(CMO)Tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, phụ nữ xã Phú Thuận (huyện Phú Tân) đã tạo ra loại rượu trái giác nguyên chất mang tên “Rạch Láng quê em”. Dù mới thành lập tổ hợp tác (THT), nhưng phụ nữ xã Phú Thuận đã tạo được tiếng vang lớn khi mang đặc sản truyền thống từ thiên nhiên quảng bá khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Người khởi xướng và thực hiện mô hình này là chị Phạm Hồng Thu (ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận). Vì muốn tạo điều kiện cho chị em có công ăn việc làm nên chị Thu đã tập hợp phụ nữ ở địa phương đi hái trái giác để bán cho mình với giá 10.000 đồng/kg. Mỗi tháng chị Thu mua được 40-60 kg trái giác, tạo thu nhập cho lao động nữ nhàn rỗi.
Trái giác được phụ nữ xã Phú Thuận hái trong tự nhiên. |
Cuối năm 2020, chị Thu đã thành lập THT với 5 thành viên và đăng ký hộ kinh doanh. Chị Thu trăn trở: “Hiện tại rượu trái giác chỉ làm nhỏ lẻ, chưa mở rộng được thị trường, mong muốn làm sao sắp tới có đầu ra ổn định để tạo việc làm cho chị em tại địa phương. Cũng mừng là hôm rồi sản phẩm được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mang ra hội chợ hàng Thái Lan bán, được nhiều khách hàng ở các tỉnh bạn mua và đánh giá cao”.
Công đoạn rửa sạch trái giác sau khi hái. |
Trái giác sau khi rửa sạch sẽ được cắt và loại bỏ phần không cần thiết. |
Trái giác ngâm cùng với đường phèn, lên men tự nhiên, tạo thành rượu trái giác nguyên chất, rất bổ dưỡng cho sức khoẻ. |
Ðể làm ra rượu, trái giác sau khi hái được rửa sạch và ngâm chung với đường phèn, giữ ở nhiệt độ bình thường và lên men tự nhiên, khoảng 5 tháng là có thể sử dụng được. Hiện mỗi tháng THT của chị Thu làm ra hơn 50 lít rượu trái giác, bán với giá từ 150.000-200.000 đồng/lít. Vì rượu trái giác nguyên chất nên ai thưởng thức cũng công nhận sản phẩm chất lượng./.
Ðặc sản rượu trái giác “Rạch Láng quê em” đã có nhãn mác và thương hiệu, giúp người tiêu dùng an tâm khi lựa chọn. |
Nhật Minh