(CMO) Trong các ý kiến bàn về việc đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá ở Cà Mau để cứu hạn mặn, Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, đã đưa ra một thông điệp rất đáng lưu ý: Với Cà Mau hiện tại, lượng nước ngọt ngầm đã suy giảm nghiêm trọng, nước mặn vào 1 năm sẽ khiến đất nhiễm mặn nặng và chỉ có thể hồi phục sau 4-5 năm. Vấn đề của Cà Mau không phải là xây dựng những công trình quy mô để ứng phó, mà chính là đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Nghị quyết 120 của Chính phủ không thể hiểu và áp dụng theo một cách rập khuôn, cứng nhắc, mà phải tuỳ vào lựa chọn cụ thể của từng địa phương. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã ký văn bản chỉ đạo các giải pháp chống sụp lún và loại trừ phương án đưa nước mặn vào. Trong đó, huy động sức dân, đồng bộ với sự vào cuộc của chính quyền.
Ngăn chặn sụp lún
Mùa hạn mặn 2020 đã cho thấy ứng phó với diễn biến khốc liệt của thời tiết chỉ là nhất thời, vấn đề là phải thích ứng, thích nghi, chấp nhận nó một cách lâu dài. Bán đảo Cà Mau nói riêng, ĐBSCL nói chung đang đứng trước 2 nguy cơ lớn: Một là mực nước biển dâng; Hai là, nguy cơ trực diện hơn, đó là sụp lún do mạch nước ngầm suy giảm, có nơi đã kiệt quệ. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn thông tin: “Hiện toàn huyện có khoảng 1 ngàn điểm sụp lún, chiều dài ước tính hơn 22 km”.
Ông Nguyễn Văn Ba, ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, mô tả vụ sụp lún ngay trước nhà mình: “Sáng tôi ngồi trước cửa, đột ngột nghe tiếng sụp lở rào rào. Căn nhà tường rung chuyển, nhìn lại thì cả mảng lộ rớt xuống mé kênh khô nước”. Hơn 80 tuổi, ông Ba cho biết, chưa bao giờ thấy cảnh tượng như vậy. Con kênh trước nhà ông cũng chẳng bao giờ cạn nước như năm nay. Còn anh Nguyễn Văn Pháo, nhà ở Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây thì kêu trời: “Hồi đó giờ đâu gặp cảnh sạ lúa xong mà tới giờ không có một hột mưa”.
Những hiện tượng mà người nông dân chưa từng thấy, nay lại diễn ra. Đó là điều bất thường, hơn hết sự bất thường này rất có thể trở thành quy luật tái diễn ở những mùa khô hạn phía sau. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết: “Sụp lún, sạt lở đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt, đi lại của người dân, nhất là ngay trong mùa thu hoạch”.
Mô hình trồng đậu xanh thích ứng với hạn hán tại xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. |
Về giải pháp khắc phục, UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, phải tính toán lại việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông vùng ngọt. Hạn chế sử dụng tài nguyên nước ngầm, khai thác đất ven sông. Mời các chuyên gia để thăm dò và đánh giá địa chất một cách kỹ lưỡng trước khi thi công. Huy động người dân chung sức gìn giữ, khắc phục các điểm sụp lún, sạt lở nhỏ.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao từ năm 2016, hiện tượng sạt lở, sụp lún bắt đầu xảy ra và đến năm 2020 trở thành vấn đề nhức nhối, dù rằng trước đó hàng trăm năm, mọi thứ vẫn yên bình. Nguyên nhân chính đã được các nhà khoa học chỉ rõ, mạch nước ngầm của Cà Mau đang bị khai thác quá mức dẫn đến suy giảm, kiệt quệ. Còn các dòng kênh khô nước chỉ là chất xúc tác. Việc những dòng sông, tuyến kênh của Cà Mau bị bức tử, không còn công dụng để vượt qua các mùa hạn lớn cũng là thực tế không thể bỏ qua. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái về ĐBSCL, cho rằng, cần phải khôi phục lại hệ thống sông ngòi sử dụng được tại Cà Mau như cách đây vài chục năm.
Tìm nguồn nước thay thế
Thuận theo tự nhiên không có nghĩa là phó mặc đất trời, mà chính là tôn trọng quy luật của thời tiết, biến thách thức thành cơ hội, tránh những hậu quả đáng tiếc. Trong cơn đại hạn, hơn 20 ngàn người dân Cà Mau thiếu nước sạch sinh hoạt. Nếu không khai thác nước ngầm thì phải tìm nguồn nước thay thế. Trong khi nguồn nước từ sông Mê Kông không (chưa thể) về tới, thì các giải pháp tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân lại là bài toán khác mà Cà Mau phải giải quyết nếu muốn thích ứng, thích nghi với hạn mặn.
Ở Khánh Hưng, Trần Văn Thời, có một xóm gần 20 nóc nhà vô cùng “nổi tiếng” vì thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Bà con ở đây không quá khó khăn về kinh tế, có điều khu vực này không thể khoan được giếng ngầm. Có nhà bỏ hàng chục triệu đồng để khoan hơn 10 mũi, xong bất lực vì vướng đĩa đá ngầm hoặc nước khoan lên không sử dụng được. Thậm chí, trai gái nơi đây lớn lên đều rất khó khăn trong chuyện dựng vợ, gả chồng vì mọi người sợ… không có nước ngọt xài. Vậy nên dự án xây hồ chứa và xử lý nước mưa của Viện Địa lý tài nguyên TP Hồ Chí Minh đã mở ra hy vọng mới cho bà con.
Nuôi cua 2 giai đoạn là lựa chọn của nông dân xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình trong mùa hạn mặn. |
Thạc sĩ Đặng Hoà Vĩnh, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu giải pháp khai thác và sử dụng tài nguyên nước mưa của các tỉnh ven biển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu” đã có những chia sẻ về dự án: “Tích trữ và sử dụng nước mưa đã được thực hiện thông qua kinh nghiệm dân gian của người dân. Đây là cơ sở để chúng tôi phát triển đề tài, bởi thực tế tài nguyên nước mưa hết sức dồi dào, chất lượng nước mưa nếu được xử lý phù hợp thì đáp ứng tốt cả việc ăn uống, sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Quan trọng nhất là tài nguyên này có sẵn, rất dễ tiếp cận, có thể áp dụng và nhân rộng dễ dàng”.
Lần trở lại Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, ông Lê Văn Dân phấn khởi: “Cái hồ mới xây đựng hơn 200 m3 nước, đã tiến hành kéo nước sông lên thử nghiệm, nước ngọt xài thoải mái rồi. Mùa mưa năm nay, hồ nước đầy, sợ gì hạn hán mùa tới nữa”. Gần 60 tuổi đời, ông Dân mới thấy cuộc sống thảnh thơi với liếp rau, vườn kiểng, mặc cho nắng hạn đổ lửa. Nhận định về khả năng hiện thực của dự án khai thác, sử dụng nước mưa tại địa bàn Cà Mau, Giám đốc Sở TN&MT Trịnh Văn Lên nhấn mạnh: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập, nguồn tài nguyên nước ngầm trở nên cạn kiệt, trong khi hệ thống cấp nước rất khó lòng phủ kín hết các vùng nông thôn xa, thì nước mưa chính là đáp án thoả đáng nhất, phù hợp nhất cho người dân”.
Một số ý kiến cho rằng, người dân Cà Mau vùng ngọt cần khôi phục lại các ao hồ trữ nước sinh hoạt như trước đây. Việc này không phải là quá tầm và hoàn toàn khả thi nếu được triển khai đồng bộ, phù hợp. Nếu như trước năm 1990, giếng khoan ngầm là một thứ xa xỉ, các ao hồ trữ nước ngọt chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, thậm chí là văn hoá của người Cà Mau, thì sự xuất hiện rầm rộ của giếng khoan ngầm (cách gọi dân gian là cây nước) lại cho thấy hậu quả ghê gớm. Đặc biệt là người dân sử dụng giếng khoan ngầm có sự hỗ trợ của các thiết bị công suất khai thác nước lớn như mô tơ điện thì việc cạn kiệt tài nguyên nước ngầm là điều khó tránh khỏi.
Gợi ý về sử dụng tài nguyên nước mưa là một gợi ý quý báu với Cà Mau trong bối cảnh hiện tại. Bởi nếu từng bước khôi phục lại được mạch nước ngầm thiếu hụt, người dân chủ động trong nguồn nước sinh hoạt và một phần cho sản xuất, có thể giải quyết tận gốc rễ tình trạng sụp lún và tình trạng đến hạn lại khát của hàng chục ngàn hộ gia đình ở Cà Mau./.
Ý kiến chuyên gia: Tiến sĩ Trương Văn Hiếu, Viện Địa lý tài nguyên TP Hồ Chí Minh: “Không nên sử dụng nước mưa từ mái hứng làm bằng típ lô xi măng vì có chứa các hợp chất gây nguy hại đến người sử dụng”. Thạc sĩ Đặng Hoà Vĩnh, chủ nhiệm “Đề tài nghiên cứu giải pháp khai thác và sử dụng tài nguyên nước mưa của các tỉnh ven biển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu” cho rằng: Cà Mau có lượng mưa bình quân hàng năm thuộc loại lớn nhất khu vực, chất lượng nước mưa tốt. Tài nguyên nước mưa sẽ là phương án hữu hiệu để người dân thích nghi và phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu”. Theo nghiên cứu của Viện Địa lý tài nguyên TP Hồ Chí Minh, hiện nay, tổng lượng nước ngọt được người dân Cà Mau sử dụng hàng năm khoảng 1,3 tỷ mét khối. Trong khi đó, tiềm năng khai thác trữ lượng nước mưa ở Cà Mau dự báo có thể đạt mức trên 8 tỷ mét khối/năm. Dự án khai thác và sử dụng tài nguyên hướng đến mục tiêu năm 2050, người dân các tỉnh ven biển ĐBSCL, trong đó có Cà Mau tự chủ được nguồn nước ngọt trong sinh hoạt, một phần cho sản xuất, tài nguyên nước mưa chính là "linh hồn" xuyên suốt cho mục tiêu này. |
Phạm Hải Nguyên
Bài cuối: “THUẬN THIÊN” ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN