Côn Ðảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một khu di tích lịch sử cách mạng và cũng là địa điểm du lịch khám phá nên trải nghiệm - ít nhất một lần trong đời.
Côn Ðảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một khu di tích lịch sử cách mạng và cũng là địa điểm du lịch khám phá nên trải nghiệm - ít nhất một lần trong đời.
Ði qua “địa ngục trần gian”
Trên chuyến bay từ Tân Sơn Nhất hạ cánh xuống Sân bay Cỏ Ống vào buổi sáng, những hành khách lớn tuổi nói với chúng tôi đừng nên bỏ qua Nhà tù Côn Ðảo - hệ thống di tích lịch sử, khi đến huyện đảo này. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng hệ thống phòng giam, xà lim và phòng giam biệt lập - “chuồng cọp” tại khu vực Côn Ðảo.
Trong hơn 100 năm, khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hy sinh tại “địa ngục trần gian” này, nơi cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày. Tại mỗi phòng giam, lúc cao điểm có đến hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh… đến những nhà cách mạng nổi tiếng như Tôn Ðức Thắng, Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, Phạm Hùng… đều từng bị giam giữ nơi đây.
Chúng tôi hoà trong dòng người đi qua các trại giam, khu biệt giam và qua lời của nhân viên thuyết minh, không ít người chợt rùng mình khi nghe chuyện các tù nhân phải chịu đựng đủ mọi hình thức tra tấn, từ ngày này qua ngày khác. Chẳng hạn, Trại giam Phú Hải có đầy đủ các khu vực như giảng đường, bệnh xá, nhà bếp, nhà ăn…, nhưng các tù nhân không được dùng. Bởi tất cả đều được dựng lên để đối phó với các đoàn giám sát về nhân quyền của quốc tế và đánh lừa dư luận.
Trại giam Phú Tường, nơi nổi tiếng với “chuồng cọp”, xây dựng năm 1940 với diện tích hơn 5.000 m2 gồm 120 phòng giam có chấn song sắt phía trên, 60 phòng “tắm nắng” không có mái che. Khu biệt giam này bị giấu kín hoàn toàn và đến năm 1970, khi được phát hiện và phơi bày đã gây chấn động, bàng hoàng cho dư luận quốc tế. Không chỉ bị tra tấn, họ còn bị lột trần, phơi nắng phơi sương cho đến chết… Trong khi đó, hầm phân bò là một kiểu nhục hình dã man khác. Ðược xây dựng năm 1930, sâu 3 m, chứa phân và nước dội, rửa chuồng bò, dùng để tra tấn người tù.
Du khách tham quan “chuồng cọp” - “địa ngục trần gian” ở Côn Ðảo. |
Nghĩa trang Hàng Dương nằm trên trục đường chính dẫn vào trung tâm huyện đảo. Với diện tích khoảng 20 ha, đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào Việt Nam yêu nước đã lần lượt hy sinh dưới ách tù đày, khổ sai tàn bạo của bọn thực dân và đế quốc. Năm 1992, di tích này đã được đầu tư tôn tạo và chia thành 4 khu với hơn 1.900 ngôi mộ, trong đó có nhiều mộ tập thể và hầu hết là các ngôi mộ khuyết danh.
Ði qua “địa ngục trần gian” hôm nay, đứng trước những chứng tích còn lại vẫn khiến người đời ghê rợn.
Khám phá “thiên đường du lịch”
Côn Ðảo tươi đẹp, với những bãi biển trong xanh, rất yên ả và thanh bình. |
Là một quần đảo đặc biệt thiêng liêng của Tổ quốc với khu di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, dường như - theo chúng tôi cảm nhận, lịch sử bất khuất đó càng tôn cho thiên nhiên Côn Ðảo thêm tươi đẹp. Côn Ðảo hôm nay đã và đang trở thành một thiên đường du lịch thanh bình và yên tĩnh.
Ở lại Côn Ðảo, chúng tôi được cô chủ khách sạn nhiệt tình hướng dẫn tham quan, khám phá quần đảo với phương tiện thuận lợi nhất là xe gắn máy. Bạn có thể rong ruổi bất kỳ đâu, khi muốn dừng lại khám phá một bãi biển, hoặc hang động, khu rừng nào đó, chỉ cần dựng xe đó mà… đi thoải mái, vì ở đảo “không bao giờ bị mất cắp”. Ðiều đó tạo cho du khách cảm giác an toàn tuyệt đối.
Khám phá nghề nuôi hải sản ở Bến Ðầm. |
Có lẽ bởi thế nên chúng tôi đã có thời gian thư thái ở bãi Ông Ðụng, lặn ngắm san hô khi thuỷ triều cao và đi dạo dọc bãi biển, ngắm nhìn những sinh vật biển và không gian yên tĩnh của vịnh. Rồi từ bãi Ông Ðụng, đi ca-nô tham quan hòn Tre Nhỏ và xem rùa biển đẻ trứng ở hòn Tre Lớn. Côn Ðảo có quần thể rùa biển rất lớn. Hằng năm, vào mùa sinh sản, có hàng ngàn lượt rùa biển lên bãi cát đẻ trứng. Ði xe máy, bạn tự do ghé lại bất kỳ địa điểm nào ưa thích, điều đặc biệt nước biển ở đây trong xanh như ngọc, khiến đoạn đường lên mũi Cá Mập chừng như bớt trắc trở.
Cách trung tâm khoảng 15 km, Bến Ðầm là vịnh sâu nhất ở Côn Ðảo nên đây cũng là nơi đặt cảng biển chính của đảo - cảng Bến Ðầm. Chúng tôi để xe ở cảng và đi tàu ra làng bè, ở đó có nhiều loại hải sản rất ngon như: cá mú đỏ, mú đen, tôm hùm, ghẹ, cá bốp… phục vụ du khách ngay trên bè. Vừa thưởng thức đặc sản giữa biển trong xanh, vừa ngắm nhìn bao quát toàn vịnh, Bến Ðầm nằm giữa đảo Côn Sơn và Hòn Bà, được 2 đỉnh núi lớn Thánh Giá và đỉnh Tình Yêu che chắn gió nên bên trong vịnh rất yên ắng.
Và sau một ngày tham quan, khám phá Côn Ðảo, bất kỳ du khách nào cũng muốn chạy đến bãi Nhát để trải nghiệm cùng vẻ đẹp thiên nhiên, ngắm mặt trời lặn qua đỉnh Tình Yêu. Bãi Nhát chỉ xuất hiện tại Côn Ðảo khoảng vài giờ vào hoàng hôn./.
Bài và ảnh: Phước Vĩnh