Là tiểu vùng đầu tiên của tỉnh sẽ được khép kín vào cuối năm 2016, các công trình thuỷ lợi Tiểu vùng 10 Nam Cà Mau đang được tiến hành. Đây là “bài test” cuối cùng nhằm nhân rộng mô hình sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm ở một số huyện thuộc vùng Nam Cà Mau, một vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Là tiểu vùng đầu tiên của tỉnh sẽ được khép kín vào cuối năm 2016, các công trình thuỷ lợi Tiểu vùng 10 Nam Cà Mau đang được tiến hành. Đây là “bài test” cuối cùng nhằm nhân rộng mô hình sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm ở một số huyện thuộc vùng Nam Cà Mau, một vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Các công trình thuỷ lợi khép kín Tiểu vùng 10 Nam Cà Mau thuộc dự án quản lý thuỷ lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ÐBSCL (WB6). Theo đó, để khép kín được Tiểu vùng 10 cần xây dựng 20 công trình lớn, nhỏ và trên 25 km đê bao cùng nhiều hạng mục khác.
Cống Bàu Chấu, một trong những công trình quan trọng của dự án khép kín Tiểu vùng 10 Nam Cà Mau. |
Theo dự án, khi các công trình hoàn thành sẽ có trên 8.800 ha đất sản xuất của người dân ở 2 xã Trần Thới, huyện Cái Nước và Việt Thắng, huyện Phú Tân được hưởng lợi. Không chỉ hướng tới mục tiêu ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu úng, xổ phèn trong mùa mưa, mà khi hoàn thành, các hạng mục của công trình còn đảm đương nhiệm vụ cấp nước mặn, tiêu thoát nước thải phục vụ nuôi tôm trong mùa khô. Ngoài ra, với trên 25 km đê bao sẽ được đầu tư không chỉ hạn chế tình trạng tràn do triều cường mà còn góp phần phát triển giao thông bộ trong vùng dự án.
Huyện Cái Nước là một trong những địa phương có địa hình về thuỷ lợi rất phức tạp. Nhiều khu vực sản xuất của huyện nằm ven theo các con sông lớn nhưng có nhiều đoạn hiện nay gần như không có đê chống tràn. Tiêu biểu như đoạn gần khu vực cống Bàu Chấu, xã Trần Thới, nhiều đoạn gần như chỉ là bờ bao khuôn hộ, không chỉ nhỏ mà còn thấp.
Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Phạm Phúc Giang cho biết, cái khó của huyện hiện nay trong sản xuất chính là hạ tầng thuỷ lợi. Do huyện có địa hình thuỷ lợi với rất nhiều điểm giáp nước, triều cường nên nước dâng cao trong khi đê lại thấp. Từ đó, việc tiến hành rà soát từng khu vực nhằm đầu tư khép kín tiểu vùng phục vụ sản xuất của người dân là vô cùng cần thiết.
Ông Nguyễn Vĩnh Sang, Giám đốc Ban Quản lý dự án Cà Mau (PMU Cà Mau), đơn vị chủ đầu tư dự án, cho biết, không chỉ có ý nghĩa phục vụ sản xuất của người dân lâu dài mà công trình cống Bàu Chấu còn được tỉnh chọn là 1 trong 4 công trình điểm chào mừng Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nên tiến độ đang được đẩy nhanh, đồng thời cũng được giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, ông Sang còn cho biết thêm, do là một trong những cống chính của vùng nên để đảm bảo việc cấp và tiêu thoát nước tốt nhất cũng như không ảnh hưởng đến lưu thông của người dân, cửa cống Bàu Chấu được thiết kế 1 khoang (1 cửa) với khẩu độ 30 m. Ðồng thời, cửa van khi mở được kéo đứng bằng xi-lanh thuỷ lực, một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Ðến nay, công trình cống Bàu Chấu đã hoàn thành các phần cơ bản. Ðồng thời, 25 km đê bao và 19 cống còn lại cũng đang được đầu tư xây dựng song song đảm bảo hoàn thành đúng thời gian đề ra (năm 2016) để phục vụ tốt nhất sản xuất của người dân.
Sản xuất lúa trên đất nuôi tôm đang là mô hình cho thấy sự bền vững. Tuy nhiên, khi đem nhân rộng tại một số huyện của vùng Nam Cà Mau như: Cái Nước, Ðầm Dơi, Phú Tân lại có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người cho là không thực hiện được do đất khu vực này nhiều năm làm tôm đã nhiễm mặn nặng. Cũng có nhiều người lại khẳng định nếu hệ thống thuỷ lợi được đầu tư khép kín tốt thì sản xuất sẽ hiệu quả. Qua thực tế sản xuất, những năm qua đang nghiêng về nhận định không làm được. Do đó, việc đầu tư khép kín Tiểu vùng 10 này như “bài test” cuối cùng cho ý tưởng nhân rộng mô hình sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm của các huyện trên.
Tuy nhiên, việc được hay không được hiện nay không chỉ phụ thuộc vào hạ tầng thuỷ lợi mà vẫn còn một vấn đề đang cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Ðó chính là việc vận động người dân thực hiện theo quy hoạch một cách đồng bộ. Ðối với vùng nhiễm mặn nặng như xã Trần Thới và Việt Thắng, nếu người dân không đồng loạt rửa mặn vào mùa mưa thì việc khép kín cũng gần như không có tác dụng. Về vấn đề này, ông Giang cho biết, huyện sẽ tích cực vận động người dân sản xuất theo đúng quy hoạch được phê duyệt.
Theo ông Sang, khi triển khai dự án tổ chức họp dân để trình bày mục tiêu, ý nghĩa của dự án đa phần bà con đều đồng tình. Việc ủng hộ ấy thể hiện bằng việc bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công từ cống Bàu Chấu cho đến tuyến đê và các công trình khác.
Ông Nguyễn Văn Liệt, ấp Ðầm Cùng, xã Trần Thới, bộc bạch: “Ðộc canh con tôm quá nhiều năm, giờ đây tình trạng tôm chết do môi trường bị ô nhiễm cứ diễn ra liên tục, được 1-2 vụ lại bị sự cố. Thấy anh em ở huyện Thới Bình và U Minh sản xuất tôm - lúa mang lại hiệu quả cũng ham lắm nhưng chưa làm được, nếu đủ điều kiện sản xuất hiệu quả tội gì không làm”./.
Bài và ảnh: Song Nguyễn