Đối phương rút đi, gỡ máy đèn và phá ống nước, huỷ hoại nhiều công trình công cộng nhằm gây khó khăn cho ta. Ta giành lại máy điện, sửa chữa máy nước, sửa các công trình cộng đồng, bảo vệ cầu, sửa đường sá, dọn dẹp rác rưởi và cất thêm trường học.
- Tái hiện 200 ngày tập kết ra Bắc tại huyện Thới Bình - Tiếp lửa truyền thống
- Những trường trung học kháng chiến Nam Bộ chuẩn bị đi tập kết tháng 10/1954
- Chôn giấu vũ khí lúc tập kết
- Nhớ ngày đi tập kết
Hầu hết khu vực tập kết của ta rộng lớn, từ chợ đến quê gần 11 ngàn ki-lô-mét vuông phơi phới dưới tự do, âm vang lời ca tiếng hát của thanh - thiếu niên và anh Bộ đội Cụ Hồ. Nơi nào cũng có cờ bay trên nóc phố, nóc trường học, công sở, nhà dân và doanh trại bộ đội. Những điệu vũ: “Chiến binh ca vũ khúc”, “Mùa hoa nở”, “Chúc thọ Bác Hồ”, “Mừng hoà bình”, “Kết đoàn”, “U Minh vầy đoàn”, “Nông tác vũ”, “Hải quân Liên Xô”, “Hải quân Trung Hoa”... cùng hoà ca vọng cổ có điệu bộ và nói thơ Bạc Liêu. Những cuộc đốt lửa trại, họp bạn, liên hoan văn nghệ, điền kinh thể thao và chiếu phim thâu đêm suốt sáng với “Anh hùng phi công Liên Xô”, “Bạch Mao Nữ”, “Chiến dịch biên giới”, “Ðiện Biên Phủ”... làm nô nức lòng người, vô hiệu và loại trừ bọn mai phục phá rối.
Tàu chở bộ đội và cán bộ đi tập kết tại địa điểm tập trung. Ảnh tư liệu
Toàn khu tập kết có 875 trường học, có cả trường cho con em đồng bào Khmer, bao gồm trường cũ ta sửa lại và cất thêm trường mới. Giáo viên, cán bộ, bộ đội tham gia các lớp tập huấn sư phạm ngắn ngày của Nha Giáo dục Nam Bộ. Ta mở hơn 200 lớp học bình dân và hàng trăm đội chống dốt, xoá 75% số người chưa biết chữ. Ta cất thêm 24 trạm y tế, nhà bảo sanh, điều trị hơn một vạn lượt người khỏi và giảm nhiều bệnh tật. Ðặc biệt, phương pháp "cấy phi-la-tốp” được nhiệt liệt hoan nghênh, bà con từ Sài Gòn và các tỉnh, thành khắp nơi đến để được “cấy phi-la-tốp”.
Các trường cấp tốc đào tạo giáo viên, y sĩ, hộ sinh, ca vũ và nhiều ngành nghề hợp pháp khác được tổ chức, vừa phục vụ trước mắt, vừa chuẩn bị sau ngày ta giao khu tập kết lại cho đối phương. Ðây là những ngày đồng bào Cà Mau thật sự sống trong tự do hạnh phúc!
Từ khi ta tiếp quản, những tệ nạn cờ bạc, hút á phiện, đĩ điếm, chửi lộn, nói tục, trộm cắp... gần như mất hẳn. Ra đường lượm được của rơi, tìm đến cơ quan giao nhờ chuyển cho người mất. Nhà thơ Dương Tử Giang trong bài “Giữ dạ sắt đinh” có câu:
“Nhà không đóng cửa giấu đồ
Ra đường gặp của tìm cho lại liền”
Nhiều phái đoàn và cá nhân thuộc giới trí thức, nghệ sĩ, nhà báo, tôn giáo từ Sài Gòn và nhiều nơi khác đến Cà Mau tham quan, thốt lên: “Việt Minh hay thật". Hằng ngày cán bộ trực ban các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội phải có chương trình tiếp xúc với khối lượng khách “Tìm hiểu Việt Minh”, “Tìm hiểu Ðảng Lao động Việt Nam” và “Khu Cà Mau giải phóng”. Hầu hết đều hài lòng, điều này tạo thuận lợi cho ta những năm sau... Hai trăm ngày ngắn ngủi của một cuộc chiến tranh thần thánh chống xâm lược diễn ra ở Cà Mau xứng đáng được lưu dấu bền lâu trong sử sách, cũng là niềm tự hào về phía chiến thắng. Bởi, tại khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau, Ðảng bộ và quân dân ta biểu hiện rõ bản chất anh hùng và truyền thống hào kiệt của dân tộc.
Về giao thông, vùng tập kết Cà Mau tăng tiến lạ thường, nhịp độ chuyển quân rộn rịp, thu hút bạn bè, thân nhân của hàng vạn chiến sĩ, cán bộ, tạo một khối lượng giao thông mới. Lộ Ðông Dương 16, sau là Quốc lộ 4 (Quốc lộ 1A), trước đây mỗi ngày 2 chuyến xe đò, bấy giờ lên 16 chiếc chạy suốt ngày đêm. Xe chở hàng từ 4 chiếc lên 16 chiếc. Tàu, ghe máy từ 100 chiếc lên hàng ngàn chiếc. Trên bộ, dưới sông như lòng người, dấy lên một nhịp sống ngàn năm được đánh thức, bắt gặp hiện tại và mở hướng tương lai, tạo cho Cà Mau 200 ngày tập kết có một vẻ đẹp không tả hết, vẻ đẹp truyền sâu lý tưởng cách mạng vào tận tim người./.
Nguyễn Bá