(CMO) Từ những chia sẻ và bài học thực tiễn của mô hình "hội quán" ở tỉnh Đồng Tháp, tại Hội thảo phát triển HTX theo mô hình liên kết chuỗi giá trị (vừa được Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp tổ chức), Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử lưu ý: Các địa phương trong tỉnh nên tiếp cận tìm hiểu, học hỏi, áp dụng mô hình này để quy tụ nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo mô hình HTX kiểu mới.
Được biết, "hội quán" của tỉnh Đồng Tháp là một hình thức tập họp tự nguyện những người nông dân sản xuất cùng ngành nghề để chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Dù mới thành lập chưa lâu nhưng mô hình này đã có sức lan toả trong cộng đồng. Từ hội quán đầu tiên thành lập ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, vào tháng 6/2016, đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 68 hội quán với 3.836 thành viên.
Nông dân chia sẻ kinh nghiệm chọn mua tôm giống. (Ảnh chụp tại xã Tắc Vân, TP Cà Mau). |
Tại Hội thảo phát triển HTX theo mô hình liên kết chuỗi giá trị vừa được Liên minh HTX phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp không ngại đường xa đến dự và chia sẻ kinh nghiệm. Ông cho biết, hầu hết các hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như trồng lúa, cây ăn trái, hoa kiểng, nuôi lươn… Các hội quán hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, không có một tổ chức chính trị nào điều hành, các thành viên tự bầu chọn ra một chủ nhiệm, tự tổ chức các buổi hội họp thường kỳ để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, gắn kết quan hệ làng xóm. Qua hội quán, các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, cách kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu nông sản.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, hội quán không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa nông dân với nhau hay giữa người dân với chính quyền, mà còn là kênh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Thúc đẩy liên kết chính là một trong những vấn đề cốt lõi trong đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh, bởi vì chưa giải xong bài toán liên kết giữa nông dân với nhau thì lời giải bài toán liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa có đáp án. Chỉ khi các hộ nông dân tìm được tiếng nói chung thì sản xuất mới mang tính tập trung, đảm bảo được vùng nguyên liệu lớn hơn cho các doanh nghiệp, sản phẩm không bị thương lái ép giá.
Bên cạnh đó, hội quán cũng chính là cách để nông dân cùng chung tay phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao ý thức người dân trong gìn giữ đường làng, ngõ xóm. “Đây chính là cách chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của nông dân. Ngoài ra, hội quán còn là nơi “kích hoạt” sự đổi mới, sáng tạo của nông dân và cũng là nơi các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đến hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng, cung cấp những thông tin hữu ích về thị trường để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản", ông Hiếu cho biết.
Đồng thời, mô hình hội quán cũng đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở. Qua đây, tạo thuận lợi cho công tác phối hợp để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội quán còn là nơi để các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội lồng ghép thông tin các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương.
Như vậy, thực tiễn hoạt động của các hội quán ở Đồng Tháp cho thấy, một mô hình liên kết tự nguyện, không biên chế, không ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả, Cà Mau cần học hỏi và nhân rộng./.
Trung Đỉnh