ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:49:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hương biển ven đường

Báo Cà Mau (CMO) Gió biển lồng lộng cũng không thổi hết mồ hôi rịn trên trán, người phụ nữ đã thấm mệt mà đường về vẫn còn nhiều vòng vèo qua cua dốc biển.

Chị lầm lũi đẩy xe trong đêm tối. Cái xe nặng trịch như đè bẹp sức gồng của cánh tay phụ nữ. Ngửa tay xin tiền chắc gì ai cho khi bộ đầm dạ tiệc trên người chị lấp lánh dưới ánh đèn đường nhao người qua lại. Chị chỉ còn biết ráng sức mà đi trong vô vọng, ngượng ngùng và tự trách. Giá như chị đừng sơ sót đeo túi xách mà không mặc áo khoác bên ngoài, giá như chị để cái điện thoại vào túi áo đầm, giá như bỏ hết túi xách vào cốp xe thì an toàn biết mấy, giá như chị nhớ đổ xăng lúc rời khỏi nhà hàng… Bao nhiêu cái “giá như” làm chồng chất thêm cái nặng trĩu lên sức người phụ nữ đang cố gắng gồng mình theo từng vòng bánh xe lê lết.

Lưng áo đã ướt đẫm, mắt cay sè dù gió biển đêm vẫn lả lơi dạo lướt. Chị dừng lại, gạt chân chống xe, vuốt mặt, ngồi thở. Bao người vẫn lướt qua. Sao không ai là người quen với chị? Chị đưa mắt thẫn thờ kiếm tìm với tia hy vọng nhỏ nhoi. Xui thế là cùng! Lúc hoạn nạn này sao lại chẳng ai thân quen vô tình gặp chị? Mới lúc nãy họ còn tay nâng ly cười cười nói nói em em chị chị… Giờ ngồi bơ vơ ven đường giữa thành phố biển đêm lung linh nhộn nhịp, chị thấy mình thật lẻ loi cô độc. Mất tiền… mất điện thoại… xe hết xăng… Mấy thứ này khiến chị lao đao khốn khổ đường về… Chị chợt giật nảy mình, thảng thốt kêu lên một tiếng khan, rồi bất ngờ thổn thức nức nở như tiếc nuối một thứ quan trọng hơn hết thảy. Tấm hình… Tấm hình hai mẹ con chị lúc thằng bé sáu tuổi, chị đã giữ mười mấy năm rồi…

Rồi chị cũng tự mình vượt ra khỏi ngục tù đau khổ của sóng lòng sau một hồi rưng rức miên man ân hận. Đường về! Phải về thôi! Chị lại tiếp tục đẩy xe tiến tới.

Bốn tên giang hồ vẫn ngồi ăn bún như thường lệ, lần này chỉ kêu sáu tô chứ không tám tô như mọi lần. Câu chuyện rôm rả của bọn chúng đang dần chuyển sang chủ đề cuộc sống của các hiệp sĩ đường phố hàng ngày và những cuộc vây bắt cướp.

Trang múc xong tô bún đưa cho thằng Đen đem ra bàn, lại lia tay dọn dẹp lau chùi đồ dùng. Âm thanh xôn xao từ bàn bọn giang hồ lúc được lúc mất cũng cho cô hiểu lối sống của chúng giờ đang dần khác với ngày đầu đến đây, chúng đang tích cực hơn để sống có ích hơn. Cô nhìn ra đường, chợt thấy người phụ nữ phía xa chậm chạp lê vòng bánh xe sắp tiến đến vỉa hè nơi cô bán. Thấu hiểu sức người phụ nữ yếu ớt trước cái nặng của chiếc xe, Trang dừng tay, bước nhanh ra lề đường.

Chị ơi, xe chị bị sao vậy? Chị vô đây ngồi nghỉ đi, đừng ngại - Trang ân cần hỏi han.

Người phụ nữ mệt lả chợt sựng lại, ngạc nhiên nhìn Trang. Thấy thái độ quan tâm từ tốn, chị thở hì như xả được nỗi nhọc mệt căng thẳng. Chị đáp trong hơi thở ngắt quãng.

Xe chị… hết xăng…

Minh hoạ:  Minh Tấn

Trang mỉm cười, bước đến đẩy phía đuôi xe.

Chị dựng xe ngồi nghỉ đi, em hổng tính tiền gì đâu mà chị sợ. Em thấy chị mệt lắm rồi đó, chắc chị đẩy xe lâu lắm hả?

Nãy giờ chị đẩy xa lắm mới tới đây… - Người phụ nữ nói như thều thào.

Chị dựng xe rồi ngồi đây nghỉ chút đi chị, hổng sao đâu. Lát em có cách cho chị.

Mắt người phụ nữ sáng lên niềm vui rạng rỡ, lòng chị chợt ấm áp lạ thường, ngạc nhiên, hồi hộp chờ đợi. Bước đến cái bàn cạnh bốn tên giang hồ, Trang kéo ghế mời chị ngồi, rót ly nước đá lạnh.

Cây xăng ở trong đây chút hà chị, giờ này chắc còn bán mà. Để lát đứa cháu đem xăng về đổ vào xe cho chị, khỏi dẫn nữa, phụ nữ mà dẫn chiếc xe nặng, tội nghiệp lắm!

Lời của Trang như suối mát chảy vào cõi lòng khô cạn nóng ran những bế tắc bi thương. Người phụ nữ cố kìm nén xúc động, ngập ngừng, nghèn nghẹn giọng.

Chị bị giật cái bóp… mất hết tiền… điện thoại…

Trang chợt hiểu ra nỗi niềm đau khổ mà người phụ nữ sang trọng đang ngồi trước mặt cô ngại ngần không dám nói. Trang đặt ly nước vào tay chị, nói bằng giọng đầy ngạc nhiên, nhưng vẫn an ủi, lạc quan.

Thôi, hổng sao đâu. Chị uống nước đi, lát em đổ xăng cho về. Không bị té ngã gì là may mắn lắm rồi đó chị. Chị ngồi đây nhé! Em đi vô một chút.

Trang đứng dậy đi về phía tủ bán bún, kéo hộc tủ lấy tiền đưa cho thằng Đen, nói nhỏ vào tai nó. Thằng Đen hiểu ý, không hỏi thêm gì, nhanh chóng gạt chân xe đạp rồi phóng vèo ra đường.

Người phụ nữ vừa nhấm ly nước đá lạnh, vừa nhìn theo Trang. Nước mát ngấm vào tim, vào dạ xoá sạch cái nóng ran não nề ban nãy, cô bán hàng bún ven đường này lại có thể làm tan mớ hỗn độn đầy những sợ hãi lo lắng mệt nhọc khiến chị thân sơ thất sở trong cô đơn mù mịt. Tự dưng chị được cứu vớt bởi một người dưng xa lạ sống đạm bạc đơn sơ, không hề có trong danh sách giao du của chị. Nơi bán ven đường của cô nho nhỏ bằng một phần góc sân nhà chị, lợi nhuận cả tháng chắc cũng chưa thấm vào đâu so với những bữa tiệc sang trọng nơi nhà hàng tráng lệ, ngay cả bộ váy lung linh trên người chị cũng nằm trên tạp chí mà cô bán hàng vẫn hay nhìn thấy. Song, cái đẳng cấp thượng lưu mà chị sở hữu lại đang ở nhà, xa hẳn chị và chẳng thể cứu cánh cho chị vài xị xăng để chạy xe về tới nhà.

Bốn tên giang hồ lộn xộn đứng dậy ra lấy xe. Thằng câm quơ tay la ải ải rồi leo lên ngồi phía sau. Hai chiếc xe gắn máy rồ ga lao đi. Người phụ nữ nhìn theo rồi hớt hãi chạy ra đường, bàng hoàng đứng ngó theo hướng hai chiếc xe mất hút, chị quýnh quáng muốn kêu lên điều gì đó…

Trang hoảng hốt chạy ra.

Sao vậy chị? Mấy thằng đó ăn cướp hả?

Hông, hông phải. Mấy thằng đó… có thằng bị câm…

Dạ phải, trong nhóm đó có thằng câm. Tụi nó ăn ở đây hoài hà.

Vậy hả? Em biết tụi nó hả? Cho chị gặp nó đi! Đi đi em, chỉ chị gặp nó đi. Chị đội ơn em đó, chị đội ơn em ngàn lần…

Người phụ nữ nắm lấy tay Trang, lắc lắc, giọng như van xin, nức nở xen lẫn mừng vui khôn xiết. Đến lượt Trang ngạc nhiên, bàng hoàng nhìn chị, cô bối rối trước tâm trạng khó hiểu của chị. Theo dòng nước mắt mặn đắng xót xa, đứa con trai bị câm nhảy nhót tung tăng đi theo đoàn múa lân lễ hội, chị cố đuổi theo thì nó lại càng trốn biệt trong dòng người nghìn nghịt xe cộ. Đêm đó cách nay đã mười lăm năm, trong chuyến du lịch của mẹ con chị tận Quy Nhơn, cũng là ngần ấy năm tháng chị tìm con trên đủ mọi phương tiện. Kỷ vật sót lại là tấm hình mẹ con chị chụp ngày hôm đó trên bãi biển, chị luôn mang theo bên mình mỗi ngày, rồi cái bóp cũng bị giật mất lúc ban nãy.

Thằng Đen đem bình xăng về tới. Người phụ nữ vẫn chưa muốn rời đi dù đã trao đổi số điện thoại của Trang và chị. Vẫn một câu như van lơn cầu khẩn, chị nắm tay Trang như trao trọn hy vọng cuối cùng.

Em nhớ tìm cách hỏi giùm thằng câm nghe em! Chị đội ơn em đó, Trang ơi! Ráng hỏi giùm chị nghe em, chị hy vọng nó là con chị - Chị đưa tay gạt nước mắt.

Chị Hiếu yên tâm đi! Em liên hệ được là em cho chị hay liền hà. Chị đừng lo!

Cả tuần sau đó, ngày nào Trang cũng mong ngóng bốn tên giang hồ tới ăn bún “chùa” như mấy tháng nay đã đến. Lần này sao tụi nó vắng lâu vậy không biết, tự dưng Trang thấy nhớ tụi nó, dù mỗi lần ghé là hết mấy tô bún “chùa” thế cho “tiền bảo kê” cái vỉa hè nơi cô bán. Thôi kệ, coi như bữa đó nồi bún bán mau hết hơn một chút, cũng đỡ hơn cô phải nộp cho chúng tiền triệu mỗi tháng. Nhưng từ ngày Trang hỏi chúng sao không đi làm hiệp sĩ đường phố giúp xã hội an ninh hơn, dường như khơi dậy đúng bản chất anh hùng thích ra tay nghĩa hiệp đã bị vùi lấp sâu dưới cái ngông nghênh quậy phá, nay được dịp trồi lên mạnh mẽ. Khải cầm đầu cả nhóm đã nói chuyện với Trang từ tốn hơn, không còn đe nẹt như ngày đầu. Chúng cũng biết nhường nhịn chờ đợi khi đông khách và quan tâm tới những người bị cướp giật trên đường.

Nè, bà chị. Cái bóp này phải của bà dẫn xe hôm nọ không?

Trang giật mình dừng tay lau bàn, nhìn lên thấy Khải đang chìa cái bóp đen về phía mình. Cô vui mừng muốn kêu lên rồi tự cười mình.

Ủa, nhóm em đi đâu hổm rày hổng ghé?

Tới lượt Khải trố mắt nhìn Trang tỏ vẻ không hiểu sao cô lại quan tâm tới sự vắng mặt của chúng.

Bọn này đi du lịch mới về. Có gì không bà chị?

Trang không quan tâm tới cái bóp, mà đưa mắt nhìn ra xe, nơi thằng câm đang ngồi, hỏi khẽ.

Em em, cho chị hỏi, em trai đó tên gì vậy? Em gặp em trai đó ở đâu, lâu chưa?

Khải nhìn thằng câm, giọng tỉnh bơ.

Nó bị câm, tên gì hổng biết, tụi này kêu nó bằng thằng Nhơn, là tại gặp nó ở ngoài Quy Nhơn mấy năm trước, cho nên kêu nó bằng thằng Nhơn luôn.

Trang há hốc miệng, mừng đến không cười nổi.

Trời ơi… nó là con của chị đẩy xe bữa hổm đó. Chỉ lạc con mười lăm năm nay rồi.

Khải chưng hửng nhìn Trang, rồi nhìn ra thằng câm ở ngoài đường. Trang chỉ chỉ vào cái bóp trên tay Khải, nói khẽ.

Nếu đúng là cái bóp này, biết đâu tấm hình trong đây còn, chị Hiếu nói trong bóp có tấm hình hai mẹ con chụp chung.

Khải vội vã mở cái bóp ra, vạch tới lui giữa mớ giấy tờ lộn xộn. Tấm hình nhỏ nằm sát vách sau lớp màng nhựa hiện ra. Trang và Khải nghiêng tấm hình qua lại. Chị Hiếu với đôi mắt và khuôn mặt tròn đầy là điểm duy nhất Trang nhận ra nét thanh xuân còn sót lại của chị Hiếu sau bao năm tháng lặn ngụp trong đau khổ vì mất con.

Đúng là hình của chỉ rồi nè! - Trang nói như reo lên.

Khải cũng ngờ ngợ ra mặt, liền đưa tay ngoắc lia lịa. Thằng câm hiểu ý bước lại gần. Khải đưa tấm hình cho thằng câm xem.

Đột nhiên thằng câm giằng lấy tấm hình, miệng la ai ải, nét mặt như khóc mếu máo, ôm chặt tấm hình vào ngực, chạy tới chạy lui, tâm trạng hoảng loạn. Khải và Trang nhìn nhau, chắc là thằng câm đã nhìn ra được người trong hình. Tiếp xúc lâu ngày nên Khải biết cách trấn an dỗ dành thằng câm bình tĩnh lại trong khi Trang vội vã gọi điện thoại.

Sau cái ôm chầm và những giọt nước mắt mừng vui, chị Hiếu và thằng câm ngồi trò chuyện theo cái cách chỉ hai mẹ con mới hiểu.

Ở bàn bên cạnh, Trang tò mò hỏi Khải.

Sao em có cái bóp này vậy?

Bữa đó tụi này thấy hai thằng kia đảo đảo trên đường… nghi nghi… bám theo… đột nhiên tụi nó bỏ chạy… được một khúc… quăng lại cái bóp này… chỉ còn giấy tờ.

Tụi em là hiệp sĩ hả?

Hiệp sĩ gì đâu bà chị ơi! Từ lúc nghe bà chị nói làm hiệp sĩ giúp đời, giúp người, thấy mình nhông nhông bụi đời quậy phá cũng uổng tuổi trẻ. Ờ mà, trả bà chị tiền bún tụi này ăn hồi đó giờ nè!

Khải vừa nói vừa móc ra mấy tờ tiền đưa cho Trang. Trang nhìn Khải chăm chăm không phản ứng gì. Thấy vậy, Khải dúi tiền vào tay Trang, phân trần.

Bà chị tốt bụng, cho tụi này “ăn chùa” đúng lời cam kết ban đầu, nể phục. Nghĩ lại, hồi đó cả đám bắt chẹt tiền bảo kê quán bún của bà chị cũng thấy sai sai, may là bà chị đổi bún thế tiền, tụi này có bún ăn no bụng ban đêm. Bún ngon lắm! Thôi bà chị cầm giùm, nhiêu đây chắc đủ tiền bún hồi đó giờ hén!

Giọng chị Hiếu chợt vang lên từ phía sau.

Trang ơi, chị sẽ giúp em một chỗ bán tốt hơn. Em đừng từ chối, tính ra hồi đó giờ chị đi tìm con, còn nhiều hơn tiền mua cái nhà nữa. Chị sẽ hỗ trợ con em đi học, thằng bé hôm bữa đi mua xăng đó.

Dạ, thằng bé đó… mẹ nó bỏ đi… em thấy tội nghiệp nên nuôi luôn. Thêm một đứa trẻ được yêu thương, sẽ thêm một người tốt cho xã hội.

Hả! Sao lòng em bao la như biển vậy? Em làm chị bất ngờ quá! Thôi, mấy đứa cũng được, chị hỗ trợ hết.

Chị đừng đền ơn em. Em chỉ thấy giúp được ai thì giúp thôi. Chị làm em ngại quá! - Trang phân trần.

Bà chị xứng đáng được nhận mà. Tụi này mới ngại nè, ăn quỵt dài hạn, xấu hổ ghê! Tạ tội sau này với bà chị nhé - Khải cười xoà.

Hương biển mằn mặn quyện trong gió đêm ve vuốt những gương mặt hân hoan nhìn thằng câm khoa chân múa tay la ai ải chạy vòng vòng ôm chầm lấy từng người, mắt ngời lên nụ cười ấm áp./.

Hồ Huỳnh Hạnh

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.