Con đường rộng 1,5 m, nối xã Tân Thuận với các địa phương khác trong huyện Ðầm Dơi hình thành từ 3 năm trước đã xoá thế cô lập của xã bãi ngang ven biển Tân Thuận. Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Trần Văn Tỉa chia sẻ: “Từ năm 2013, khi hạ tầng nông thôn của xã được đầu tư (đảm bảo được 30% các tuyến lưu thông về trung tâm xã) đã vực dậy bộ phận không nhỏ đời sống Nhân dân. Các ấp khó khăn trước đây như: Ðồng Giác, Hoà Hải đã có sự chuyển biến rõ nét. Chỉ riêng Lưu Hoa Thanh, sau nhiều năm vẫn ì ạch với nhiều khó khăn chưa đường tháo gỡ”.
Nghị định số 71/2015/NÐ-CP ngày 3/9/2015 của Chính phủ quy định các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển, trong đó, tỉnh Cà Mau có 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện có khu vực biên giới biển. Các địa phương này nằm dọc từ cửa biển Gành Hào, xã Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi) trải dài đến cửa Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Hạ tầng thấp kém cộng với di dân tự do đã và đang là gánh nặng của các xã vùng ven này. Ðể vực dậy, thay đổi cuộc sống, tư duy khai thác, nuôi trồng, cần rất nhiều sự quan tâm đầu tư và quy hoạch chiến lược trong thời gian dài.
Chỉ có khu vực từ xã Ðất Mũi đến Tiểu Dừa (thường gọi đê Biển Tây) đã hình thành tuyến đê bảo vệ vùng đất sản xuất từ các huyện: Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh và một bộ phận huyện Ngọc Hiển. Còn lại tuyến từ Ðất Mũi đến cửa Gành Hào vẫn đang đối chọi với sóng gió, sự tàn phá của thiên nhiên và con người vào dãy rừng phòng hộ. Vành đai rừng phòng hộ khu vực này ngày càng mỏng dần. Kéo theo đó là nhiều hệ luỵ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nuôi và khai thác thuỷ sản.
"Túi nghèo" ven biển
Con đường rộng 1,5 m, nối xã Tân Thuận với các địa phương khác trong huyện Ðầm Dơi hình thành từ 3 năm trước đã xoá thế cô lập của xã bãi ngang ven biển Tân Thuận. Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Trần Văn Tỉa chia sẻ: “Từ năm 2013, khi hạ tầng nông thôn của xã được đầu tư (đảm bảo được 30% các tuyến lưu thông về trung tâm xã) đã vực dậy bộ phận không nhỏ đời sống Nhân dân. Các ấp khó khăn trước đây như: Ðồng Giác, Hoà Hải đã có sự chuyển biến rõ nét. Chỉ riêng Lưu Hoa Thanh, sau nhiều năm vẫn ì ạch với nhiều khó khăn chưa đường tháo gỡ”.
Hạ tầng giao thông vẫn đang là vấn đề nóng của Tân Thuận. (Trong ảnh: Học sinh đi học bằng đò trên địa bàn xã Tân Thuận). Ảnh: P.P |
Như một người thuyết trình, ông Tỉa vẽ vào bản đồ hành chính xã những tuyến đường huyết mạch đã hình thành, đang thi công và những dự tính trong tương lai. Ông khoanh một vùng rộng giáp mép biển từ cửa Gành Hào xuống Giá Cao: “Ðây là ấp Lưu Hoa Thanh, diện tích 3.500 ha. Với quy mô này, nó tương đương với diện tích của một số xã của huyện Ðầm Dơi như: Tân Trung, Tạ An Khương Nam, Tân Dân. Ðây là ấp hội tụ nhiều “cái nhất” mà không địa phương nào có được: nghèo nhất, lớn nhất, đông dân nhất, cơ cấu dân số đa dạng nhất... chính vì thế rất cần sự quan tâm ưu tiên nhất”.
Nghề truyền thống nổi danh mỗi khi nhắc đến Lưu Hoa Thanh là nghề muối. Khu vực sản xuất muối ở đây đang còn khoảng 180 ha, năng suất đạt từ 70 tấn/ha. Ðược đánh giá là vùng muối giàu tiềm năng, thế nhưng liên tiếp nhiều vụ, muối vẫn nằm ì trong kho vì không có người mua. Diêm dân vẫn trong vòng luẩn quẩn mùa và giá. “Ước tính, hiện còn hơn 1/3 lượng muối trong diêm dân tồn kho, tương đương trên 8.600 tấn”, ông Tỉa nhẩm tính. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh muối lại chê muối nội địa và đề xuất Bộ Công thương nhập trên 100.000 tấn để phục vụ nhu cầu của người dân.
Hẩm hiu đời biển
Là địa phương vùng giáp ranh, có nhiều điều kiện phát triển kinh tế biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, sau 20 năm tái lập tỉnh Cà Mau, Tân Thuận vẫn trơ trọi, nằm đìu hiu bên dòng Gành Hào sôi động. Như một cái túi phình to, khu vực Lưu Hoa Thanh của Tân Thuận chứa đựng rất nhiều điều. Trong đó, có cả nghèo khó, kém phát triển và cả những đường hướng trong tương lai.
Tân Thuận hôm nay khó khăn là thế. Nhớ lại vào những năm 1990, khi nghề biển thịnh hành, Tân Thuận là một trong những xã có thu nhập khủng nhất trên địa bàn tỉnh Minh Hải. “Khi đó, nguồn thu của xã từ khai thác thuỷ sản có thể sánh bằng nguồn thu của cả huyện U Minh”, ông Tỉa nhắc lại thời hoàng kim.
Xã có 3 cửa sông lớn thông ra biển: Gành Hào, Ấp Hạp và Giá Cao, nhưng dân làm nghề biển vẫn chưa vươn khơi mà lâu nay vẫn luẩn quẩn ven bờ và xâm hại rất lớn đến khu vực rừng phòng hộ. Gánh nặng lớn nhất là vấn đề di dân tự do ở các cửa sông, biển này.
Dự án tái định cư của Ngân hàng Thế giới cho bộ phận ngư dân khó khăn, sống tạm bợ vùng ven biển đã hình thành. Tuy nhiên, ngay sau cấp cho bà con thì xảy ra trường hợp sang nhượng lại rồi quay về sống cuộc sống tạm bợ như ban đầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, khu tái định cư cho các đối tượng này đã có hơn 20 trường hợp sang bán và nhiều trường hợp khác bỏ nhà đi xa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có quy hoạch khoa học. Vốn dĩ, ngư dân đã quen với tập quán định canh, định cư. Trong khi quy hoạch tái định cư chỉ đảm bảo nơi ở, còn cơ chế sinh nhai họ vẫn hoạt động nghề cũ. Vả lại, mỗi ngày từ ven biển về khu tái định cư họ phải trải qua quãng đường dài, tốn kém thời gian và chi phí...
Mặt khác, nghề khai thác biển ở đây chỉ hoạt động ven bờ, hiệu quả kém. Ða phần phục vụ mua bán, sinh hoạt hằng ngày. Việc đầu tư ngư cụ vươn khơi cần nhiều tiền, trong khi phần đông dân khu vực ven biển ở đây nghèo khó, sống tạm bợ theo các tuyến rừng phòng hộ.
Chị Huỳnh Thị Gấm, 36 tuổi, ấp Lưu Hoa Thanh, trăn trở: “Khi về sống tại khu tái định cư ở ấp Lưu Hoa Thanh chỉ vỏn vẹn căn nhà. Cuộc sống vẫn bám vào nghề biển. Hiện chồng tôi đi bạn cho chủ ghe cào theo kiểu ăn chia. Các khoản thu chỉ đắp đổi qua ngày, trong khi đó còn tuỳ vào mùa biển và thời tiết. Như mấy ngày nay biển động, ghe nằm nhà. Khó chồng thêm khó”.
Ðể vực dậy tiềm năng một thời hoàng kim, Tân Thuận đang rất cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc giải quyết vấn đề dân di cư tự do, chuyển đổi ngành nghề và đầu tư vươn khơi là cần thiết nhất. “Chúng tôi đang đón niềm vui về các dự án đầu tư các công ty, xí nghiệp trên địa bàn xã. Bởi, khi hình thành công ty, cụm công nghiệp sẽ cần lượng lao động lớn phục vụ, giải quyết tình thế dư nguồn lao động và lao động làm thuê phổ thông thu nhập thấp, nghề biển bấp bênh”, ông Tỉa phấn khởi./.
Ông Tạ Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi: Tìm dự án, công trình đầu tư ở khu vực Tân Thuận Các khu tái định cư khu vực ven biển trên địa bàn huyện chưa đảm bảo vững chắc để chống chọi với mưa bão; trong khi nguồn vốn thực hiện các chính sách chủ yếu chờ kinh phí từ Chính phủ. 3 xã ven biển, trong đó Tân Thuận được công nhận là xã bãi ngang nên có nhiều chính sách và kinh phí: cơ sở hạ tầng, vốn sản xuất, BHYT... còn lại Nguyễn Huân và Tân Tiến là 2 xã đặc biệt khó khăn. Xét theo tiêu chuẩn, điều kiện xã bãi ngang, huyện đang đề xuất xin Chính phủ công nhận xã Nguyễn Huân là xã bãi ngang ven biển. Tuy các địa phương ven biển này khó khăn nhưng hệ thống trường lớp vẫn đảm bảo. Còn về xây dựng nông thôn mới thì rất khó khăn. Theo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của huyện, giai đoạn 2015-2020 huyện chưa đưa chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới ở Tân Thuận và Nguyễn Huân. Chỉ có Tân Tiến đang quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2020. Nguyễn Huân và Tân Thuận sẽ phải tiếp tục xây dựng ở giai đoạn sau. Hiện Tân Tiến còn 9% hộ nghèo, trong khi Nguyễn Huân và Tân Thuận trên 16%. Huyện còn 3 xã chưa có đường ô-tô về trung tâm, trong đó có 2 xã ven biển Nguyễn Huân và Tân Thuận. Phấn đấu đến cuối năm 2016, Nguyễn Huân sẽ hoàn thành công trình này. Còn lại Tân Thuận vẫn tiếp tục đầu tư vào các giai đoạn tiếp theo. Tại ấp Lưu Hoa Thanh, những khó khăn ở đây đang rất cần sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Huyện đang tranh thủ kêu gọi, thu hút doanh nghiệp. |
Phóng sự của Phong Phú