(CMO) LTS: Cà Mau đang trải qua một mùa hạn mặn khốc liệt chưa từng thấy. Sản xuất thiệt hại, đường - đê sụp lún, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Quy hoạch vùng ngọt ở bán đảo Cà Mau đang đứng trước lựa chọn đầy thách thức: Tiếp tục bảo vệ để thích ứng và phát triển hay tạo ra sự thay đổi khi lựa chọn giải pháp bơm nước mặn để ứng cứu hạn mặn. Dù rằng lượng nước mặn đưa vào được gợi ý là “phù hợp” và “không ảnh hưởng nhiều”, nhưng liệu những hệ luỵ phía sau đã được tính toán thấu đáo… Loạt bài “khắc nghiệt vùng ngọt” của báo Cà Mau sẽ đưa ra góc nhìn nhiều chiều về vấn đề này.
Sáng sớm 18/2, một đồng nghiệp từ huyện Trần Văn Thời điện thoại báo tin: “Đê Tây có sự cố rồi”. Ngay lập tức, chúng tôi có mặt và là người đưa tin đầu tiên về vụ việc sụp lún, trước cả mạng xã hội. Nhưng tất cả những người có mặt tại hiện trường đều không thể hiểu nổi, tại sao đê biển Tây lại có thể sụp lún thế kia.
Cũng đoạn đê 15 km từ vàm Đá Bạc đến Kinh Mới này trong mùa mưa bão, triều cường năm 2019, Cà Mau đã phải đánh chìm sà lan, dùng mọi biện pháp kè chống để ngăn vỡ, nay lại sụp lún xuống có chỗ hơn 2 m, dài hơn 100 m trong mùa khô hạn.
Cà Mau đang đứng trước hàng loạt câu hỏi hóc búa, những lựa chọn mang tính sống còn với hệ sinh thái ngọt, trong đó có quy hoạch sản xuất.
Khi “tấm khiên” bị tổn thương nặng nề
Ông Hai Sồi (Phan Văn Sồi, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây) là người sống ven đê biển Tây mấy chục năm. Ông nói: “Chưa bao giờ tôi thấy trời đất lại lạ lùng như mấy năm trở lại đây”. Sau sự cố ngày 18/2, mấy ngày sau, ông Hai Sồi điện thoại báo tin: “Đê biển Tây sụp lún tiếp rồi, lần này tới cửa nhà chú luôn mấy đứa ơi!”. Vậy là đoạn đê được tính toán xây dựng kiên cố, không chỉ ngăn hạn mặn mà còn là huyết mạch giao thông từ cửa biển Đá Bạc về cửa biển Sông Đốc, sau chưa đầy 1 năm đưa vào sử dụng đã thất thủ với hơn 200 m sụp lún và toàn tuyến báo động nguy cơ sụp lún.
Đê biển Tây là tấm khiên bảo vệ cho vùng ngọt hoá ở bán đảo Cà Mau với diện tích hơn 89 ngàn ha. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh: “Đê Tây không còn, đồng nghĩa với việc vùng ngọt hoá có nguy cơ xoá sổ”. Với Cà Mau, đó giống như một người có nguy cơ mất đi một bên chân. Ngay sau khi chứng kiến sự cố sụp lún, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Tô Quốc Nam đưa ra nhận định ban đầu: “Có thể do hạn hán quá mức, kênh nội đồng phía trong khô kiệt, phía dưới thân đê đoạn này có chứa túi bùn, do không chịu được áp lực nên sụp lún xuống và trồi bùn ra ngoài”.
Hạn mặn khốc liệt, nhiều dòng kênh ở Trần Văn Thời đã cạn khô nước. |
Ngay lập tức, Cà Mau mời các chuyên gia, bộ, ngành Trung ương về khảo sát, đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Lúc này, các con số đưa ra khiến người ta kinh ngạc về mức độ tàn khốc của mùa hạn mặn năm 2020. Cho đến thời điểm này, hạn hán đã làm thiệt hại và nguy cơ thiệt hại hơn 41 ngàn héc-ta các trà lúa. Hiện có hơn 20 ngàn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Khô hạn cũng làm sụp lún các tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài gần 22 km. Tập trung chủ yếu tại huyện Trần Văn Thời với gần 1 ngàn điểm. Như vậy, không chỉ chiếc khiên đê biển Tây bị tổn thương, mà ngay trong vùng lõi ngọt, hạn mặn cũng đang tàn phá với thiệt hại ghê gớm.
Chỉ đạo của UBND tỉnh là nhanh chóng tìm ra nguyên nhân sụp lún của đê biểnTây, khắc phục ngay sự cố, kiên quyết bảo vệ vùng ngọt hoá của Cà Mau, liên quan đến cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ gia đình. Nói như kinh nghiệm dân gian của ông Hai Sồi là: “Nắng hạn kiểu này, mưa xuống thì sạt lở phải biết. Đất khô tơi, gặp nước thì tuôn xuống hết. Hổng biết đê biển, đường sá có chịu nổi không”. Vậy nên, công tác khắc phục, dù có gấp rút đến đâu, cũng phải tính đến việc gia cố toàn tuyến, có giải pháp trước những tình huống khác nhau.
Lựa chọn sống còn
Chưa cần các nhà khoa học, những đánh giá và đề xuất của bộ, ngành Trung ương thì người dân Cà Mau cũng biết, sụp lún trong mùa hạn chỉ diễn ra gay gắt nhất ở vùng ngọt hoá. Thế nên, đề xuất đưa một lượng nước mặn “phù hợp” vào các dòng kênh trơ đáy không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Thật tình cờ, ngay trong ngày 18/2, khi trở về từ hiện trường vụ sụp lún đê Tây, chúng tôi ghé tạt vào một quán giải khát ở xã Trần Hợi, ông chủ quán hỏi rằng: “Tình hình vầy, đưa nước mặn vô phải không mấy chú?”. Và rồi, ý kiến này lại một lần nữa được nhắc lại.
Hạn hán ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất của bà con xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. |
Trở lại với câu chuyện của Cà Mau, nơi từng có ước mơ ngọt hoá toàn bán đảo. Sở dĩ khát khao này không khả thi bởi Cà Mau có địa thế 3 mặt giáp biển, nước ngọt của sông Mê Kông dù cố gắng thế nào cũng không về tới được. Thêm nữa, những mùa lũ nối tiếp nhau, ĐBSCL dần thiếu nước từ thượng nguồn, những tỉnh ở vùng tứ giác Long Xuyên hay Đồng Tháp Mười cũng trân mình trước hạn mặn. Quan điểm của tỉnh Cà Mau, theo lời Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã rõ ràng: “Quyết tâm bảo vệ vùng ngọt hoá. Tái cơ cấu sản xuất, tìm giải pháp thích ứng và thích nghi với hạn mặn”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thông tin: “Ngay vào mùa hạn mặn năm sau, sẽ tiếp nước từ công trình ngọt hoá ở sông Cái Lớn - Cái Bé để giải cứu Cà Mau”. Trước đó, công trình âu thuyền Tắc Thủ cũng được gợi nhớ lại sau khoảng 15 năm gần như quên lãng. Điều này khẳng định, giữ vùng ngọt hoá là ưu tiên cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Đây không phải là vấn đề dám hay không dám, mà nó liên quan đến cả hệ sinh thái ngập ngọt, đặc biệt là hệ sinh thái đặc trưng rừng tràm (hơn 43 ngàn héc-ta) quý giá.
Nhưng giữ hệ sinh thái ngọt, nghĩa là Cà Mau phải giải quyết ngay những vấn đề hạn mặn đặt ra. Cấp thiết là tình trạng sụp lún đường giao thông, đê biển, nước ngọt sinh hoạt cho người dân và thiệt hại trên các diện tích đất sản xuất. Sụp lún đã là thực trạng nhức nhối, khi chính Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Lê Phong nhận định: “Nếu cứ tiếp đà này, người dân sẽ rất khó khăn trong đi lại, sản xuất. Chưa kể, một số xã sẽ rớt chuẩn NTM vì hạ tầng giao thông bị huỷ hoại”. Nước không có cho hàng chục ngàn hộ dân, huống gì sản xuất lúa, hoa màu trong hạn hán. Và dù, chưa bao giờ chính thức, nhưng vẫn có một sự so sánh ngầm trong tâm lý của người dân vùng ngọt hoá với cư dân ở các vùng chuyển dịch sản xuất mặn - lợ: Đưa nước mặn vào đồng đất, để con tôm song hành với cây lúa sẽ là bước ngoặt đổi đời, đổi vận.
Thậm chí, có ý kiến dẫn ra quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL của Chính phủ, tức Nghị quyết 120, trong đó bán đảo Cà Mau thuộc vùng hạ, chủ lực là thuỷ hải sản, cây lúa không còn là ưu tiên chính nữa. Tất cả đều đặt ra những lựa chọn mang tính chất sống còn, mà nếu không đủ tỉnh táo, không đủ căn cứ thực tiễn - khoa học, không đủ tính dự báo sẽ dễ dàng dẫn đến những hậu quả mà không ai có thể lường hết được./.
Phạm Hải Nguyên
Bài 2: THÍCH ỨNG VỚI HẠN MẶN