(CMO) Khuyến khích trẻ hoạt động theo nhiều cách khác nhau, tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ trải nghiệm, khám phá, giúp trẻ tự tin và mạnh dạn hơn, các sản phẩm trang trí lớp, bài tập, trò chơi kích thích tư duy, trí tuệ… là những hiệu ứng tích cực từ chuyên đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm mang lại sau 3 năm được triển khai thực hiện tại huyện Phú Tân.
Hài hoà giữa học và chơi
Đến nay, toàn huyện Phú Tân có 8/10 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là động lực quan trọng cho các trường thực hiện hiệu quả chuyên đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm.
Trường Mẫu giáo Hương Giang (xã Việt Thắng, huyện Phú Tân) hiện tại là trường duy nhất của huyện Phú Tân đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ngoài đồ dùng học tập trong lớp được các cô giáo tự trang bị, môi trường giáo dục bên ngoài được nhà trường chú trọng xây dựng. Phòng chức năng, thiết bị máy móc, đồ chơi bên ngoài phòng học được trang bị đầy đủ. Điều kiện dạy và học đầy đủ hơn, vừa đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ, vừa đảm bảo sĩ số trên lớp đúng chuẩn để dạy và học hiệu quả.
Cô Lê Thị Diệu, Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Giang, cho biết: “Trước đây trường chỉ có 3 phòng học, nhưng từ năm 2015 được xây dựng nâng lên 8 phòng. Nhờ được đầu tư đồng bộ nên chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ được nâng lên. Đặc biệt tạo môi trường thông thoáng, an toàn hơn để thực hiện hiệu quả phương pháp giáo dục mới là lấy học sinh làm trung tâm”.
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất, thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện tổ chức hội thi, kiểm tra để giáo viên trao đổi kinh nghiệm. Toàn huyện hiện có 153 giáo viên ở bậc mẫu giáo. Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phú Tân Nguyễn Thị Thuý Chiều nhìn nhận: “Đầu tư cơ sở vật chất chỉ là điều kiện cần, vai trò của giáo viên mới chính là điều kiện tiên quyết trong chuyên đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm. Huyện Phú Tân có một điểm mạnh chính là đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt huyết, việc tiếp cận với những nội dung mới, các vấn đề mới rất nhanh nhạy… Điều này quyết định thành công trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ”.
Trẻ được tạo điều kiện khám phá môi trường thiên nhiên bên ngoài. |
Cô Trịnh Á Chăm, giáo viên Trường Mẫu giáo Hương Giang, cho hay: “Khi thực hiện chuyên đề này, các hoạt động của trẻ dựa trên đồ dùng học tập là chính, vì vậy, giáo viên phải tự tìm hiểu và làm nhiều đồ dùng khác nhau. Ngoài ra, mình thoát ra được cách dạy học truyền thống gò bó học sinh, thường xuyên trao đổi để hiểu được tâm tư, sở thích của từng bé, từ đó hướng các bé đến những hoạt động phù hợp, hình thành cho trẻ sự tự tin để các bé tự do trong tìm hiểu giữa học và chơi”.
Tự do khám phá, trải nghiệm
Trước đây, theo cách dạy và học truyền thống, học sinh được thực hành theo sự sắp xếp của giáo viên, hoạt động theo khuôn khổ nhất định thì ở chuyên đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên chỉ là người hướng dẫn và gợi mở, học sinh tự lựa chọn những hoạt động trải nghiệm tuỳ theo sở thích, khả năng của mình; Đặc biệt là trong kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hoạt động tương tác với bạn, với cô giáo.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Tân Hải, huyện Phú Tân), bọc bạch: “Trước đây nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy, đồ dùng và thiết bị phục vụ hoạt động cho các cháu còn ít và học sinh rất sợ cô. Nhưng khi được thoải mái hoạt động và khám phá, các bé dần giao tiếp thoải mái và cởi mở, tự tin hơn. Đặc biệt là khả năng tự ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ tại trường được trẻ làm tốt hơn, trẻ ăn xong biết dọn chén, biết tự đi rửa tay, thay quần áo, đánh răng, rửa mặt...”.
Các hoạt động vui chơi giúp trẻ thêm tự tin và mạnh dạn hơn. |
Tại một lớp mẫu giáo, các hoạt động trong lớp được bố trí theo từng góc và mang tính gợi mở, trẻ dễ dàng lựa chọn và sử dụng đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm theo hứng thú riêng của mình. Bên cạnh các góc hoạt động trong lớp, môi trường ngoài lớp như cây xanh, đồ chơi trang trí, sắp xếp phải đáp ứng được mục đích phục vụ và nội dung giáo dục trẻ, bố trí từng khu vực theo độ tuổi của bé.
Theo chân các em cùng khám phá môi trường tự nhiên xung quanh, giáo viên sẽ gợi mở các câu hỏi để học sinh trực tiếp quan sát và trả lời. Ngược lại, học sinh cũng có những thắc mắc qua các sự vật, sự việc của tự nhiên mà các cháu khám phá được. Cô Lê Mỹ Tiên, giáo viên Trường Mẫu giáo Hương Giang, chia sẻ: “Khám phá tự nhiên là hoạt động quan trọng trong dạy học lấy trẻ làm trung tâm. Các khu vực quanh nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng không gian để trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng. Khi ra ngoài hoạt động, các cháu rất tò mò, thích thú và có những câu hỏi rất thực tế từ những điều các cháu quan sát được”.
“Dạy học lấy trẻ làm trung tâm được chia làm 2 môi trường giáo dục. Đó là môi trường vật chất trong và ngoài lớp. Sự kết hợp giữa 2 hoạt động trải nghiệm đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ có thể chơi mà học, học mà chơi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, tỷ lệ trẻ học bán trú toàn huyện Phú Tân hơn 50%. Việc rèn luyện những kỹ năng khám phá, giúp trẻ tự tin hơn và có thể tự phục vụ bản thân rất cần thiết, góp phần nâng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”, bà Nguyễn Thị Thuý Chiều phấn khởi cho biết./.
Kim Chi