(CMO) Hạ tầng chưa thật sự đồng bộ, giống cây trồng, vật nuôi có nhiều biến động về giá và chất lượng, cộng thêm thời tiết cực đoan... đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp tại huyện Thới Bình.
Thới Bình là huyện được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa cũng như nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Huyện cũng có tiềm năng và lợi thế về phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo phương thức đa canh từ quảng canh, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, có liên kết, hợp tác trên diện rộng. Tận dụng đặc điểm hai mùa mưa nắng rõ rệt và xem nước mặn, lợ là tài nguyên, nông dân trong huyện đã phát triển nhiều mô hình nuôi hiệu quả như: luân canh tôm sú - lúa, xen canh tôm càng xanh - lúa, nuôi cua xen ghép với các đối tượng thuỷ sản khác…
Tận dụng đặc điểm hai mùa mưa nắng rõ rệt và xem nước mặn, lợ là tài nguyên, nông dân trong huyện đã phát triển nhiều mô hình nuôi hiệu quả như: luân canh tôm sú - lúa, xen canh tôm càng xanh - lúa...
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, chia sẻ: “Cái khó về mặt kỹ thuật mà địa phương gặp phải thời gian qua là do chất lượng con giống, trong đó có tôm giống, cua giống không ổn định, giá cao. Ðối với lúa thì nhiều giống chịu được độ mặn thấp, lúa không trổ bông, thời gian sinh trưởng kéo dài. Cùng với đó, nhiều hộ nuôi chưa chú trọng đến ươm, dèo giống; thiết kế ruộng, vuông nuôi tôm chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật”.
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu làm cho độ mặn thay đổi, tôm chậm lớn, giảm sức đề kháng và dễ bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Nhiều vùng sản xuất tôm - lúa chậm thời vụ, lúa giảm năng suất. "Ảnh hưởng của thời tiết khiến cho chất lượng lúa gạo bị ảnh hưởng, lúa bị ẩm làm giảm chất lượng gạo", ông Phúc cho biết thêm.
Một thực trạng tồn tại đã qua là cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Ðáng lưu ý là hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống kênh cấp, kênh thoát chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, gây khó khăn cho sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Mực nước nông dẫn đến biến động môi trường lớn, tôm nuôi dễ bị tác động xấu, dễ phát sinh dịch bệnh. Nguồn nước chất lượng kém, khó lấy nước nuôi và rửa mặn, lấy ngọt sau vụ tôm do chế độ triều dao động thấp.
Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng thương hiệu, uy tín các sản phẩm tôm, lúa (sạch, hữu cơ) chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và bài bản, sản phẩm chủ yếu bán thô, chưa mang nhiều hàm lượng khoa học công nghệ vào sản phẩm.
Ðối với diện tích sản xuất lúa và tôm đạt chứng nhận (Việt Nam hoặc Quốc tế) đòi hỏi phải có công ty, doanh nghiệp tham gia, đầu tư xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn để đầu tư, dẫn đến tiến độ đạt được các chứng nhận, đặc biệt là chứng nhận tôm, lúa hữu cơ còn chậm so với kế hoạch.
Riêng sản phẩm cua và tôm càng xanh phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc (đối với cua) và thị trường Campuchia (đối với tôm càng xanh) nên trước diễn biến dịch Covid-19, khi các thị trường này đóng cửa thì sản phẩm không thể xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của người nuôi.
Một vấn đề nữa, theo ông Nguyễn Văn Phúc, hợp đồng bao tiêu nguyên liệu thể hiện tính pháp lý chưa cao, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua nên rất dễ bị phá vỡ. Một số HTX chưa ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu rõ ràng với các doanh nghiệp, chủ yếu bán cho doanh nghiệp qua thoả thuận vào cuối vụ nên hình thức này không ổn định, thiếu tính bền vững.
Từ thực tế đã qua, địa phương cũng đã có những dự tính nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, trong đó có việc tăng giá trị nông sản, đưa nông sản đến với những thị trường rộng, lớn hơn. Bên cạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch, huyện Thới Bình hướng đến hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ðể hoàn thành những chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung 3 nhiệm vụ. Trước tiên là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, thuỷ sản tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Năm 2023 phấn đấu ổn định diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 50.577 ha. Tổng diện tích gieo trồng 20.009 ha. Duy trì, củng cố 12 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa đã có. Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế gắn với liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trên 700 ha.
Năm 2023 huyện Thới Bình phấn đấu ổn định diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 50.577 ha, trong đó diện tích nuôi tôm 50.247 ha.
Ông Nguyễn Văn Phúc thông tin, huyện sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm, lúa của huyện. Tăng cường hỗ trợ đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm; xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, mã số vùng canh tác cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện. Từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau. Song song đó, sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có những sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống địa phương tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp Thới Bình phát triển bền vững. “Bên cạnh đó, căn cứ định hướng quy hoạch chung của huyện và Bản đồ phân vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện (thuộc Ðề án Phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Thới Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030), bản đồ phân bố các giống lúa trên địa bàn huyện Thới Bình năm 2021 và định hướng đến năm 2025, để tiến hành bố trí lại sản xuất nông nghiệp một cách cụ thể, xác định cơ cấu diện tích các vùng sản xuất lúa sạch và lúa hữu cơ theo kế hoạch”, ông Phúc thông tin thêm./.
Văn Ðum