô kể về quá khứ, tôi rất cảm động về tình vợ chồng son sắt thuỷ chung. Cô năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng khi nhắc đến người chồng của mình, cô đều gọi là “ảnh”, y hệt như chú vẫn còn bên cạnh cô. Cô chú không thực hiện được ước mơ cho con gái học đại học, nhưng cháu ngoại nay đã làm bác sĩ. Kỷ vật cô tặng cho Bảo tàng là những quyển sách liên quan đến chặng đường chiến đấu của chú đã đi qua”.
Bảo tàng tỉnh Cà Mau kết nối, sưu tầm hiện vật, tư liệu tập kết ra Bắc tại Cần Thơ. (Ảnh Bảo tàng Cà Mau cung cấp)
Vượt lên khó khăn bằng tâm huyết
Trong quá trình sưu tầm hiện vật, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp sức, cộng hưởng của những tấm lòng luôn luôn hướng về lịch sử, hướng về truyền thống, đội ngũ anh chị em Bảo tàng đối mặt nhiều khó khăn, vất vả. Trong đó có yếu tố thời gian, đã hơn nửa thế kỷ nên những ký ức của nhân chứng cũng dần phai. Ðây là rào cản rất lớn cho anh em tiếp cận, nhiều nhân chứng đã không còn nên phải tiếp cận qua gia đình. Nhiều nhân chứng còn sống nhưng cao tuổi sức yếu, những ký ức của họ rất dễ quên nên phải xâu chuỗi lại. Việc kết nối với những nhân chứng này là không hề đơn giản.
Anh Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Vì muốn được gặp nhân chứng này thì phải lần theo đầu mối và được sự giới thiệu của những nhân chứng trước. Chúng tôi thường xuyên gặp cảnh đi gặp người này nhưng phát sinh thêm buổi gặp với người khác. Anh em trong Bảo tàng phải đi qua nhiều địa phương, trong tỉnh, ngoài tỉnh. Từ những địa phương ở vùng sâu, vùng xa đến những thành phố lớn, đòi hỏi sự kiên trì và nhạy bén trong giao tiếp, đặc biệt là tạo được niềm tin với nhân chứng thì họ mới trải lòng mình”.
Trong quá trình tiếp xúc nhân chứng lịch sử, các nhân viên Bảo tàng gặp không ít những giọt nước mắt và những nỗi đau trong quá khứ của nhân chứng khi họ nhớ về một khoảng thời gian trong quá khứ, những ký ức sống động về cuộc chiến, những người đã hy sinh, những người ở lại. Tất cả nội dung đó được những người làm công tác sưu tầm lắng nghe, tôn trọng và tiếp nhận, xem đó là một trách nhiệm lớn lao để có sự đồng cảm, tâm huyết của những người làm công tác sưu tầm.
Những hiện vật quý giá của các nhân chứng lịch sử đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau sau mỗi chuyến đi. (Ảnh Bảo tàng Cà Mau cung cấp)
Anh Lê Minh Sơn nói thêm: “Một trong những lần rất đặc biệt đi sưu tầm, có nhiều chuyến, anh em Bảo tàng đọng lại cảm xúc, đó là sự kiện đi gặp một nhân chứng qua lời giới thiệu của những nhân chứng khác tại TP Cần Thơ. Cả cô và chú đều là những người trực tiếp đi tập kết. Cô chú gặp nhau ở miền Bắc. Khi chúng tôi đến, chú vừa mất mấy tháng, cô giao những hiện vật rất quý của chú, trong đó có những hiện vật khiến chúng tôi không dám xin, không dám gợi để được tặng, vì nó vừa có giá trị tinh thần lại vừa có giá trị về kinh tế. Ðó là chiếc vòng nặng khoảng 3 chỉ bằng vàng thật. Chúng tôi chỉ dám nghe câu chuyện chứ không dám mở lời xin. Ngay ngày giỗ của chú, cô đã họp lại với 2 người con để trao kỷ vật lại cho Bảo tàng với câu nói đơn giản: “Bảo tàng giữ thì còn mãi, gia đình giữ sợ rằng mai sau không còn””.
Nhiều lần, những người làm công tác sưu tầm phải đối mặt với những sự từ chối và sự nghi ngại. Bởi vì đã lâu rồi, không ai đến gặp hay nhắc lại, gợi lại những ký ức của họ. Tuy nhiên, với sự tận tuỵ và tấm lòng chân thành của anh em Bảo tàng, đa số những cô chú đã trải lòng mình và tặng cho Bảo tàng những tư liệu và hiện vật rất quý giá. Nhờ thế, gia tài vô giá cho ngày Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc đồ sộ hơn bao giờ hết./.
Lam Khánh