(CMO) Giai đoạn 2016-2020 khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Cà Mau tiếp tục được củng cố, kiện toàn; cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới, hiệu quả; quy mô về kinh tế nâng lên; phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.
Củng cố, phát triển tổ chức
Liên minh HTX tỉnh chủ động trong công tác tư vấn, vận động các HTX kiểu cũ đăng ký và chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Tích cực tuyên truyền, vận động hộ cá thể, tổ hợp tác (THT) và cá nhân thành lập HTX. Qua 5 năm thành lập mới 174 HTX, bình quân 35 HTX/năm. Có 166 HTX nông nghiệp (chiếm 72,8%) và 62 HTX phi nông nghiệp (chiếm 27,2%). Trong HTX phi nông nghiệp có 2 quỹ tín dụng Nhân dân, 17 HTX thương mại và dịch vụ, 20 HTX vận tải, 18 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 5 HTX vệ sinh môi trường. Thành lập mới 287 THT, đến nay, toàn tỉnh có 1.178 THT, tăng 7% so với năm 2016; trong đó, 1.080 THT nông nghiệp, 98 THT phi nông nghiệp; nhiều THT phát triển thành HTX hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các trường chuyên nghiệp mở 30 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý HTX, với 1.380 cán bộ quản lý tham dự và tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn thủ tục thành lập cho 101 HTX, chiếm 58% tổng số HTX thành lập mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ thành lập mới với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, liên minh HTX đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức được 43 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về KTTT cho cán bộ chủ chốt cấp xã, với 3.468 lượt cán bộ tham dự và 1 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về KTTT cho cán bộ cấp tỉnh và huyện, với 41 lượt cán bộ tham dự.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Đỗ Văn Sơ cho biết: Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTTT, HTX là nhiệm vụ quan trọng, được Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Theo đó, Liên minh HTX tỉnh củng cố HTX hiện có, phát triển mới HTX những nơi đủ điều kiện, không chạy theo số lượng, thành tích. Tăng dần quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm.
Đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 100% HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX kiểu mới. Qua chuyển đổi, các HTX lấy lợi ích của thành viên là mục tiêu chính; cung ứng nhiều dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên. HTX nông nghiệp cung ứng ít nhất 3 dịch vụ cho thành viên (vật tư, đầu vào, đầu ra...) và nhiều nhất 16 dịch vụ (giống, vật tư, đầu vào, đầu ra, khai thác cơ sở hạ tầng, làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến...).
Nông dân xã Trần Hợi làm khô cá bổi. |
Bảo vệ quyền lợi HTX
Liên minh HTX tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành và địa phương thực hiện tốt công tác tư vấn, hoà giải, giải quyết ngay từ cơ sở các kiến nghị, thắc mắc, khiếu nại liên quan đến quyền lợi của các HTX về thuế, cấp giấy phép đăng ký HTX, tranh chấp luồng tuyến, đền bù tài sản, tài chính, quyền lợi sử dụng phù hiệu của thành viên và chế độ bảo hiểm xã hội đối với HTX. Trong nhiệm kỳ, đã giải quyết dứt điểm 9 đơn thư khiếu nại liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của HTX, thành viên và người lao động. Qua đó, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết trong nội bộ HTX.
Ông Đỗ Văn Sơ trăn trở: "Tuy rất quan tâm nhưng việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại của lĩnh vực KTTT, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do HTX không có tài sản thế chấp, hoặc có (đất, trụ sở, máy móc) nhưng ngân hàng không chấp thuận". Trong điều kiện HTX khó tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, nhiều HTX được vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp HTX duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn thành viên và người lao động trong lĩnh vực KTTT, HTX.
Từ khi Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đi vào hoạt động (cuối năm 2009) đến nay vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh cấp là 15.500 triệu đồng; vốn từ thành viên đóng góp 330,5 triệu đồng. Trong nhiệm kỳ qua, nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân cho 85 dự án, với tổng số tiền 21,330 tỷ đồng, bình quân 251 triệu đồng/dự án; ước đến cuối năm tổng dư nợ là 15,246 tỷ đồng.
Liên minh HTX tỉnh chủ động phối hợp với các ngành liên quan và địa phương, triển khai có trách nhiệm và thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; tư vấn, hỗ trợ HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân và làm nòng cốt trong giảm nghèo ở địa phương. Trên địa bàn tỉnh có 82 xã, trong đó đã công nhận 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát triển bền vững
KTTT, HTX là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Mục tiêu trong nhiệm kỳ mới được Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đề ra là đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các loại hình hợp tác trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, giá trị HTX và các quy định của pháp luật. Khuyến khích xây dựng mối liên kết giữa các HTX, THT với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, mở rộng quy mô, nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ông Đỗ Văn Sơ cho biết: "Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn nhất quán và ngày càng hoàn thiện, tạo khung pháp lý và môi trường thuận lợi để khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Cà Mau có ưu thế riêng về thổ nhưỡng, khí hậu cũng như cây trồng, vật nuôi, chính vì vậy, việc thành lập các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương là cơ sở để các HTX hướng tới".
Theo đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đề ra chỉ tiêu mỗi năm thành lập mới khoảng 80 THT; từ 18-20 HTX. Đến năm 2025 phấn đấu thành lập ít nhất từ 1-2 liên hiệp HTX, đến cuối nhiệm kỳ số HTX tăng 1,5 lần và số thành viên tăng 2 lần so với cuối năm 2020. Phấn đấu HTX hoạt động khá, tốt đạt 40% trở lên, tỷ lệ yếu dưới 10%; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 60%; phi nông nghiệp đạt 70%. Vốn điều lệ, tài sản, thu nhập của thành viên HTX, liên hiệp HTX, THT tăng 1,5 lần; số HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tăng 2 lần so với giai đoạn 2015-2020; phấn đấu có từ 30-40% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp...
Ông Đỗ Văn Sơ khẳng định: "Để triển khai, thực hiện đạt 12 chỉ tiêu cụ thể đề ra, Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX, vai trò và lợi ích của KTTT, HTX mang lại cho thành viên, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển KTTT, nòng cốt là HTX theo phương châm tích cực, bền vững, chú trọng chất lượng và tăng quy mô thành viên của HTX. Nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về KTTT, HTX. Phát huy vai trò và nhiệm vụ của BCĐ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình phát triển KTTT, HTX. Xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển KTTT, HTX theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh phù hợp với mục tiêu, quan điểm và giải pháp phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2020-2025 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau, khoá XVI"./.
Với những thành tích đạt được, nhiệm kỳ qua, liên minh HTX nhận được 2 bằng khen của Chính phủ, 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bộ, ngành tặng 8 bằng khen; BCH Liên minh HTX Việt Nam tặng 10 bằng khen; Chủ tịch UBND tỉnh tặng 74 bằng khen. Đặc biệt, năm 2017 Liên minh HTX tỉnh Cà Mau được suy tôn là lá cờ đầu phong trào thi đua của Cụm thi đua Tây Nam Sông Hậu và được Liên minh HTX Việt Nam tặng cờ thi đua. |
Đỗ Chí Công