(CMO) Hạn hán, xâm nhập mặn, đất đai ngày càng cằn cỗi, môi trường ô nhiễm… là những thách thức đặt ra cho nông dân trong điều kiện sản xuất hiện nay. Từ đó, nông dân buộc phải xây dựng cho mình những mô hình sản xuất bền vững với sự tiếp sức của các cấp, các ngành.
Mấy năm gần đây, nông dân huyện Phú Tân bắt đầu quan tâm đến những mô hình sản xuất có tính bền vững, không chạy theo lợi nhuận từ con tôm như trước đây.
Tôm công nghiệp giảm
“Tôm công nghiệp” là cụm từ nông dân dùng để chỉ loại hình nuôi tôm mà ngành chuyên môn gọi là nuôi tôm thâm canh. Loại hình này chủ yếu sử dụng ao không trải bạt, có quạt và các điều kiện khác. Khoảng 5 năm trước, loại hình này phát triển khá rầm rộ, có lúc trên địa bàn huyện Phú Tân diện tích nuôi tôm công nghiệp lên đến hơn 3.500 ha. Thực sự lúc này, lợi nhuận khủng từ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp là động lực cho nông dân ùn ùn làm đầm nuôi tôm. Song, sau những vụ thất bại, thiếu vốn, chưa đủ kinh nghiệm và điều kiện nuôi… làm nhiều người nản lòng. Những ai có điều kiện thì chuyển hẳn lên nuôi siêu thâm canh, năng suất và hiệu quả cao hơn. Số còn lại chuyển sang nuôi quảng canh, sử dụng ao đầm nuôi cua, cá kèo hoặc thuỷ sản khác.
Diện tích nuôi tôm công nghiệp ao đất ở huyện Phú Tân hiện nay còn 1.253 ha, chỉ bằng khoảng 1/3 so những lúc cao điểm năm 2016, 2017. Theo đó, toàn huyện có hơn 480 ha ao đầm nuôi tôm siêu thâm canh. Những hộ này phần lớn đạt hiệu quả khá.
Một số hộ khác san ủi đầm, chuyển về nuôi quảng canh cải tiến hoặc đa cây, con. Diện tích nuôi quảng canh cải tiến trong huyện hiện nay hơn 20.156 ha. Loại hình này được nhiều nông dân chú trọng, kể cả những hộ trước đây từng nuôi tôm công nghiệp. Lợi thế của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến là chi phí thấp, kỹ thuật phù hợp với điều kiện của nông dân, năng suất ổn định và có thể kết hợp nuôi các loại thuỷ sản khác trên cùng diện tích. Trong đó, nhiều nông dân còn sản xuất theo hướng bền vững, sử dụng cây cỏ thiên nhiên để cải tạo môi trường, tái tạo nguồn thức ăn cho tôm nuôi… hoặc áp dụng loại hình nuôi 2 giai đoạn kết hợp. Từ đó năng suất ổn định hơn.
Nhiều nông dân san ủi đầm tôm công nghiệp để trở về nuôi quảng canh. |
Riêng một số hộ nông dân cũng sử dụng ao đầm cũ để nuôi cua, cá kèo… đảm bảo có thu nhập ổn định.
Tăng gia sản xuất đa cây, con
Đáng chú ý là hiện nay nhiều nông dân trong huyện Phú Tân bắt đầu chú trọng sản xuất bền vững. Nhiều bà con thực hiện hiệu quả loại hình sản xuất đa cây, con trên vùng mặn. Phổ biến là giữ ngọt để trồng cây ăn trái, rau màu, nuôi cá nước ngọt, lợ, vừa tạo cảnh quan mát mẻ, cải thiện môi trường sống, vừa có thu nhập. Diện tích còn lại tập trung nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp cua, cá, sò huyết.
Với những hộ có đất kha khá, tầm trên dưới 1 ha, phần lớn đều có những khu vườn nho nhỏ trồng dừa, ổi, xoài, mận, thanh long kết hợp rau cải, cá… Với sự tiếp sức của các cấp, các ngành chuyên môn, hội, đoàn thể…, người nông dân từng bước áp dụng, thực hiện hiệu quả mô hình đa cây, con. Đồng thời, tìm ra mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, khả năng của gia đình mình.
Theo ông Nguyễn Minh Chiến, ấp Má Tám, xã Việt Thắng, hầu hết bà con ở đây đều có diện tích đất khá rộng. Nhiều người cùng thực hiện đa cây, con. Nuôi tôm quảng canh kết hợp với cua, cá, sò…, đồng thời khôi phục lại diện tích vườn để trồng dừa, cây trái, hoa màu, rau cải, nuôi cá nước ngọt. Loại hình sản xuất này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Chính vì thế, thu nhập ổn định.
Như vậy, trong điều kiện hiện tại, đa cây, con là hướng đi hợp lý nhất cho nông dân. Đây là hình thức ổn định, đảm bảo về môi trường sản xuất và đời sống cho nông dân. Nó còn là mô hình ổn định trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn mặn như hiện nay./.
Quốc Hiệp